Chưa đầy một tháng, tổ dân phố số 4, phường Nguyễn Thái Học đã tiến hành hướng dẫn cài đặt và sử dụng ứng dụng công dân số YenBai-S cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi có điện thoại thông minh sinh sống trên địa bàn tổ. Đây là tổ dân phố đầu tiên của thành phố Yên Bái hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch hướng dẫn cài đặt và sử dụng YenBai-S. Đến nay, 100% số người trên 18 tuổi có điện thoại thông minh của tổ đã sử dụng thành thạo và có phản hồi tích cực về các tiện ích cũng như sự hữu ích của ứng dụng trong đời sống hàng ngày.
Bà Đào Thị Chiến - Tổ trưởng Tổ dân phố số 4, phường Nguyễn Thái Học chia sẻ: "Chúng tôi sớm kiện toàn tổ chuyển đổi số (CĐS) cộng đồng, phân công nhiệm vụ cụ thể. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức như qua nhóm zalo, facebook, các cuộc họp chi bộ, họp tổ dân phố. Đặc biệt, chúng tôi vận động lực lượng cán bộ, công chức, viên chức sinh sống trên địa bàn tổ dân phố, các cháu học sinh thành thạo công nghệ thông tin tham gia cùng tổ CĐS cộng đồng của tổ để cài đặt và hướng dẫn sử dụng ứng dụng công dân số YenBai-S tại tổ dân phố”.
Với những trường hợp công dân già, yếu, khó khăn trong đi lại, thành viên Tổ CĐS cộng đồng xuống từng nhà để hướng dẫn cài đặt và hướng dẫn sử dụng ứng dụng. Cùng với đó, duy trì chế độ báo cáo hàng ngày để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Phường Hồng Hà là đơn vị hành chính có địa bàn rộng, đông dân cư song cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều sáng tạo trong quá trình triển khai ứng dụng YenBai-S. Nhờ đó, phường Hồng Hà là đơn vị sớm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.
Bên cạnh việc sớm ban hành kế hoạch, tổ chức tập huấn cho lực lượng nòng cốt, phường đã tổ chức phát động và ký giao ước thi đua để kịp thời khuyến khích, động viên các tổ CĐS cộng đồng tổ dân phố trong triển khai cài đặt ứng dụng.
Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, phương tiện như loa phát thanh, xe loa lưu động, Trang thông tin điện tử phường, mạng xã hội, tuyên truyền trong các nhóm Zalo an ninh tổ dân phố, nhóm Zalo của các câu lạc bộ, đội văn nghệ, các hội nhóm...; đặc biệt, phối hợp với các nhà trường tuyên truyền trong nhóm Zalo phụ huynh của các lớp học trong các nhà trường, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội phường thông qua các hội nghị, cuộc họp, nhất là chú trọng tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ gia đình thông qua thành viên các tổ CĐS cộng đồng, tổ công tác…
Sau khi được tuyên truyền thấy được tiện ích thiết thực trong ứng dụng YenBai-S, nhiều người dân đã tự trang bị, nâng cấp điện thoại để cài đặt và sử dụng ứng dụng.
Bà Nguyễn Thùy Chinh - Phó Chủ tịch UBND phường chia sẻ: "Chúng tôi xác định phải tổ chức ra quân đồng loạt mới tạo khí thế lan tỏa. Cùng với đó, tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ tại các hộ gia đình vào tất cả các ngày trong tuần kể cả buổi tối và ngày nghỉ. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cài đặt và sử dụng ứng dụng. Chỉ đạo 100% đảng viên các chi bộ trực thuộc Đảng bộ; các đảng viên đang công tác cư trú trên địa bàn tự cài đặt và hướng dẫn người thân, gia đình, đồng nghiệp cài đặt và sử dụng. Hỗ trợ, hướng dẫn từ xa đối với các công dân hiện đang vắng mặt tại địa phương. Đồng thời trong quá trình thực hiện kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và có sự động viên khen thưởng kịp thời”.
Là địa phương triển khai thí điểm vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, thành phố Yên Bái đã nhanh chóng hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch triển khai ứng dụng YenBai-S.
Sau 1 tháng triển khai thí điểm trên địa bàn thành phố, đã có trên 50.000 tài khoản cài đặt trên hệ thống, trong đó thành phố Yên Bái có trên 98% người dân từ 18 tuổi trở lên có đủ điều kiện đã cài đặt, sử dụng ứng dụng. Mặc dù chưa triển khai nhưng đã có 13.000 tài khoản của công dân tại các huyện, thị khác và người ngoài tỉnh đăng ký sử dụng. Công tác chỉ đạo quyết liệt cùng công tác tập huấn bài bản là nền móng vững chắc để thành phố Yên Bái triển khai YenBai-S.
Đồng thời, thành phố chỉ đạo các xã, phường xây dựng kế hoạch chi tiết, lộ trình thực hiện cụ thể, phân công cán bộ, công chức phụ trách từng thôn, tổ, hộ gia đình; thống kê, rà soát, phân loại và cung cấp danh sách công dân trên 18 tuổi có đủ điều kiện cài đặt ứng dụng YenBai-S.
Tổ chức đợt cao điểm hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng YenBai-S ở mọi lúc, mọi nơi, tại các nhà văn hóa xã, phường, thôn, tổ và tổ chức các nhóm hỗ trợ trực tiếp tại các hộ gia đình. Tuyên truyền về ứng dụng và những tiện ích của ứng dụng YenBai-S trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là phát huy hiệu quả của hệ thống đài truyền thanh cơ sở, xe loa lưu động, nhóm Zalo các thôn, tổ, mạng xã hội; xây dựng 552 tin, bài, ảnh, chuyên trang, chuyên mục, phóng sự truyền hình...
Đồng chí Tạ Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND thành phố khẳng định: "Qua thực tế triển khai, có thể khẳng định ứng dụng Công dân số Yên Bái (YenBai-S) đã và đang dần trở thành nền tảng quan trọng trong xây dựng chính quyền số, công dân số và xã hội số tại thành phố Yên Bái. Thông qua các tiện ích trên ứng dụng giúp chính quyền các cấp nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong giải quyết các nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực cải cách hành chính; tăng cường sự tương tác giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp; giúp người dân tiếp nhận các thông tin chính thống về hoạt động từ chính quyền một cách nhanh chóng, kịp thời”.
Ứng dụng YenBai-S đến nay đã được người dân thành phố đón nhận và đánh giá cao vì những tiện ích mang lại, mỗi người dân thành phố đang dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình CĐS và góp phần lan tỏa trong cộng đồng, xã hội... Đây là cơ sở, nền tảng để thành phố Yên Bái tiếp tục triển khai có hiệu quả ứng dụng YenBai-S nói riêng và các ứng dụng nền tảng số nói chung trong thời gian tới, hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Thanh Vy