Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Diễn đàn.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Diễn đàn.
Tham dự sự kiện có đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông và Phạm Gia Túc, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nam Định.
Năm 2025, kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm 20% GDP
Với chủ đề "Mang nền tảng số đến hộ gia đình”, Diễn đàn hướng tới mục tiêu trở thành diễn đàn trao đổi thường niên của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các chuyên gia đầu ngành về tập trung phát triển kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết 52-NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ đều xác định phát triển kinh tế số, xã hội số là trọng tâm chiến lược của Việt Nam trong trung và dài hạn và đặt ra các mục tiêu rất cao và cụ thể.
Với kinh tế số, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đang đồng hành cùng thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - cách mạng chuyển đổi số - và đây cũng là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận với trình độ phát triển của khu vực và thế giới.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, đồng chí Trần Tuấn Anh bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ việc tổ chức Diễn đàn này trở thành Diễn đàn thường niên nhằm tạo ra những chuyển đổi sâu sắc cả về nhận thức lẫn hành động, huy động được sự tham gia toàn diện của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.
Các báo cáo, tham luận tại Diễn đàn sẽ là tư liệu hết sức thiết thực, hữu ích phục vụ cho việc xây dựng báo cáo giám sát đánh giá 4 năm tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về "Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” mà Ban Kinh tế Trung ương đang thực hiện.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 52-NQ/TW đã xác định phát triển kinh tế số là trụ cột, nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia và đề ra mục tiêu vào năm 2025 kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm 20% GDP và tăng lên 30% vào năm 2030.
Gần đây nhất, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030” cũng đã coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời xác định nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững.
Để cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch hành động triển khai tại trung ương và địa phương được thực hiện khá đồng bộ. Quốc hội, Chính phủ đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt chủ trương đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hoàn thiện thể chế để tạo thuận lợi cho tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Luật Giao dịch điện tử sửa đổi được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế cho chuyển đổi số.
Chính phủ cũng đã xây dựng và ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số, Chiến lược phát triển chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số.
Ban cán sự đảng Chính phủ và các Ban cán sự đảng bộ, ngành, các tỉnh ủy, thành ủy, các cấp, các ngành đã kịp thời ban hành chương trình hoặc kế hoạch hành động triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả rất đáng ghi nhận.
Kinh tế số đạt gần 15% GDP trong năm 2023
Đồng chí Trần Tuấn Anh đánh giá, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP ngày càng tăng. Theo ước tính và báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đã tăng từ 11,91% năm 2021 lên đạt 14,26% trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 14,96%.
Triển lãm về các ứng dụng công nghệ cho phát triển kinh tế số bên lề Diễn đàn.
Báo cáo thường niên kinh tế số eConnomy SEA do Google và Temasek nghiên cứu công bố tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam năm 2022 là 28%, dẫn đầu trong các quốc gia Đông Nam Á. Năm 2022 có hơn 1.400 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng gần 20% so với năm 2021.
Hạ tầng số được tăng cường đầu tư, nhiều nền tảng số tiếp tục được phát triển. 60 nền tảng, ứng dụng di động phục vụ người dân của Việt Nam có trên 1 triệu người dùng hàng tháng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số lượng người dùng hàng tháng trên các ứng dụng di động Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 vượt mức 500 triệu, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, điểm sáng mới trong phát triển xã hội số ở các địa phương trong 6 tháng đầu năm 2023 là một số tỉnh đã có số lượng tài khoản thanh toán được mở tại các ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đã vượt mức dân số bình quân của tỉnh như: Thái Nguyên, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Long An, Kiên Giang.
Đồng chí Trần Tuấn Anh ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm và những kết quả đạt được của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Tại Diễn đàn, các diễn giả đã bàn thảo về các vấn đề liên quan như: Phát triển đổi mới sáng tạo trở thành động lực xây dựng nền kinh tế số; Phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành công nghiệp nền tảng lan tỏa thúc đẩy kinh tế số, xã hội số toàn dân, toàn diện; Dữ liệu và trí tuệ nhân tạo phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số.
Song song với chương trình Hội thảo, Triển lãm về các ứng dụng công nghệ cho phát triển kinh tế số với sự tham gia của các nhà cung cấp giải pháp công nghệ thông tin hàng đầu hiện nay như Viettel, VNPT, Misa, Mobifone, FPT, Shopee, VNPay,…
(Theo NDO)