7 phương thức sử dụng thông tin công dân thay sổ hộ khẩu, sổ tạm trú

  • Cập nhật: Thứ bảy, 31/12/2022 | 9:01:53 AM

Khi thực hiện các thủ tục hành chính hay giao dịch dân sự, người dân có thể dùng 7 phương thức sử dụng thông tin công dân thay sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.

Hoạt động cấp căn cước công dân tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hoạt động cấp căn cước công dân tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, thực hiện Luật Cư trú năm 2020 quy định về việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, sử dụng hộ khẩu điện tử là cuộc cải cách hướng tới giảm các thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân trong các giao dịch.

Để việc triển khai thực hiện có hiệu quả nhằm tạo thuận lợi, giảm phiền hà cho công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính hay giao dịch dân sự, sau khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bị thu hồi hoặc hết hiệu lực, người dân có thể sử dụng 7 phương thức sau.

Thứ nhất, người dân sử dụng căn cước công dân gắn chip.

Đây là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú. Điều 3, Điều 18 và Điều 20 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định, khi công dân xuất trình căn cước công dân, thì cơ quan, chức, cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin về căn cước công dân.

Thứ hai, công dân, cơ quan, tổ chức dùng thiết bị đọc mã QR trên căn cước công dân gắn thiết bị được tích hợp với máy tính hoặc thiết bị di động để đọc các thông tin gồm: Số căn cước công dân; số chứng minh nhân dân 9 số; họ và tên; ngày sinh; giới tính; nơi thường trú; ngày cấp căn cước công dân.

Thứ ba, công dân, cơ quan, tổ chức sử dụng thiết bị đọc thông tin trong chip trên căn cước công dân phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch dân sự...

Các thông tin gồm: họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quê quán; nơi thường trú; số chứng minh đã được cấp; ảnh chân dung; vân tay;...

Thứ tư, người dân tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Theo đó, sau khi truy cập trang web dân cư quốc gia theo địa chỉ dichvucong.dancuquocgia.gov.vn, công dân đăng nhập tài khoản theo hướng dẫn.

Sau đó, chủ tài khoản truy cập vào chức năng "Thông tin công dân". Thông tin cơ bản của công dân sẽ hiển thị gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; nơi thường trú; số định danh cá nhân; số chứng minh nhân dân.

Thứ năm, cá nhân sử dụng ứng dụng VNeID hiển thị các thông tin trên thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Để thực hiện, công dân đến cơ quan công an đăng ký tài khoản mức 2; cài ứng dụng VNeID; kích hoạt tài khoản trên thiết bị di động khi nhận được tin nhắn thông báo. Sau khi được kích hoạt, thông tin hiển thị trên VNeID gồm: Số căn cước công dân; họ và tên; ngày sinh; giới tính; đặc điểm nhận dạng; số điện thoại,...

Thứ sáu, công dân sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú được ban hành kèm theo Thông tư số 56/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ trưởng Công an.

Để có giấy này, người dân đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước để đề nghị cấp, hoặc gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua dịch vụ công trực tuyến khi cần thiết.

Bộ Công an đã chỉ đạo công an các địa phương tạo điều kiện tối đa cho công dân khi xin cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú. Mẫu giấy này có đầy đủ thông tin cá nhân, thông tin về nơi cư trú của công dân, thông tin về chủ hộ, mối quan hệ của các thành viên trong hộ gia đình.

Thứ bảy, công dân sử dụng thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bộ Công an đã chỉ đạo cấp thông báo số định danh và thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho 100% người chưa được cấp căn cước công dân trên toàn quốc.

Các thông tin trên thông báo số định danh cá nhân gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; tình trạng hôn nhân; nhóm máu;...

Hiện nay, Bộ Công an đã đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức, sở, ban, ngành có liên quan căn cứ thông tin trên căn cước công dân gắn chip, thông báo số định danh cá nhân, xác nhận thông tin về cư trú để xác định nơi cư trú của công dân khi giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự. Mục đích để thống nhất với quy định của Luật Cư trú năm 2020, không yêu cầu người dân xuất trình sổ thường trú, sổ tạm trú giấy.

Với 7 phương thức sử dụng thông tin công dân thay việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như trên, từ ngày 1/1/2023 tới đây, công dân sẽ cần có 1 trong 4 loại giấy tờ có giá trị chứng minh cư trú để thực hiện các giao dịch dân sự.

Cụ thể là: Căn cước công dân gắn chip, Tài khoản định danh điện tử, Giấy xác nhận thông tin về cư trú/hoặc Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với người chưa được cấp căn cước công dân.

(Theo NDO)

Các tin khác

Chiều 29/12, Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết công tác CĐS năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Hội nghị được triển khai trực tuyến từ điểm cầu cấp tỉnh tới tất cả các điểm cầu huyện, thị xã, thành phố.

Đồng chí Nguyễn Huy Dũng - Thứ Trưởng Bộ TTTT phát biểu tại buổi làm việc.

Ngày 29/12, đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) làm trưởng đoàn đã có cuộc làm việc tại thị xã Nghĩa Lộ về triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số (CĐS) năm 2022.

Thương mại điện tử bền vững sẽ trở thành xu thế nổi bật. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN

Theo trang sendcloud.com, những diễn biến trong năm 2022 đã và đang khiến các doanh nghiệp thương mại điện tử phải thận trọng.

Cán bộ xã Tuy Lộc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích của CĐS.

Thời gian qua, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi số (CĐS) tăng cường đầu tư hạ tầng công nghệ số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, tuyên truyền nâng cao nhận thức về lợi ích CĐS để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục