Trao đổi về công tác CĐS của phường Đồng Tâm, đồng chí Đỗ Thị Lan Phương - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường chia sẻ: "Trước hết cần nắm vững đặc điểm tình hình của phường để có biện pháp triển khai sát với thực tiễn. Chúng tôi xác định các thuận lợi, khó khăn để đề ra biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị, cùng toàn thể đảng viên và nhân dân triệt để khai thác thuận lợi, khắc phục khó khăn, xây dựng phường đạt tiêu chí phường CĐS trong năm 2022".
Phường Đồng Tâm có dân số khá đông, trên 3.928 hộ với 13.722 nhân khẩu của 9 dân tộc, trong đó 16% là cán bộ, công nhân, viên chức hưu trí, 49% là cán bộ, công nhân, viên chức đang công tác, 10% là nông dân, 25% hoạt động kinh doanh dịch vụ, được phân bổ tại 16 tổ dân phố.
Trên địa bàn phường có hơn 80 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trong đó có nhiều cơ quan đầu não của tỉnh; nhiều cơ sở văn hóa, thể thao như: Trung tâm Hội nghị, nhà thi đấu, quảng trường, bảo tàng, thư viện cùng các sở, ban, ngành, trường chuyên nghiệp của tỉnh...; thường xuyên diễn ra các sự kiện quan trọng của tỉnh và thành phố, đón tiếp các đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước và nước ngoài đến làm việc tại Yên Bái.
Vì vậy, xây dựng Đồng Tâm thành phường CĐS hết sức có ý nghĩa không chỉ đối với phường mà còn có ý nghĩa với cả thành phố và tỉnh. Kết quả CĐS của Đồng Tâm, có sức lan tỏa lớn đến các địa phương trong thành phố và tỉnh.
Theo Bí thư Phương, phường đã rút ra 4 bài học trong thực hiện CĐS. Trước tiên, phải làm tốt công tác chuẩn bị. Ngay khi nhận được kế hoạch CĐS, phường đã nhanh chóng thành lập tổ CĐS phường và 16 tổ CĐS cộng đồng tại các tổ dân phố, gồm những người có trình độ tin học nhất định, do bí thư Chi bộ làm tổ trưởng.
Tổ CĐS phường có trách nhiệm tham mưu với Đảng ủy, UBND phường về công tác CĐS. Các tổ CĐS cộng đồng có nhiệm vụ rà soát, tổng hợp dữ liệu dân cư, thực hiện cài đặt, kích hoạt các ứng dụng số trên điện thoại thông minh của nhân dân và hướng dẫn cách sử dụng.
Phường đã mời cán bộ chuyên môn của Sở Thông tin- Truyền thông tập huấn cho thành viên các tổ CĐS để có đủ trình độ hỗ trợ người dân. Cùng với thành lập tổ CĐS là xã hội hóa, lắp đặt hệ thống mạng Internet tại tất cả các nhà văn hóa tổ dân phố và vận động đảng viên, nhân dân trang bị điện thoại thông minh, tối thiểu, hộ gia đình có 1 điện thoại thông minh. Vì đây là cơ sở hạ tầng cần có của CĐS.
Thứ hai, phải chú trọng tới công tác tuyên truyền. Vì nếu đảng viên và nhân dân không thông suốt, thì không đồng hành, sẽ rất khó thực hiện CĐS thành công. Điều này quả thực cũng không dễ dàng. Vì CĐS là thuật ngữ chuyên ngành vừa mới lại vừa trừu tượng. Mặc dù từ cuối năm 2021, thuật ngữ "chuyển đổi số” đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nhưng không có một định nghĩa thống nhất, cách nêu khái niệm của các nhà công nghệ số mang tính bác học chưa phù hợp với trình độ của dân.
Đảng ủy, UBND phường đã chỉ đạo tổ CĐS phải giải thích bản chất, tác dụng của CĐS một cách thật đơn giản, dễ hiểu. Sau đó tuyên truyền bằng nhiều hình thức: phát trên Đài Truyền thanh phường, đăng trên các trang Zalo tổ dân phố, chi bộ, các chi hội đoàn thể, đưa vào nội dung sinh hoạt chi bộ, làm tờ rơi phát tới từng hộ gia đình.
Bí thư Phương bộc bạch: Chúng tôi chú ý tới trình độ và khả năng nhận thực của nhân dân. Không quá đi sâu vào nội dung khái niệm CĐS mà tập trung nêu những tiện ích CĐS đem lại cho cuộc sống của nhân dân. Chỉ cần dân hiểu: CĐS là ứng dụng công nghệ số để thay đổi cách làm truyền thống, bằng cách làm mới đem lại năng suất, hiệu quả hơn.
Ví dụ: Khi giải quyết một thủ tục hành chính, ví dụ như làm giấy khai sinh, người dân phải đến bộ phận phục vụ hành chính công, nhưng nếu thực hiện CĐS thì có thể giao dịch ở mọi lúc mọi nơi. Như vậy, CĐS sẽ làm thay đổi cách sống, cách giao dịch, cách làm việc, giúp người dân sử dụng các dịch vụ hành chính, y tế, giáo dục, thương mại một cách thuận tiện, nhanh chóng. Song muốn sử dụng các tiện ích do CĐS đem lại thì phải trở thành các công dân số. Nghĩa là phải tạo lập các tài khoản ứng dụng số trên điện thoại thông minh và biết sử dụng nó.
Với các cơ quan nhà nước, CĐS sẽ thay đổi quy trình nghiệp vụ, phương thức hoạt động, cách giải quyết các dịch vụ hành chính, phục vụ dân tốt hơn, nhanh hơn, thuận tiện hơn.
Với các doanh nghiệp, CĐS giúp doanh nghiệp chuyển từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số, thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, kinh doanh, dịch vụ để có hiệu quả kinh tế và phục khách hàng tốt hơn. 3 trụ cột chính của CĐS là chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đều lấy con người làm trung tâm, là một xu hướng có tính chất toàn cầu. Vì vậy muốn hội nhập, chúng ta phải CĐS.
Tính gương mẫu, trách nhiệm nêu gương của đảng viên phường Đồng Tâm trong CĐS được thể hiện ở việc sử dụng ứng dụng "Sổ tay đảng viên điện tử" (STĐVĐT), lập tài khoản định danh điện tử mức độ 2 (VNeID) và cài đặt ứng dụng Công dân số (Yên Bái- S).
Đảng bộ phường Đồng Tâm có 27 chi bộ trực thuộc, trong đó có 16 chi bộ tổ dân phố, còn lại là các chi bộ công an, trường học, doanh nghiệp. Toàn Đảng bộ có 1.305 đảng viên, trong đó nhiều chi bộ có hơn 100 đảng viên. Đảng viên phần lớn là cán bộ hưu trí, có nhận thức chính trị tốt, trình độ văn hóa cao.
Ngoài ra, trên địa bàn phường còn có 1.900 đảng viên đang công tác, sinh hoạt theo Quy định 213- QĐ/TW, ngày 02/1/2020 của Ban Chấp hành Trung ương. Vì vậy, nếu các đảng viên gương mẫu, thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương CĐS thì sẽ có kết quả và sức tác động rất lớn tới công tác CĐS của toàn phường.
Được Thành ủy lựa chọn là Đảng bộ thực hiện thí điểm sử dụng STĐVĐT, Đảng bộ đã phát động thi đua cài đặt STĐVĐT, các chi bộ cập nhật kết quả từng ngày.
Để bảo đảm tiến độ, các chi bộ tập trung đảng viên theo từng tổ Đảng vào các buổi tối để thành viên tổ CĐS đến cài đăt, kích hoạt ứng dụng và hướng dẫn thao tác sử dụng. Nên chỉ trong vòng 1 tuần, 1018/1300 đảng viên của 27 chi bộ trực thuộc đã cài đặt và nắm bắt được các thao tác sử dụng STĐVĐT. Trong đó, các chi bộ công an, trường học, doanh nghiệp đạt 100%. Chỉ còn 382 đảng viên của các chi bộ tổ dân phố, tuổi cao, sức yếu được miễn sinh hoạt là chưa sử dụng.
Ngay sau đó, Đảng bộ phường đã sử dụng STĐVĐT trong họp Ban chấp hành, các chi bộ cũng sử dụng STĐVĐT trong sinh định kỳ và sinh hoạt chuyên đề. Kỳ sinh hoạt đầu tiên sử dụng STĐVĐT cũng bỡ ngỡ phải vừa làm vừa học, hoàn thiện dần các thao tác.
Qua hai tháng sử dụng STĐVĐT, Thành ủy yêu cầu Đảng bộ phường chọn một chi bộ tổ chức sinh hoạt mẫu sử dụng STĐVĐT cho các bí thư đảng bộ, chi bộ toàn thành phố tới học tập, rút kinh nghiệm. Buổi sinh hoạt mẫu đã đạt kết quả tốt, tạo niềm tin cho các chi, đảng bộ toàn thành phố triển khai. Đến nay, tất cả các bí thư chi bộ của Đảng bộ Đồng Tâm đều đã làm chủ STĐVĐT.
Sử dụng STĐVĐT trong sinh hoạt Đảng đã làm thay đổi tư duy của cán bộ, đảng viên, bước mở đầu rất tốt cho CĐS. Từ thành công của các chi, đảng bộ thí điểm, Tỉnh ủy Yên Bái đã mở rộng triển khai tới tất cả các chi bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh, khẳng định quyết tâm của tỉnh trong CĐS theo tinh thần Nghị quyết số 51 của Tỉnh ủy, đảng viên phải gương mẫu đi trước.
Đồng Tâm đã tập hợp được nhân dân đồng hành cùng chính quyền trong công tác CĐS. Đơn cử, trong tuyên truyền cho nhân dân hiểu về tài khoản định danh điện tử (VNeID) và Ứng dụng Công dân số Yên Bái- S để dân tự giác thực hiện. Để thuận tiện trong việc lập VNeID của cán bộ, công chức, sinh viên, học sinh, UBND phường đã chỉ đạo Công an phường làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ và các buổi tối.
Khi các thông tin cá nhân đã được Cục Cảnh sát về quản lý hành chính và trật tự xã hội Bộ Công an phê duyệt, cán bộ tổ CĐS phường phối hợp với tổ CĐS cộng đồng và cảnh sát khu vực tiến hành kích hoạt tài khoản VNeID trên điện thoại của các cá nhân tại nhà văn hóa tổ dân phố vào các buổi tối. Nhờ triển khai quyết liệt nên ngay từ đợt I, trên 60% công dân của phường đã kích hoạt và sử dụng VNeID.
Đồng thời, Đồng Tâm cũng tiến hành vận động nhân dân cài đặt, sử dụng ứng dụng Yên Bái-S, thư điện tử, STĐVĐT, ví điện tử, phần mềm quản lý văn bản điều hành... Để toàn dân cài đặt, sử dụng VNeID, Yên Bái - S nhanh chóng, phường đã phát động thi đua, giao chỉ tiêu thực hiện cho các chi bộ và các tổ dân phố, các tổ chức đoàn thể, ký cam kết với Đảng ủy, UBND phường...
Qua thực tiễn Đồng Tâm, có thể khẳng định, để công tác CĐS cũng như các nhiệm vụ được giao thành công, đòi hỏi người đứng đầu cấp ủy Đảng cơ quan, đơn vị, xã, phường phải có tư duy đột phá, tư tưởng thông suốt, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, đoàn kết chặt chẽ, giải pháp sáng tạo, phù hợp, sát thực tiễn và trình độ tin học nhất định. Đó cũng là tiêu chí cần có của một cán bộ Đảng thời cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngày 8 tháng 4 năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái ra Quyết định số 565/ QĐ- UBND, ban hành Kế hoạch CĐS năm 2022, chỉ đạo, các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh CĐS, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số ở Yên Bái.
Đến nay, vừa tròn một năm thực hiện, CĐS ở Yên Bái đã đạt những kết quả đáng kể. Đã có trên 34.000 tài khoản được cài đặt trên ứng dụng công dân số Yên Bái (YenBai-S), đạt 90% tổng số người dân từ 18 tuổi trở lên. YenBai-S cũng tiếp nhận gần 150 ý kiến phản ánh, góp ý của nhân dân, trên 80 ý kiến được các cơ quan, đơn vị chức năng kịp thời xử lý. YenBai-S cũng đã cập nhật 38 thông báo của tỉnh, thiết thực với nhân dân.
Ngày 29/3/2023, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác CĐS, tại điểm cầu cấp tỉnh và các điểm cầu tất cả các huyện thị, thành phố, xã, phường toàn tỉnh; khai trương hệ thống Hội nghị giao ban đa phương tiện tỉnh Yên Bái và công bố quyết định của UBND tỉnh, phê duyệt kết quả CĐS của các ban, ngành, huyện, thị.
Theo đó, khối sở, ngành: Sở Thông tin- Truyền thông đạt 89, 55%, xếp thứ nhất, Văn phòng UBND tỉnh đạt 88, 16%, xếp thứ nhì, Sở Tài chính đạt 86, 26%, xếp thứ ba; khối huyện thị, thành phố Yên Bái đạt 87, 21%, xếp thứ nhất, huyện Văn Yên đạt 84, 18%, xếp thứ nhì, huyện Yên Bình đạt 83, 99%, xếp thứ ba.
|