Năm 2020, Hệ thống GBĐT đa phương tiện bắt đầu được triển khai tại tỉnh với quy mô ban đầu là 118 điểm cầu. Đến nay, Yên Bái đã mở rộng đến 100% các sở, ban, ngành, các huyện, các xã, thị trấn trên toàn tỉnh, nâng quy mô hệ thống lên 210 điểm cầu. Trong đó, Tỉnh ủy 1 điểm cầu, HĐND 1 điểm cầu, UBND tỉnh 1 điểm cầu, các ban đảng 6 điểm cầu, cơ quan tham mưu thuộc UBND tỉnh 19 điểm cầu, cấp huyện 9 điểm cầu và cấp xã 173 điểm cầu.
Trong 2 năm (2021-2022) Hệ thống đã phục vụ 409 hội nghị. Trong đó có 9 hội nghị trực tuyến liên thông 4 cấp; 248 hội nghị trực tuyến từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến cấp huyện; 152 hội nghị trực tuyến từ cấp huyện đến xã. Đặc biệt, Hệ thống đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong thời gian dịch bệnh Covid -19 với tổng số 19 hội nghị chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch bệnh bằng hình thức trực tuyến.
Bên cạnh đó, Hệ thống cũng góp phần giảm chi phí cho các hội nghị. Một trong những hoạt động thể hiện rõ nét nhất trong xây dựng chính quyền số của tỉnh chính là việc đưa Hệ thống GBĐT đến 100% các sở, các ban đảng và các xã trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nâng cao năng lực điều hành của chính quyền các cấp, trở thành động lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Lê Trọng Khang - Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Trước kia, mỗi lần có hội nghị, cuộc họp ở tỉnh, chúng tôi phải đi gần 200 km về dự họp, xong lại tổ chức mời các xã về huyện để họp triển khai, cấp xã lại tổ chức cuộc họp triển khai nhiệm vụ tại địa phương mất rất nhiều thời gian, chi phí và nhiều khi thông tin cần triển khai nhanh thì không kịp. Từ khi triển khai Hệ thống GBĐT đến nay, huyện đã giảm được các chi phí, thời gian đi lại, thành phần tham dự cuộc họp được mở rộng, công việc được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã chỉ trong một cuộc họp”.
Đặc biệt trong thời gian vừa qua, việc sử dụng Hệ thống GBĐT trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần giảm tối đa các cuộc họp đông người, tiết kiệm thời gian và chi phí di chuyển, lưu trú, bảo đảm thông tin chỉ đạo trực tiếp, nhanh chóng, thuận tiện cho lãnh đạo và cán bộ các cấp, giúp tỉnh Yên Bái có một thời gian dài nằm trong vùng xanh an toàn.
Trong quá trình khai thác sử dụng Hệ thống hoạt động ổn định, phục vụ cho một số hội nghị quan trọng của tỉnh với các huyện, thị xã, thành phố như: Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ 30, khóa XVIII, Hội nghị Chính phủ với địa phương giải ngân đầu tư công, đảm bảo an sinh xã hội; Sơ kết 3 năm thực hiện đề án "thí điểm đổi mới tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng; công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn…
Trong thời gian vừa qua, do đánh giá được tính hiệu quả, nhu cầu sử dụng của Hệ thống GBĐT, đã có 4 điểm cầu do các sở, ban, ngành chủ động tự đầu tư lắp đặt như: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường; 32 điểm cầu do UBND các huyện, thành phố tự đầu tư như: thành phố Yên Bái 10 điểm, huyện Yên Bình 4 điểm, huyện Lục Yên 18 điểm cầu.
Hệ thống Hội nghị GBĐT của Sở Tư pháp được UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt, đầu tư trang thiết bị vào tháng 1/2023, đến nay chính thức được đưa vào sử dụng. Trong 6 tháng đầu năm, Sở đã tổ chức 2 hội nghị trực tuyến tập huấn nghiệp vụ công tác xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận và Hội nghị Bồi dưỡng nghiệp vụ cho hòa giải viên cơ sở năm 2023 do Sở làm điểm cầu chính đã kết nối với 173 xã, phường, thị trấn và 9 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Với cơ sở hạ tầng đáp ứng, tốc độ đường truyền ổn định, Hội nghị được tổ chức thành công.
Ông Nguyễn Huy Cường - Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: "Phấn đấu trong thời gian tới, Sở Tư pháp tăng cường sử dụng Hệ thống GBĐT đạt mục tiêu 50% các cuộc họp do Sở chủ trì được tổ chức bằng hình thức trực tuyến kết hợp với trực tiếp theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái tại Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 01/12/2022 về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ nâng cao thứ bậc xếp hạng Chuyển đổi số (DTI) tỉnh Yên Bái.
Việc triển khai đồng bộ Hệ thống GBĐT đa phương tiện tỉnh Yên Bái đến 100% các sở, ban, ngành, các huyện, các xã, thị trấn trên toàn tỉnh đã thể hiện quyết tâm chính trị của lãnh đạo tỉnh Yên Bái trong việc đưa chuyển đổi số trở thành động lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hướng tới mục tiêu Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.
Hồng Duyên