Trên toàn cầu, hơn 60 quốc gia đã thiết lập khung pháp lý và tiêu chuẩn riêng của họ liên quan đến chữ ký điện tử và giao dịch kỹ thuật số. Tuy nhiên, sự phát triển này chỉ mới bắt đầu. Số lượng các quốc gia ban hành luật hoặc quy định liên quan đến chữ ký điện tử đang tiếp tục tăng lên hàng năm. Trong số nhiều quốc gia đã ban hành luật về chữ ký điện tử, một số quốc gia đã thông qua các luật, đạo luật, quy định hoặc chính sách nổi bật như sau:
Hoa Kỳ: Đạo luật Chữ ký điện tử (E-Sign act) và Đạo luật Thống nhất về giao dịch điện tử (UETA)
Được ban hành vào tháng 6.2000, Đạo luật E-Sign là luật liên bang lớn đầu tiên của Hoa Kỳ bảo đảm tính hợp pháp của các hợp đồng được ký bằng chữ ký điện tử. Đạo luật quy định, chữ ký trên các tài liệu và hợp đồng không được từ chối hiệu lực pháp lý hoặc bị phán quyết là không thể thi hành chỉ vì bản chất kỹ thuật số của chúng.
UETA được thông qua với mục tiêu thống nhất các luật của các bang khác nhau trong lĩnh vực chữ ký điện tử và lưu trữ tài liệu trực tuyến. UETA - đã được 47 bang thông qua cho đến nay đã mở đường cho việc ký hóa đơn điện tử và chữ ký điện tử. Nó thường được coi là cơ sở pháp lý để thực thi các thỏa thuận điện tử.
Canada: Đạo luật Bảo vệ thông tin cá nhân và tài liệu điện tử
Đạo luật Bảo vệ thông tin cá nhân và tài liệu điện tử của Canada, còn được gọi là PIPEDA, quy định cách xử lý dữ liệu của người tiêu dùng liên quan đến quyền riêng tư và bảo mật. Luật nhằm thúc đẩy thương mại điện tử bằng cách nâng cao lòng tin của người tiêu dùng trong việc giao dịch với các doanh nghiệp trong khu vực tư nhân của Canada.
Australia: Đạo luật Giao dịch điện tử năm 1999
Đạo luật Giao dịch điện tử của Australia cung cấp một khuôn khổ quy định tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng các giao dịch điện tử và bảo đảm rằng không có giao dịch nào bị phán quyết là không hợp lệ chỉ vì nó được hoàn thành bằng phương thức điện tử. Đạo luật này đã được sửa đổi gần đây nhất vào năm 2011 để cung cấp nhiều biện pháp bảo vệ hơn nữa cho người tiêu dùng và doanh nghiệp Australia.
Liên minh châu Âu: Chỉ thị châu Âu 1999/93/EC và eIDAS
Chỉ thị của Liên minh châu Âu được thông qua năm 1999 là đạo luật về chữ ký điện tử trên quy mô rộng đầu tiên có hiệu lực ở Liên minh châu Âu. Tất cả các quốc gia thành viên bắt buộc phải tuân thủ trước tháng 7.2001. Chỉ thị tương tự như Đạo luật E-Sign của Hoa Kỳ ở chỗ nó cung cấp các biện pháp bảo vệ cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng đồng ý tiến hành kinh doanh trực tuyến bằng cách sử dụng chữ ký điện tử và tài liệu kỹ thuật số.
Sau đó vào tháng 9.2014, châu Âu thông qua quy định về "Định danh, Xác thực Điện tử và Dịch vụ Tin cậy” dành cho thị trường Chung châu Âu (eIDAS). Quy định này chính thức được công nhận vào tháng 9.2018. Với quy định mới này, cư dân và doanh nghiệp tại châu Âu có thể sử dụng hệ thống định danh cấp quốc gia để xác thực danh tính khi truy cập dịch vụ công hoặc thực hiện các giao dịch điện tử liên biên giới. Quy định eIDAS được cho là nhằm thay thế cho Chỉ thị về Chữ ký điện tử 1999/93/EC đã lỗi thời, thiếu tính pháp lý đối với công nghệ mới được ra mắt sau năm 1999.
Với eIDAS, các bộ luật chồng chéo của quốc gia thành viên trong Khối EU sẽ được loại bỏ và thay thế bằng một khung pháp lý chung, thống nhất, được công nhận trên toàn khối lãnh thổ về tính pháp lý của chữ ký/con dấu điện tử, dấu thời gian điện tử và văn bản điện tử. Quy định eIDAS mang đến hai lợi ích chủ yếu cho doanh nghiệp và người tiêu dùng: tăng cường độ tin cậy và minh bạch với giao dịch điện tử trong thị trường chung châu Âu thông qua một danh sách các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử tiêu chuẩn và thiết lập một nền tảng pháp lý chung cho giao dịch điện tử an toàn giữa công dân, doanh nghiệp và cơ quan công lập của các quốc gia thành viên.
Vương quốc Anh: Đạo luật Truyền thông điện tử năm 2000 và quy định về chữ ký điện tử năm 2002
Dựa trên khuôn khổ Chỉ thị của Liên minh châu Âu 1999, Đạo luật Truyền thông điện tử của Vương quốc Anh đưa ra những bảo đảm về tính pháp lý của chữ ký điện tử liên quan đến các dịch vụ mã hóa, liên lạc điện tử và lưu trữ dữ liệu cho những người sống ở Anh, Scotland và xứ Wales.
Quy định về chữ ký điện tử năm 2002 song hành với Đạo luật năm 2000 trong việc thực hiện các quy tắc đã được Liên minh châu Âu đưa ra trong Chỉ thị năm 1999 của mình. Dựa trên các quy định năm 2002, chữ ký điện tử ở Vương quốc Anh là bất kỳ dạng dữ liệu điện tử nào được gắn vào hoặc liên kết với một phần dữ liệu điện tử khác.
Ấn Độ: Đạo luật Công nghệ thông tin năm 2000
Đạo luật Công nghệ Thông tin của Ấn Độ được thiết kế để giải quyết các mối quan tâm ngày càng tăng của các doanh nghiệp thực hiện giao dịch trực tuyến ở Ấn Độ. Bản thân Đạo luật cung cấp sự công nhận về mặt pháp lý cho các tài liệu điện tử và chữ ký số, mặc dù phần lớn khuôn khổ ban đầu đã được tháo gỡ trong một bản sửa đổi đối với Đạo luật, được Quốc hội Ấn Độ thông qua vào năm 2008.
Nhật Bản: Luật về chữ ký điện tử và dịch vụ chứng nhận
Phần lớn các quy định về chữ ký điện tử của Nhật Bản bắt nguồn từ Luật về dịch vụ chứng nhận và chữ ký điện tử. Luật khuyến khích việc sử dụng hồ sơ điện tử và quy định rằng chữ ký điện tử rất quan trọng đối với nền kinh tế của quốc gia và chất lượng cuộc sống của công dân.
Trung Quốc: Luật Chữ ký điện tử
Được thông qua vào năm 2004, Luật Chữ ký điện tử của Trung Quốc đã tiêu chuẩn hóa cách thức tạo ra chữ ký điện tử ở Trung Quốc và bảo vệ lợi ích của những người tham gia giao dịch trực tuyến. Bằng cách tiêu chuẩn hóa và quy định cách xử lý dữ liệu điện tử, Luật Chữ ký điện tử có hiệu lực cung cấp tất cả các khuôn khổ cần thiết để bảo đảm rằng chữ ký điện tử vẫn ràng buộc về mặt pháp lý ở Trung Quốc.
New Zealand: Đạo luật Giao dịch điện tử
Khi có hiệu lực đầy đủ vào năm 2003, Đạo luật Giao dịch điện tử của New Zealand đã công nhận vai trò quan trọng mà thương mại điện tử và chữ ký điện tử sẽ đóng trong nền kinh tế tương lai của đất nước. Để thúc đẩy điều đó, Đạo luật cung cấp các biện pháp bảo vệ cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời cho phép giao tiếp điện tử giữa các doanh nghiệp và Chính phủ.
(Theo Đại biểu nhân dân)