Gần 100.000 tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập
Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức hằng năm nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; đồng thời, thúc đẩy sự tham gia của các cấp, ngành và toàn dân, bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2023 là năm thứ 4 thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia. Chuyển đổi số đã thực sự mang tính toàn dân và toàn diện. Cả nước đã có gần 100.000 tổ công nghệ số cộng đồng tại từng thôn, bản để hướng dẫn người dân chuyển đổi số.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, ngành Thông tin và Truyền thông đang triển khai 4 trợ lý ảo quan trọng.
Một là trợ lý ảo hỗ trợ cho lĩnh vực lập pháp, thông qua việc phát hiện mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật.
Hai là trợ lý ảo hỗ trợ hành pháp, giúp cán bộ, công chức thực hiện công việc theo quy định.
Ba là trợ lý ảo ngành tư pháp, hỗ trợ tra cứu pháp luật (như án lệ, bản án liên quan, giải đáp tình huống pháp lý), hỗ trợ công việc của thẩm phán. Trợ lý ảo này giúp giảm thời gian xử lý công việc của thẩm phán tới 30%.
Bốn là trợ lý ảo hỗ trợ pháp lý cho người dân. Trợ lý này trả lời các câu hỏi của người dân liên quan đến pháp luật, các quy định của Nhà nước.
"Đất nước muốn tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn thì cần không gian mới, lực lượng sản xuất mới, nguồn lực sản xuất mới, yếu tố sản xuất mới, động lực mới. Không gian mới là kinh tế số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số”, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
Chuyển đổi số lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính nêu rõ, chuyển đổi số vừa có thời cơ, thuận lợi, vừa có khó khăn, thách thức, điều quan trọng là phải có bản lĩnh và trí tuệ để phát huy tối đa thời cơ, thuận lợi và hóa giải khó khăn, thách thức.
Kết quả ngày hôm nay mới chỉ là bước đầu. Nhiều khó khăn, vướng mắc, thách thức đã được nhận diện như kết nối, chia sẻ dữ liệu; số hóa dữ liệu; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu số; hạ tầng dữ liệu số; an toàn thông tin, an ninh mạng và nguồn nhân lực.
Toàn cảnh sự kiện Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10-10.
Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển.
Thủ tướng nêu rõ 4 quan điểm chủ đạo trong chuyển đổi số nói chung và trong tạo lập, khai thác dữ liệu số.
Thứ nhất, tầm nhìn chiến lược và đổi mới từ tư duy, nhận thức, hành động cho phù hợp điều kiện thực tiễn.
Thứ hai, chuyển đổi số quốc gia phải được triển khai một cách tổng thể, toàn diện nhưng ưu tiên chất lượng hơn chạy theo số lượng; tập trung vào 4 ưu tiên chính: Phát triển dữ liệu số; phát triển các dịch vụ công trực tuyến gắn với người dân, doanh nghiệp và có đối tượng bao phủ lớn; phát triển các nền tảng số; bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, an ninh con người.
Thứ ba, cơ sở dữ liệu quốc gia là nguồn tài nguyên mới và là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số quốc gia nên phải có tính liên kết, liên thông, chia sẻ cao giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa công và tư.
Thứ tư, phát huy tính chủ động, sáng tạo; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của các cấp, ngành, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Tận dụng mọi nguồn lực nhằm phát triển mạnh hạ tầng số, nền tảng số nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận được nhiều dịch vụ số, tiện ích số.
Tập trung thực hiệm 6 nhiệm vụ
Với thông điệp "Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”, yêu cầu "thông thoáng về chính sách, thông suốt về hạ tầng, thông minh về quản lý”, Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ.
Một là, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách cho hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực số để thúc đẩy dữ liệu số phát triển ổn định, bền vững. Sớm xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu số; danh mục dữ liệu dùng chung; quản lý chất lượng thông tin, dữ liệu...
Hai là, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc tạo lập dữ liệu thông qua xây dựng, phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra giá trị mới.
Thứ ba, các bộ, ngành, địa phương cần chung tay tháo gỡ những điểm nghẽn trong triển khai Đề án 06. Trong đó, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, đề xuất giải pháp bổ sung thông tin địa chỉ số quốc gia vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tích hợp tài khoản định danh điện tử với hệ thống sàn giao dịch bất động sản quốc gia, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; khai báo địa chỉ số của cá nhân, tổ chức trên VNeID bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 30-11-2023.
Bộ Công an chủ trì, làm việc với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nghiên cứu, đề xuất giải pháp tích hợp tiện ích sổ Bảo hiểm Xã hội trên ứng dụng VNeID.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn các cơ sở y tế và người dân sử dụng thông tin Sổ sức khỏe điện tử trên VneID; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 30-10-2023.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, kết nối cơ sở dữ liệu về dân cư để làm sạch dữ liệu người tham gia giao dịch chứng khoán. Nhiệm vụ này hoàn thành trong tháng 11-2023.
Ba là, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cấp, hiện đại hóa hạ tầng số, nhất là hạ tầng dùng chung, hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng…
Thủ tướng giao Bộ Tư pháp phát triển hạ tầng số để tối ưu hóa hệ thống đăng ký quản lý hộ tịch điện tử, đảm bảo hiệu quả trong thực hiện các thủ tục hành chính liên thông "Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi"; "Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí".
Bốn là nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến thông qua tái cấu trúc quy trình, tái sử dụng dữ liệu sẵn có. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, tạo sự thuận lợi và cắt giảm chi phí tuân thủ…
Năm là hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số, chú trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Đồng thời, tăng cường thúc đẩy hợp tác quốc tế, tìm kiếm, phát hiện các mô hình, công nghệ, giải pháp hiện đại, áp dụng phù hợp ở Việt Nam.
Sáu là tăng cường truyền thông về lợi ích, hiệu quả của chuyển đổi số để các cơ quan, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ, tích cực tham gia và thụ hưởng.
(Theo HNMO)