Bà Bàn Thị Mùi ở thôn Khe Hóp, xã Mỏ Vàng đến Trung tâm Y tế huyện khám u tuyến giáp và xương khớp. Nhờ được tuyên truyền từ trước, bà Mùi chỉ mang theo căn cước công dân (CCCD) để làm thủ tục khám bệnh.
Bà Mùi chia sẻ: "Trước đây, tôi đi khám bệnh phải mang theo nhiều loại giấy tờ như: CCCD, thẻ bảo hiểm y tế rồi phải trình và đợi nhân viên y tế kiểm tra, nhập thông tin nên mất khá nhiều thời gian. Giở tôi chỉ cần trình mỗi CCCD là có thể khám, rất thuận lợi cho người bệnh”.
Cũng giống như bà Mùi, bà Nguyễn Thị Huệ ở xã Đông An cũng thấy rõ sự tiện lợi của việc CĐS ở Trung tâm Y tế huyện Văn Yên. Vốn bị bệnh tiểu đường, thường xuyên phải đến viện để khám bệnh, nhận thuốc điều trị nên bà Huệ cảm thấy rất thuận lợi khi đi khám định kỳ chỉ cần có CCCD gắn chíp điện tử. Bà Huệ chia sẻ: "Tôi chỉ cần đưa CCCD cho nhân viên y tế là các bác sĩ đã biết được tiểu sử bệnh, tình trạng hàng tháng của tôi mà không cần phải tra cứu qua sổ khám bệnh, tránh tình trạng ù ứ ngay từ khâu làm thủ tục khám giúp tôi tiết kiệm được thời gian hơn”.
Bác sĩ Vương Ngọc Biên - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Yên khẳng định: Từ năm 2022, người dân đến Trung tâm chỉ cần mang theo duy nhất thẻ CCCD để thực hiện các thủ tục đăng ký khám và điều trị. Với 4 máy quét thẻ CCCD theo quy chuẩn của Bộ Công an được đặt tại các quầy đón tiếp của Trung tâm, đến nay số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh bằng CCCD đạt 90%.
"Tại các trạm y tế cơ sở, số người đến khám bệnh bằng CCCD đạt 97,5% thông qua việc tra cứu CCCD trên cổng tiếp nhận bảo hiểm y tế. Dự kiến đến năm 2024, Trung tâm Y tế huyện sẽ hoàn thành và đưa dự án Bệnh án điện tử đi vào hoạt động" - bác sỹ Biên cho hay.
Được chọn là mô hình điểm CĐS cấp huyện, Văn Yên xác định phải CĐS từ cơ sở, từ các thôn, bản xa xôi nhất để khơi nguồn động lực, tiếp sức cho các thôn, xã trong toàn huyện. Sáng tạo nhất trong cách làm của Văn Yên là đã
phát động chiến dịch phát triển công dân số "Từ khu phố tới bản làng”. Trong đó phát huy tối đa vai trò của 1.850 thành viên Tổ CĐS cộng đồng cấp xã, cấp thôn trong tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản dịch vụ công trực tuyến; tài khoản thanh toán số; sử dụng ứng dụng Công dân số Yên Bái (YenBai-S), cài đặt và sử dụng nền tảng "Sổ tay đảng viên điện tử”. Đến nay, tỷ lệ công dân của huyện đạt cả 6 tiêu chí công dân số là khoảng 60%.
Ông Hoàng Kiên Trung - Chủ tịch UBND xã Đại Phác cho biết, từ đầu năm 2023, xã xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể, đồng thời giao các Tổ CĐS thường xuyên xuống các thôn để rà soát, lập danh sách, lên phương án thực hiện CĐS tại địa phương. Đối với công dân đi làm ăn xa, không thường xuyên ở địa phương sẽ được Tổ CĐS gọi điện hướng dẫn cài đặt các ứng dụng.
Bà Bàn Thị Mùi ở thôn Khe Hóp, xã Mỏ Vàng làm thủ tục khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Văn Yên.
Tại địa phương, các Tổ CĐS thực hiện theo phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của các ứng dụng số. Đến thời điểm hiện tại, xã Đại Phác có trên 83% công dân tham gia vào môi trường số, thành thạo thao tác trên môi trường mạng.
"Trong quá trình tổ chức chiến dịch công dân số "Từ khu phố đến bản làng", xã Đại Phác đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nòng cốt là các cán bộ, công chức xã. Đặc biệt, trong dịp hè năm 2023, chúng tôi đã vận động các tổ đoàn viên thanh niên xung kích có kiến thức về công nghệ thông tin, nhiệt huyết với các phong trào tại địa phương để tham gia hướng dẫn, giúp đỡ người dân tham gia vào môi trường số” - ông Trung chia sẻ thêm.
Kiên trì với mục tiêu tăng tốc trong CĐS, từ đầu quý IV năm 2023, huyện Văn Yên đã ra mắt "Bộ phận hành chính công số” với 9 tiêu chí về an toàn thông tin mạng, nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, biên lai điện tử, hệ thống thiết bị giám sát tại bộ phận, hệ thống máy đánh giá hài lòng, tra cứu quy trình thủ tục hành chính, tra cứu bộ thủ tục hành chính…
Mô hình được kỳ vọng sẽ góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ CĐS của huyện Văn Yên, tạo tiền đề để xây dựng và hình thành cơ quan chính quyền số, giúp người dân giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện trên môi trường điện tử. Hết 9 tháng năm 2023, Bộ phận Phục vụ hành chính công huyện Văn Yên đã giải quyết trên 12.700 hồ sơ, 100% hồ sơ cấp huyện giải quyết trước và đúng hạn, mức độ hài lòng đạt 100%.
Với quyết tâm chính trị cao, cùng sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc, công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện Văn Yên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành điểm sáng trong thực hiện chuyển đổi số của tỉnh Yên Bái.
Bà Lã Thị Liền - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Sau 2 năm triển khai, chúng tôi nhận thấy CĐS là một câu chuyện mới, chưa có tiền lệ nên việc triển khai thực hiện cần sự nỗ lực, cố gắng tiếp thu, chỉnh sửa để xây dựng các mô hình CĐS hoàn thiện hơn, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Năm 2023, huyện đã có 10 mô hình, ý tưởng CĐS điểm xuất phát từ các cán bộ, nhân viên và các mô hình của cơ sở đến huyện có đóng góp tích cực vào công cuộc CĐS tại địa phương. Từ những mô hình này, huyện đã vận dụng linh hoạt, phù hợp góp phần đẩy mạnh CĐS trong toàn huyện. Đến thời điểm này, Văn Yên là địa phương dẫn đầu trong các huyện, thị xã, thành phố về tỷ lệ người dân cài đặt ứng dụng YenBai-S, VNeID”.
Huyện Văn Yên đang phấn đấu đến tháng 11 năm nay đạt tiêu chuẩn huyện chuyển đổi số. Theo đó, 100% xã, thị trấn đạt xã chuyển đổi số; 20% xã, thị trấn đạt chuyển đổi số nâng cao; 30% cơ quan, đơn vị cấp huyện triển khai mô hình cơ quan chuyển đổi số.
Với những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, và sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, sự đồng hành của các doanh nghiệp viễn thông, đất quế Văn Yên sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra, trở thành huyện chuyển đổi số đầu tiên của tỉnh Yên Bái.