Sản phẩm miến đao của Hợp tác xã Việt Hải Đăng, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên đạt chuẩn OCOP 3 sao vào năm 2020. Trước đây, trong điều kiện dịch bệnh COVID- 19 diễn biến phức tạp, chiếc điện thoại thông minh là phương tiện hữu hiệu để chị Phùng Thị Tuyền - Giám đốc HTX giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng trên cả nước. Thông qua Zalo, Facebook hay sàn giao dịch thương mại điện tử Voso.vn của Bưu chính Viettel, Chi nhánh Yên Bái tạo ra nhiều cơ hội cho miến đao Quy Mông đến với khách hàng nhờ kênh phân phối hiện đại và hiệu quả.
Chị Tuyền cho biết: "Khi các hoạt động xã hội trở lại bình thường sau dịch COVID - 19, việc bán hàng trên mạng xã hội hay trên sàn thương mại điện tử vẫn trở nên hữu ích, hiệu quả và nhiều người vẫn đặt hàng sản phẩm của chúng tôi thông qua các giao dịch trực tuyến, sản lượng bán hàng tăng theo từng năm. Tôi thấy đây là dịch vụ rất hữu ích cho người nông dân. Trong quá trình thực hiện các giao dịch trực tuyến, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của Viettel Post khi đưa sản phẩm lên sàn Voso.vn hay Postmart.vn của bưu điện”.
Chị Phùng Thị Tuyền - Giám đốc HTX Việt Hải Đăng chụp ảnh, giới thiệu sản phẩm miến trên các nền tảng số
Không chỉ chị Tuyền mà hàng nghìn hộ nông dân Yên Bái đã được tiếp cận với các sàn thương mại điện tử để quảng bá và giới thiệu sản phẩm nông sản của mình đến khách hàng trong và ngoài nước. Nắm bắt cơ hội về kinh tế số, nhất là khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 51 về chuyển đổi số và UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 86 về hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các chủ thể sản xuất nông nghiệp mở tài khoản giới thiệu, mua, bán trên các sàn thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Việt Tiến - Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Chúng tôi tích cực tuyên truyền, hỗ trợ nông dân đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, trên các nền tảng mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm. Đối với các sản phẩm đã có thương hiệu thì giữ vững thương hiệu và tiếp tục mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tham gia các hội chợ thương mại, giới thiệu trên nền tảng số để quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng”.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Hoàng Xuân Long cho biết: "Các cấp Hội đã chủ động phối hợp các ngành chuyên môn rà soát các hộ sản xuất nông nghiệp đang có các loại nông sản an toàn, chất lượng có giấy chứng nhận VietGAP, các sản phẩm OCOP được ưu tiên lựa chọn tham gia sàn thương mại điện tử trước. Đến nay, trên cơ sở danh sách hộ sản xuất kinh doanh giỏi do Hội Nông dân cung cấp, Bưu điện tỉnh đã tạo được trên 30.000 tài khoản mua, bán trên sàn thương mại điện tử cho các hộ nông dân, giới thiệu được 3.550 sản phẩm trong đó có 108 sản phẩm OCOP, giá trị giao dịch thương mại trên 1 tỷ đồng".
Tuy nhiên, ở con số chung, việc đưa nông sản lên sàn của nhiều hộ sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do trình độ nhận thức, khả năng tiếp cận về chuyển đổi số của các hộ còn hạn chế. Chất lượng, số lượng sản phẩm, mẫu mã, một số sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh và khả năng đáp ứng, sản phẩm cơ bản chưa chế biến sâu nên khó khăn trong khâu bảo quản. Việc kết nối Internet, tiếp cận các thiết bị thông minh, ứng dụng, nền tảng số ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn…
Đứng trước cơ hội và cả những khó khăn trong thực hiện chuyển đổi số và đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, Hội Nông dân tỉnh xác định việc đầu tiên là phải tuyên truyền mạnh mẽ, thực chất, tập trung vào các chủ thể, các HTX, tổ hợp tác, các chi hội nông dân nghề nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp để các hộ, nhóm hộ nông dân nhận thức sâu sắc về chuyển đổi số, đưa nông sản lên sàn, coi đây là nhiệm vụ sống còn trong giai đoạn hiện nay.
Hội cũng tiếp tục phối hợp với các sở, ngành địa phương khảo sát, lựa chọn các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất nông nghiệp có năng lực, bảo đảm về chất lượng, đóng gói sản phẩm mẫu mã đẹp để giới thiệu tham gia các sàn thương mại điện tử nhằm thúc đẩy, mở rộng thị trường. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bưu điện tỉnh, Vietel Post để lựa chọn, đăng ký giao dịch cho trên 42.000 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh trên các sàn Postmart.vn và Voso.vn.
"Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền bộ chính sách đặc thù của tỉnh dành cho lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy sản cũng như lợi ích của việc đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; phổ biến kinh nghiệm triển khai có hiệu quả tại một số địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua mạng lưới thông tin cơ sở xã, phường. Chỉ đạo các ngành chuyên môn tiếp tục tuyên truyền kỹ năng, kiến thức về chuyển đổi số, cụ thể là kỹ năng bán hàng thông qua sàn thương mại điện tử cho các hộ sản xuất nông nghiệp nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh”, ông Long cho biết về những kiến nghị để tạo điều kiện thúc đẩy nông dân đưa nông sản lên sàn.
Mạnh Cường