Đẩy mạnh CĐS được xác định là giải pháp quan trọng, là xu hướng tất yếu để nâng cao năng suất, chất lượng, thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo của nền kinh tế. Xác định tầm quan trọng của CĐS, từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Lục Yên đã xây dựng và ban hành 15 văn bản chỉ đạo CĐS.
Về chỉ tiêu Chính quyền số, huyện đã triển khai và sử dụng tốt phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp, cấp 826 tài khoản cho cán bộ, công chức, viên chức; 56 tài khoản cho các cơ quan đơn vị và các xã, thị trấn; triển khai gửi, nhận văn bản giữa các đơn vị trong huyện với cơ quan, ban, ngành của tỉnh trên môi trường mạng, đạt 100%.
Đã được cấp 1.015 tài khoản thư điện tử công vụ của tỉnh cho cán bộ công chức, viên chức của huyện để thực hiện trao đổi công việc, gửi, nhận văn bản, tỷ lệ đạt 50%; cấp chữ ký số cho 10 phòng chuyên môn thuộc UBND huyện, 24 xã, thị trấn và Văn phòng Cấp ủy và Chính quyền, Cơ quan Tổ chức - Nội vụ, Cơ quan Thanh tra - Kiểm tra; 550 chữ ký số cá nhân lãnh đạo và công chức các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn.
Triển khai xây dựng Đề án phòng họp không giấy tại Văn phòng Cấp ủy và Chính quyền huyện; triển khai thí điểm "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” tại 12 chi bộ thuộc Đảng bộ Cơ quan Chính quyền. Đã thành lập Tổ CĐS cộng đồng tại 24/24 xã, thị trấn với 210 người; Tổ chuyển đổi số ở 195 thôn. Tổ chức các buổi tập huấn cho các tổ với trên 2 nghìn người tham gia.
Đến nay, đã hỗ trợ đưa 10 sản phẩm đạt OCOP 3 sao và sản phẩm đặc trưng lên sàn thương mại giao dịch điện tử PostMart. Huyện đã khảo sát, dự kiến lắp đặt hệ thống truyền thanh thông minh gắn với nền tảng phát thanh số trực tuyến vào tháng 8/2022 ở thị trấn Yên Thế và 9 xã được phê duyệt.
Ngành Giáo dục huyện Lục Yên là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác CĐS. Để bắt kịp xu thế CĐS, cùng với tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm thực hiện CĐS trong toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, ngành đã tham mưu cho UBND huyện tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ cho các trường học. Hiện các nhà trường trên địa bàn huyện đều được trang bị đầy đủ phòng học máy tính với hàng nghìn máy tính được kết nối mạng Internet.
Với quan điểm trường học thông minh xây dựng từ lớp học thông minh, Trường Tiểu học Trần Phú, thị trấn Yên Thế đã chủ động triển khai xây dựng lộ trình thực hiện CĐS, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, giáo viên về sự cần thiết của việc CĐS trong quá trình đổi mới giáo dục; đầu tư trang bị hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng để thực hiện CĐS. Cùng với đó, các thầy cô giáo cũng đã tích cực ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào giảng dạy, thiết lập phương thức học tập mới.
Để đẩy mạnh thực hiện CĐS, thời gian tới, huyện Lục Yên tiếp tục duy trì việc sử dụng các phần mềm đã triển khai, đẩy mạnh triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trên phần mềm quản lý văn bản. Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của tỉnh triển khai phần mềm dữ liệu dùng chung và phần mềm chuyên ngành trên địa bàn huyện; hoàn thiện phòng họp không giấy, duy trì và nâng cao chất lượng phòng họp truyền hình trực tuyến từ huyện đến cơ sở.
Triển khai có hiệu quả các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin gắn kết chặt chẽ với chương trình cải cách hành chính. Tiếp tục triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; từng bước triển khai thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt trên Cổng dịch vụ công của tỉnh Yên Bái, Cổng dịch vụ công quốc gia; tích hợp xác thực điện tử công dân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; từng bước số hóa các kết quả giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời tăng cường số hóa hồ sơ của các tổ chức, công dân.
Hoàng Anh