Ông Nguyễn Văn Bắc, ở xã Đồng Khê cho biết: "Người già như chúng tôi kém công nghệ nhưng các nhân viên y tế hướng dẫn nhiệt tình nên thủ tục nhanh, thanh toán cũng nhanh. Nếu như trước phải mất cả sáng để khám và lấy thuốc thì giờ chỉ tầm hơn 2 tiếng là xong rồi”.
Anh Hoàng Mạnh Cường ở xã Thượng Bằng La do công việc bận rộn không thể bố trí đi khám sức khỏe theo định kỳ nên anh đã chủ động gọi điện thoại đến Trung tâm để đặt lịch khám.
Anh Cường chia sẻ: "Đi khám ở đây thuận tiện lắm, một mình tôi cũng có thể tự đi khám chứ không cần người nhà đi cùng vì Trung tâm đã xây dựng được khu vực khám tập trung theo quy chế 1 cửa. Ngay ở sảnh vào Trung tâm cũng bố trí quầy lễ tân có nhân viên y tế sẵn sàng tư vấn cho người bệnh những quy định cũng như thủ tục cần thiết để giúp chúng tôi khám bệnh nhanh chóng.
Ngoài ra, Trung tâm còn bố trí bộ phận trực đường dây nóng kết nối với các khoa, phòng, giúp chúng tôi có thể chủ động đặt lịch khám cũng như phản ánh những thắc mắc, kiến nghị về chất lượng KCB và chăm sóc phục vụ bệnh nhân”.
Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác khám chữa bệnh (KCB), Trung tâm Y tế huyện đã triển khai phần mềm quản lý KCB tại Trung tâm, 3 phòng khám đa khoa khu vực và 21 trạm y tế xã. Đồng thời, triển khai KCB bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp và kết nối với các ngân hàng triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.
Đến nay, 100% máy tính của Trung tâm đều được kết nối Internet, mạng nội bộ. Ngoài ra, Trung tâm cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại các trạm y tế, xây dựng phần mềm quản lý các trạm y tế xã, áp dụng phần mềm quản lý văn bản giúp triển khai văn bản từ Trung tâm đến các khoa, phòng, các đơn vị tuyến cơ sở được nhanh chóng và lưu trữ thuận tiện, phần mềm quản lý nhân sự tổ chức cán bộ, góp phần giúp quản lý hồ sơ cán bộ hiệu quả...
Y sỹ Hoàng Đình Trung, Trưởng trạm Y tế xã Thượng Bằng La cho biết: "Nhờ TTYT huyện cải cách TTHC và ứng dụng CNTT nên các trạm y tế có thể nhanh chóng nắm bắt thông tin, tình hình dịch bệnh, từ đó chủ động trong nhiệm vụ. Đặc biệt, nhờ áp dụng phần mềm quản lý các trạm y tế xã nên các văn bản của Trung tâm đến các khoa, phòng, các đơn vị tuyến cơ sở được triển khai đầy đủ và thuận tiện”. Đặc biệt, Trung tâm còn phối hợp với Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai - Hà Nội thực hiện KCB từ xa.
Bên cạnh đó, các trang thiết bị của Trung tâm từng bước được đầu tư đồng bộ hiện đại như: máy siêu âm màu, đầu dò, phẫu thuật nội soi, nội soi tiêu hóa, máy truyền dịch tự động.
Trung tâm cũng áp dụng nhiều kỹ thuật mới như: phẫu thuật nội soi cắt khối u buồng trứng, chửa ngoài tử cung, ruột thừa, túi mật và các kỹ thuật laser, ghép da, ghép xương, mổ nội soi trong xoang... Nhờ đó, tổng số lượt KCB trong 8 tháng đầu năm 2023 đạt trên 61.000 lượt người, trong đó điều trị nội trú cho trên 5.400 lượt, ngoại trú gần 7.000 lượt và hơn 1.200 ca phẫu thuật.
Bác sỹ Nguyễn Đình Liên - Giám đốc TTYT huyện Văn Chấn cho biết, Trung tâm đã ứng dụng CNTT, cải tiến quy trình KCB theo hướng nhanh, gọn, chính xác; sử dụng hiệu quả các phần mềm: quản lý văn bản, quản lý thuốc, vật tư, văn phòng phẩm… từng bước nâng cao chất lượng hoạt động.
Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục khai thác tối đa hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có, triển khai hiệu quả việc KCB từ xa cho người dân nhằm giảm chi phí và thời gian KCB; tiếp tục nâng cao trình độ cho cán bộ, nhân viên y tế để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng các phần mềm ứng dụng trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, xử lý công việc hàng ngày...
Xác định CĐS là mục tiêu phấn đấu của đơn vị từ nay đến năm 2025, TTYT huyện sẽ tiếp tục hoàn chỉnh các phần mềm: quản lý bệnh viện His Pro, quản lý nhân sự, quản lý thiết bị vật tư y tế, văn phòng phẩm, quản lý chấm công, tiến tới bệnh án điện tử của Bộ Y tế. Qua đó, góp phần để Trung tâm tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, nâng cao chất lượng KCB, xây dựng nền tảng quản trị y tế thông minh, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, giúp giảm chi phí và thời gian, mang đến sự hài lòng của người bệnh.
Minh Huyền