Thực hiện kế hoạch phối hợp giữa UBND thành phố Yên Bái với Sở Thông tin và Truyền thông về triển khai Công dân số trên địa bàn, thành phố Yên Bái đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng thương mại tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số cơ bản; hướng dẫn, hỗ trợ cho cán bộ công chức, viên chức và người dân cài đặt và sử dụng các nền tảng số.
Thành phố cũng phát động tháng cao điểm về chuyển đổi số (CĐS) với chủ đề "Tăng tốc, lan tỏa, thiết thực, hiệu quả”; tổ chức ký cam kết đăng ký thực hiện nội dung CĐS, đặc biệt đưa nội dung, chỉ tiêu triển khai Công dân số vào ký cam kết với các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường, các đơn vị cung cấp dịch vụ nhằm tạo sự đột phá, thúc đẩy CĐS mạnh mẽ hơn.
Tổ chức điều tra mẫu các chỉ tiêu Công dân số đối với cán bộ công chức, viên chức thuộc các phòng, ban, đơn vị, nhân dân trên địa bàn 15 xã, phường để đánh giá thực chất, khách quan kết quả triển khai các chỉ tiêu Công dân số.
Qua quá trình triển khai cho thấy, nhận thức về CĐS của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố của thành phố Yên Bái đã thành lập tổ CĐS cộng đồng, mở mới gần 10.000 tài khoản cho cá nhân, tổ chức, hộ kinh doanh.
Gần 50.000 công dân được tạo tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt gần 50%; trên 92.000 người được cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử, gần 18.000 người được cấp tài khoản định danh điện tử.
Đoàn viên thanh niên phường Nguyễn Thái Học hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng YenBai-S.
Cùng với đó, thành phố đã triển khai các sáng kiến về CĐS như: "Ngày không dùng tiền mặt”; "Ngày thứ 6 lên sàn”; thành lập Tổ tư vấn hỗ trợ trực tuyến người dân về thủ tục đất đai; Bản đồ nhân viên y tế điện tử, Bản đồ xe cứu thương điện tử; phát động đợt cao điểm tạo mã định danh điện tử; tạo mã QR về thông tin quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu…
Qua thời gian triển khai thực hiện, đến nay đã có 6/6 tiêu chí về công dân số đạt và vượt, trong đó 4/6 tiêu chí vượt, 2/6 tiêu chí đạt. Trong đó, chỉ tiêu Công dân trên địa bàn thành phố có thiết bị thông minh được kết nối Internet đạt 74,8%, vượt 5%; chỉ tiêu Công dân trên địa bàn thành phố được cài đặt và sử dụng nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử và nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa (VOV Bacsi24) đạt 70,2%, bằng 100%; chỉ tiêu Công dân trên địa bàn thành phố được cài đặt và sử dụng nền tảng mua sắm trực tuyến đạt 84,7%, vượt 21%; chỉ tiêu Công dân trên địa bàn thành phố cài đặt và sử dụng nền tảng mua sắm trực tuyến (Voso, Postmart) đạt 71,9%, vượt 2%); chỉ tiêu Công dân trên địa bàn thành phố được cài đặt và sử dụng nền tảng mở rộng tri thức (Reavol) đạt 70,3%, bằng 100%; chỉ tiêu Công dân trên địa bàn thành phố được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số cơ bản” đạt 80,2%, vượt 14%.
Hết năm 2022, tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đạt 75,6%; 100% trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập, bệnh viện thu hộ tiền viện phí, học phí bằng hình thức không dùng tiền mặt. Tỷ lệ công dân được cấp mã định danh điện tử đạt 56,9%.
Đặc biệt, theo kết quả công bố kết quả xếp hạng CĐS của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh năm 2022, thành phố Yên Bái dẫn đầu khối địa phương với tỷ lệ hoàn thành là 87,21%.
Ông Nguyễn Hữu Lợi - Chủ tịch UBND xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái cho biết: Những tiện ích từ Công dân số đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, nhất là đối với một địa phương thuần nông như Minh Bảo. Người dân đã từng bước chuyển dần từ phương thức bán hàng truyền thống sang giao dịch trên các sàn thương mại điện tử. Đến nay, đã có 89,4% người dân Minh Bảo cài đặt nền tảng ứng dụng Voso, Postmart; 54% hộ kinh doanh cá thể, hộ sản xuất nông nghiệp ở địa phương đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử với 4 sản phẩm: Chè Bát Tiên, mộc nhĩ, nấm Linh chi, mật ong đa hoa tự nhiên.
Ông Nguyễn Ngọc Trúc - Chủ tịch UBND thành phố cho biết: "Việc triển khai công dân số đã góp phần làm thay đổi nhận thức và hành động của mỗi cá nhân, tổ chức trên địa bàn thành phố, mỗi người dân đang dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình CĐS với các hoạt động phát triển mạnh như: giao dịch điện tử trong thanh toán các dịch vụ điện, nước, mua sắm trực tuyến, nộp học phí tại các trường học, thanh toán phí và lệ phí các thủ tục hành chính, thanh toán hóa đơn điện tử... Đây là cơ sở để thành phố tiếp tục triển khai ứng dụng Công dân số Yên Bái (YenBai-S) trên địa bàn từ đầu tháng 3”.
YenBai-S đang cung cấp 17 tiện ích như: chợ số, phản ánh kiến nghị, ví điện tử, tiền điện, tiền nước, bảo hiểm y tế, vệ sinh môi trường; mua vé máy bay... với mục tiêu "Hướng tới sự hài lòng và hạnh phúc của người dân”, ứng dụng trên thiết bị thông minh để người dân tương tác trực tiếp với các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái thông qua kênh phản ánh, góp ý, tiếp nhận thông tin và sử dụng các dịch vụ đô thị thông minh, dịch vụ công của chính quyền Nhà nước được nhanh chóng và thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công dân số, thành phố cũng gặp không ít khó khăn do nhận thức của một bộ phận người dân về công tác CĐS còn hạn chế; người dân vẫn sử dụng điện thoại thông minh cấu hình thấp hoặc không sử dụng điện thoại thông minh.
Hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị công nghệ thông tin ở một số phòng, ban, đơn vị, UBND xã, phường thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu của CĐS, phát triển mô hình đô thị thông minh. Cán bộ, công chức, viên chức có khả năng phụ trách, thực hiện nhiệm vụ về công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà nước còn thiếu và yếu, đặc biệt là ở cấp xã....
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Trúc cho biết thêm: Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền; nghiên cứu xây dựng các nội dung tuyên truyền đa dạng, phong phú, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện về các dịch vụ, ứng dụng số; tăng cường tuyên truyền trên các nền tảng số như trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội... để người dân nắm bắt, thực hiện cũng như nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người dân về sự cần thiết, tính cấp thiết của CĐS, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Tiếp tục triển khai, nhân rộng các mô hình CĐS; đặc biệt là các nền tảng số tới 100% cán bộ, công chức, viên chức để hình thành các công chức số, thúc đẩy chính quyền CĐS mạnh mẽ hơn; đẩy mạnh việc sử dụng, cung cấp các nền tảng số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý của cơ quan, địa phương. Chỉ đạo các tổ CĐS cộng đồng phối hợp với các tổ chức, cá nhân tuyên truyền, triển khai các nền tảng số, công nghệ số đến công dân.
Thành phố đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp triển khai các ứng dụng, giải pháp, nền tảng công nghệ hỗ trợ Công dân số trên địa bàn thành phố Yên Bái; hướng dẫn để thành phố tổ chức các hoạt động CĐS, từ đó thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp cùng tham gia theo phương châm "CĐS luôn lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển"; chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông thực hiện việc rà soát, nâng cấp hạ tầng, mạng lưới đảm bảo chất lượng phục vụ công dân và doanh nghiệp tham gia hoạt động CĐS.
Cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tiếp tục là những nhân tố tích cực sử dụng, ứng dụng các nền tảng số trong cuộc sống hằng ngày, kịp thời thông tin, góp ý, chung tay cùng chính quyền để công tác CĐS được thực hiện kịp thời, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, cơ sở.
Mạnh Cường - Thu Trang