Năm học 2021 - 2022, Trường THCS Lê Hồng Phong là một trong những ngôi trường đầu tiên của huyện Lục Yên tiên phong tích cực CĐS với phương châm "Sử dụng thành thạo các phần mền quản lý, các học liệu điện tử”. Nhờ thực hiện hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông trong quản lý, dạy và học nên đã tạo được môi trường học tập mở.
Em Bùi Minh Hiển - học sinh lớp 9A1 cho biết: "Đến nay, em và các bạn trong trường đã biết lựa chọn được những nội dung phục vụ cho nghiên cứu học tập, nhất là các áp học tiếng Anh, Toán, Tin học; đồng thời tránh những nội dung xấu độc trên các trang mạng xã hội”.
Với cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền - giáo viên dạy môn Ngữ văn, từ khi nhà trường thực hiện nhiệm vụ công nghệ thông, chuyển đổi số, cô cùng với nhà trường xây dựng kho học liệu điện tử của nhà trường và của ngành giáo dục. "Áp dụng chuyển đổi vào giảng dạy rất hiệu quả, bởi đã giúp cho giáo viên sử dụng thành CNTT và thiết bị thông minh trong dạy học; tự học và nâng cao trình độ chuyên môn qua mạng. Thiết bị dạy học đã hỗ trợ đắc lực cho giáo viên chúng tôi và học sinh tiếp cận những thông tin nhanh từ mọi miền của đất nước và trên thế giới” - cô Hiền chia sẻ.
Đến nay, Trường THCS Lê Hồng Phong đã có nhiều chuyển biến trong CĐS công tác dạy - học và quản lý giáo dục. Thầy Phùng Trung Kiên - Hiệu trưởng nhà trưởng cho biết: "Phát huy kết quả đạt được, trong năm học mới này, nhà trường tiếp tục hoàn thiện 10 chỉ tiêu CSĐ như: tổ chức xây dựng kho học liệu số; 100% học sinh được trang bị kiến thức và bảo vệ trên môi trường mạng. 100% học sinh có học bạ điện tử và số điểm điện tử; 100% lãnh đạo, giáo viên, nhân viên nhà trưởng sử dụng thành thạo các phần mềm quản lý lớp học, trường học và các phần mềm quản lý khác; tất cả hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng. Các cuộc họp thường kỳ và chuyên đề của tổ chức đảng sử dụng nền tảng số Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái...”.
Cũng như Trường THCS Lê Hồng Phong, đến nay, 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và 38/38 lớp học của Trường TH&THCS Tân Lĩnh đã được triển khai, tập huấn Phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp (vOfice).
Thầy Nguyễn Thiện Kế - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Hiện 100% đội ngũ cán bộ, giáo viên trong toàn trường đã tự trang bị laptop với tiêu chí số hóa, 30/38 lớp huy động xã hội hóa để lắp tivi thông minh, trong đó 16/38 lớp chọn làm mô hình điểm về CĐS; các khu vực trong nhà trường được phủ sóng wifi. Hiện việc nghiên cứu, soạn bài giảng điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin đã được các thầy cô giáo thực hiện hiệu quả, sáng tạo vào bài giảng giúp tăng tính tương tác, sự hứng thú cho học sinh trong mỗi tiết dạy”.
100% đội ngũ cán bộ, giáo viên của Trường TH&THCS Tân Lĩnh tự trang bị laptop với tiêu chí số hóa, phục vụ tốt nhiệm vụ CĐS
Đến nay, 51/51 cơ sở giáo dục trực thuộc trên địa bàn huyện Lục Yên đã triển khai mô hình chuyển đổi số trong trường học. Năm học 2022 - 2023, ngành giáo dục và đào tạo huyện Lục Yên tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trường học thực hiện một số chỉ tiêu, nội dung chuyển đổi số chủ yếu như: 100% trường học trực thuộc huyện triển khai sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp (vOfice); 100% trường học trực thuộc huyện sử dụng, cập nhật dữ liệu, tổng hợp báo cáo trên phần mềm Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và đào tạo, phần mềm Quản lý công chức, viên chức, phần mềm Quản lý trường học.
Tất cả các cơ sở giáo dục tiểu học, trung học cơ sở (trừ mầm non) đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, nền tảng để dạy và học trực tuyến; 100% trường học trực thuộc huyện tổ chức xây dựng và khai thác kho học liệu số trực tuyến (bài giảng điện tử; ngân hàng đề thi mẫu, phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo, các học liệu điện tử khác hỗ trợ dạy và học).
100% học sinh cấp tiểu học, cấp THCS có học bạ điện tử, sổ điểm điện tử và 100% nhóm lớp mầm non có sổ theo dõi nhóm lớp điện tử; 10% trường học trực thuộc huyện triển khai thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; đảm bảo tối thiểu 80% học sinh nộp học phí không dùng tiền; 50% thủ tục hành chính của ngành giáo dục và đào tạo đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến.
Ông Trần Quý Dương - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: "Để thực hiện hiệu quả các nội dung trên, ngành đã chỉ đạo các trường học thành lập tổ chỉ đạo, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong trường học, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; xây dựng quy chế hoạt động, nội quy quy định việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong nhà trường. Đồng thời, triển khai sử dụng có hiệu quả phần mềm Quản lý văn bản và Điều hành tác nghiệp (vOffice) đến 51/51 trường trực thuộc; 100% cán bộ, giáo viên và nhân viên được tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng, tập huấn sử dụng khai thác phần mềm”.
Cùng với đó, ngành giáo dục và đào tạo huyện Lục Yên chỉ đạo các nhà trường thường xuyên cập nhật chính xác dữ liệu của nhà trường lên phần mềm Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và đào tạo, phần mềm Quản lý công chức, viên chức, phần mềm Quản lý trường học đảm bảo đúng thời gian quy định.
Đặc biệt, huy động các nguồn lực đầu tư mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị đảm bảo các điều kiện, yếu tố cho việc dạy và học trực tuyến; triển khai lựa chọn và đưa vào sử dụng nền tảng dạy và học trực tuyến phù hợp cho từng đơn vị; tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng; triển khai áp dụng dạy học trực tuyến trong chương trình chính khóa nhằm thực hiện chỉ tiêu "Tỷ trọng nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt trung bình 2% ở cấp tiểu học, 5% ở cấp trung học”; sử dụng, khai thác học bạ điện tử, sổ điểm điện, sổ theo dõi nhóm lớp mầm non.
Tiếp tục đẩy mạnh và đưa nội dung phổ cập kỹ năng số và an toàn, an ninh mạng, các nền tảng mở, phần mềm nguồn mở lồng ghép chương trình ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm.. từ cấp tiểu học để hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho công dân số...
Với nhiệm vụ cụ thể, giải pháp rõ ràng, cách thức triển khai phù hợp, khoa học, ngành giáo dục và đào tạo huyện Lục Yên sẽ thực hiện hiệu quả các nội dung, mục tiêu về CĐS trong năm 2023 và những năm tiếp theo, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, là điều kiện quan trọng để xây dựng xã hội học tập, hướng đến học tập suốt đời.
Văn Tuấn