Tuy nhiên, với những thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng, đã đến lúc phải hướng tới phát triển thương mại điện tử bền vững, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Bộc lộ nhiều yếu tố tác động xấu tới môi trường
Là một ngành đột phá, tăng trưởng của thương mại điện tử trong những năm qua luôn duy trì ở mức 2 con số, thậm chí vượt 30%. Tại Việt Nam, thương mại điện tử đã có những bước phát triển đáng khích lệ trong thời gian qua. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu từ thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Tuy nhiên, những biến động của kinh tế toàn cầu, những tác động của đại dịch khiến người tiêu dùng có xu hướng mua sắm chọn lọc hơn, trách nhiệm hơn. Theo số liệu của Kantar, 57% người dùng có xu hướng ngừng mua các sản phẩm, dịch vụ có tác động xấu tới môi trường và xã hội.
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Oanh cho biết, mặc dù thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhưng đã và đang bộc lộ rõ nhiều yếu tố không bền vững, đặc biệt là những tác động xấu tới môi trường.
Trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, có hai khâu chính tác động xấu tới môi trường, đó là: Khâu giao hàng (liên quan đến xe cộ chạy trên đường thải lượng lớn khí carbon) và khâu đóng gói (hộp carton, bao bì ni lông, màng xốp hơi, hộp xốp, đồ nhựa dùng một lần).
Thống kê của Tập đoàn đóng gói Shorr cho thấy, bao bì thương mại điện tử là nguồn gốc tạo ra lượng chất thải lớn nhất của toàn ngành, cao gấp 6 lần so với lượng rác thải bỏ đi sau khi mua tại các cửa hàng. Vì vậy, khi tăng trưởng xanh, bền vững là xu thế chung của kinh tế toàn cầu, thương mại điện tử không thể đứng ngoài cuộc.
Báo cáo đánh giá của Liên minh châu Âu (EU) cũng cho thấy, nếu không thay đổi, lượng rác thải bao bì sẽ tăng thêm 19% và rác thải nhựa tăng 46% vào năm 2030. Vì vậy, các sàn thương mại điện tử sẽ phải tuân thủ thỏa thuận xanh.
Cần chính sách thúc đẩy
Giám đốc Marketing Công ty Dịch vụ tức thời Ahamove Ngô Thị Như Quỳnh chia sẻ, tại Ahamove, với hàng chục nghìn đơn hàng được giao mỗi ngày ở hàng nghìn địa điểm khác nhau, bài toán đặt ra là phải tính toán làm sao để xe di chuyển ít nhất, lượng đơn giao được nhiều nhất. Chi phí giao vận hiện chiếm hơn 60% chi phí logistics. Vì vậy,việc tối ưu hóa giúp không chỉ giảm chi phí, mà lượng phát thải từ giao nhận thương mại điện tử cũng giảm đáng kể.
Theo nghiên cứu của Google và Temasek, việc tối ưu hóa hoạt động thương mại điện tử như giảm quãng đường di chuyển của các phương tiện giao nhận, sử dụng các vật liệu tái chế, thân thiện để đóng gói hàng hóa… sẽ góp phần cắt giảm được từ 30% đến 40% lượng khí phát thải trong lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Hội đồng tư vấn cấp cao về thương mại điện tử (Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam) cho hay, hiện nay, các chính sách về kinh tế số và thương mại điện tử đang tập trung phần lớn vào các giải pháp phát triển nhanh. Đã đến lúc, rất cần có các chính sách thúc đẩy phát triển thương mại điện tử một cách bền vững, thân thiện môi trường. Trong đó, người tiêu dùng trực tuyến, các doanh nghiệp thương mại điện tử và logistics là những đối tượng nòng cốt thực thi các giải pháp thúc đẩy sự bền vững.
Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp thương mại điện tử và bưu chính như Lazada, Grab hay Bưu điện Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo nhằm giảm tác động tiêu cực tới môi trường. Có thể kể đến việc tiết giảm số lượng thùng các tông, chuyển sang dùng 100% bao bì tái chế hay giảm rác thải nhựa; khuyến khích khách hàng chờ giao hàng chậm, thay vì đẩy mạnh quảng bá hình thức giao hàng ngay để cạnh tranh với nhau…
Chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp, Giám đốc Nghiên cứu phát triển thương hiệu VNPost Phan Trọng Lê cho rằng: "Logistics phải hướng tới sự bền vững, thân thiện và bảo vệ môi trường. Chúng tôi trú trọng quy trình thu hồi sản phẩm, hoàn hàng; tận dụng các nguyên liệu tái chế, phế phẩm, phụ phẩm trong quá trình sản xuất; tận thu phế liệu từ vật liệu đóng gói, vận chuyển”.
Còn Tổng Giám đốc Lazada Logistics Việt Nam Vũ Quốc Thịnh chia sẻ, hành trình đơn hàng từ nhà sản xuất đến người bán hàng đi qua từ 20 đến 30 bước. Hàng hóa hiện nay đa dạng nhưng quy chuẩn đóng gói không nhiều. Do vậy, nhằm giảm rác thải trong khâu đóng gói, Lazada đã sử dụng hệ thống xác định kích thước bao bì tự động để tiết giảm rác thải. Doanh nghiệp còn áp dụng giải pháp sử dụng bao bì có chứng nhận FSC hay tái sử dụng thùng các tông làm vật liệu chèn lót.
Để thương mại điện tử nước ta phát triển bền vững và thân thiện hơn với môi trường, đồng thời trở thành một công cụ quan trọng hướng tới nền kinh tế xanh và trung hòa các bon, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo, các tổ chức xã hội nghề nghiệp cần phối hợp chặt chẽ và tích cực triển khai các giải pháp hiệu quả.
(Theo HNM)