Tiktok, Facebook, Youtube… đã và đang phát triển như vũ bão. Nhờ vào các nền tảng này, rất nhiều người từ diễn viên, người mẫu, bác sĩ, công nhân, nông dân, nhà báo và thậm chí phụ hồ hay giang hồ cũng có thể trở thành key opinion leader (kols), gọi nôm na là̀ ngườ̀i có́ ảnh hưởng đế́n công chú́ng trên mạng xã hội.
Nếu như trước đây "quyền lực thứ tư", là cụm từ thường được dùng để nói về "quyền lực” của báo chí, bên cạnh các quyền về hành pháp, lập pháp và tư pháp, thì hiện nay đã xuất hiện một khái niệm mới tạm gọi là "quyền lực thứ năm” - kols.
Xu hướng nhà báo kiêm KOLS
T.H, một nhà báo đang sở hữu trang Facebook cá nhân có hơn 80.000 người theo dõi, để xây dựng được kênh Facebook này, T.H đã mất khoảng 5 năm để viết bài thường xuyên. Những bài viết trên mạng của T.H đôi khi có quan điểm không nhất quán với các bài đăng báo.
Thông thường, mỗi tháng T.H có khoảng 3 - 5 lời mời hợp tác từ các nhãn hàng. Công việc mà nhãn hàng yêu cầu thường khá đơn giản, thường bắt đầu là nhận nội dung định hướng sau đó viết bài chia sẻ về thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp. Mức thù lao cho mỗi bài viết rất hấp dẫn, trung bình từ 10.000.000đ/post trên Facebook.
"Với những kols có lượng người theo dõi lớn hơn thì thù lao đương nhiên cũng tăng theo. Hiện lượng người theo dõi trên trang Facebook cá nhân của tôi là 70.000 người, khi đặt vấn đề hợp tác, nhãn hàng sẽ tự đánh giá hiệu quả truyền thông và trả chi phí. Họ cũng không được đặt ra yêu cầu bài viết phải đạt lượng tương tác cụ thể bao nhiêu. Họ trả tiền, nếu bài viết thu hút ít người đọc, like, share, comment, nhãn hàng sẽ thuê thêm 1 đơn vị trung gian nữa để chạy quảng cáo, đẩy tương tác…” anh T.H tiết lộ.
Chính vì kiếm tiền tương đối đơn giản nên rất nhiều nhà báo, người mẫu, diễn viên, nghệ sĩ, thậm chí cả nông dân, công nhân… tham gia vào mạng xã hội với mong ước trở thành người có ảnh hưởng để từ đó kiếm được tiền trên các nền tảng như Facebook, Youtube, Tiktok…
Tuy nhiên, việc kiếm tiền trên mạng xã hội có rất nhiều rủi ro, cạm bẫy. Thời gian vừa qua, một số kols đã bị các cơ quan chức năng xử lý hình sự vì sử dụng mạng xã hội làm công cụ để vu khống, tung tin đồn ác ý, bôi nhọ gây ra ảnh hưởng tiêu cực hoặc xâm hại tới quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân…
Với sự vào cuộc khá mạnh tay của nhiều cơ quan chức năng nên thời gian gần đây, hiện tượng một số kols (kiêm nhà báo hoặc nhà báo tự phong) dùng Facebook "đánh đấm” đã lắng xuống.
Để phòng vệ, nhiều kols chuyển hướng, chỉ nhận quảng bá các sản phẩm của doanh nghiệp. Ở hướng kiếm tiền này, mức thù lao thấp hơn nhưng khả năng bị xử lý hình sự cũng không cao như việc dùng Facebook bôi nhọ, vu khống cá nhân, tổ chức khác…
Chính vì cảm thấy "an toàn” hơn nên nhiều kols nhận quảng bá cho cả những sản phẩm nhập lậu, hàng xách tay, không rõ đơn vị cung cấp, không được cấp phép, kiểm định. Từ sự tiếp tay của kols, những doanh nghiệp bất chính tha hồ "lùa gà” trên mạng xã hội.
Anh S.B, một nhà văn sở hữu lượng người theo dõi lên tới 145.000, cho biết: "Mỗi khi có lời mời hợp tác của nhãn hàng, tôi thường "đòi” xem xét các loại giấy phép của sản phẩm. Sau khi xem, tôi thường phải từ chối ít nhất 4 nhãn hàng. Lời mời đôi khi không chỉ đến từ các nhà cung cấp sản phẩm kém chất lượng, mà còn tới từ những ông đồng, bà cốt, thầy bói, thầy lang bán thuốc đông y, thuốc gia truyền, hay đồ vật như bùa chú, đồ phong thủy,… những thứ này đã có thời gian xuất hiện như nấm sau mưa trên các trang mạng.
Ngay cả những nghệ sĩ nổi tiếng, thậm chí nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú cũng từng tiếp tay giới thiệu trên trang Facbook, Youtube của mình. Ở trong giới kols, chúng tôi có thể dễ dàng nhận biết được đâu là kols chỉ nhận những đơn hàng sạch, đâu là kols nhận tất cả các yêu cầu, miễn là có tiền, nhiều tiền”.
Cũng theo anh S.B, "đội ngũ” những người làm kols này đang ngày càng nhiều, thực sự không thể có con số chính xác số lượng những người này; những người có ảnh hưởng đang chiếm số lượng áp đảo so với các nhà báo được cấp thẻ và sức ảnh hưởng của họ tạo ra cũng không hề kém cạnh, thậm chí đang lấn át.
Nhờ vào lượng tương tác khủng, lượt chia sẻ thông tin nên kols có thể định hướng dư luận. Chỉ cần khoảng 3-4 "kols đen” cùng nhận tiền của ai đó để có động thái tẩy chay một hoạt động hay một thương hiệu uy tín thì doanh nghiệp sẽ rất dễ đứng trước bờ vực phá sản do làn sóng tẩy chay, đấu tố, hạ tín nhiệm từ những fan của kols.
Cần giải pháp quản lý quyết liệt, mạnh tay
Nhà báo Đinh Hiền (Báo Công an Nhân dân), một người am hiểu về giới kols, cho rằng "quyền lực thứ năm” là con dao hai lưỡi, ở đó có cả những thông tin tích cực và thông tin tiêu cực; người tiếp nhận thông tin cũng có người tỉnh táo và người chưa nhận biết được đâu là thông tin tiêu cực và tích cực…
Hiện, "quyền lực thứ năm” đang có lợi thế là không bị quản lý chặt chẽ, lại có tính tương tác cao, mức độ lan tỏa mạnh mẽ, nên ở một góc độ nào đó sẽ là kênh truyền thông tốt song song với quyền lực thứ tư, nếu được kiểm soát. Bên cạnh những kols tích cực, truyền tải những thông tin tốt, lại có những kols truyền tải những thông tin không tốt, gây ảnh hưởng xấu chỉ nhằm vào những câu chuyện xảy ra.
Năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Quy tắc nhấn mạnh trách nhiệm, danh dự của người hoạt động nghệ thuật; không lạm dụng danh hiệu, hình ảnh để tư lợi...
(Theo vneconomy)