Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã rất nỗ lực thực hiện chuyển đổi số, trong đó ngành giáo dục và đào tạo - một phần trong cộng đồng xã hội học tập đã tạo bước chuyển biến đáng kể trong quản lý các hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá. Bắt đầu từ việc thực hiện thành công thí điểm 2 mô hình chuyển đổi số trường học là Trường THCS Quang Trung và Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, thành phố Yên Bái nay đã triển khai nhân rộng ra toàn tỉnh.
Tính đến cuối tháng 9/2023, toàn tỉnh có trên 8.000 giáo viên được cấp chữ ký số. Toàn ngành có 351 cơ sở giáo dục thường xuyên tổ chức hội nghị, hội thảo bằng hình thức trực tuyến. Việc thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai thực hiện ở 65 trường học. Toàn tỉnh có 12 trường học triển khai thư viện số, 38 trường sử dụng phần mềm thí nghiệm ảo, 71 trường sử dụng hệ thống kiểm tra, đánh giá trực tuyến…
Cô giáo Lương Thị Hạnh - giáo viên Trường TH&THCS Suối Giàng, huyện Văn Chấn cho hay: "Thông qua việc ứng dụng chuyển đổi số trong công tác giảng dạy đã giúp tôi đẩy mạnh học hỏi, ứng dụng công nghệ thông tin vào soạn giảng giáo án điện tử, sử dụng đa dạng các phương thức truyền tải thông tin, kiến thức qua âm thanh, hình ảnh, trò chơi… Từ đó đã làm tăng tính sinh động, hấp dẫn cho bài giảng, học sinh hứng thú và có động lực trong học tập”.
Có thể thấy, thông qua các ứng dụng, nền tảng công nghệ số đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Ông Nguyễn Văn Khánh - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Trấn Yên cho biết: "Những năm gần đây, phong trào xây dựng xã hội học tập đã góp phần làm thay đổi không nhỏ ý thức người dân địa phương. Nổi bật là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc đã chủ động quan tâm đến việc học của con em mình, linh hoạt tham gia học tập, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, phát triển kinh tế để nâng cao đời sống".
Giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng không bỏ qua nhiệm vụ ứng dụng chuyển đổi số để hỗ trợ các trung tâm học tập cộng đồng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Với sự chủ động và sáng tạo, tỉnh Yên Bái nằm trong tốp các tỉnh trong khu vực đi đầu về xây dựng xã hội học tập với những mô hình học tập tiêu biểu, đa dạng, phong phú như: "Gia đình học tập”, "Dòng học học tập”, "Cộng đồng học tập”, "Đơn vị học tập” và đang xây dựng mô hình "Thành phố học tập”…
Hướng vào mục tiêu xây dựng xã hội học tập, ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với chương trình chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2030, năm 2023, Hội Khuyến học tỉnh đã tập trung tuyên truyền cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng các mô hình học tập mới với những yêu cầu chất lượng cao hơn so với giai đoạn trước. Hội đã phối hợp tổ chức Hội nghị tập huấn sử dụng phần mềm xây dựng "Công dân học tập” và đã có trên 44.000 công dân trong toàn tỉnh được hướng dẫn sử dụng phần mềm này.
Ông Triệu Tiến Thịnh - Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Yên Bái thông tin: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến về xây dựng xã hội học tập trong nền kinh tế số, xã hội số; đa dạng nội dung giáo dục, đào tạo; đổi mới phương thức học tập và tăng cường sử dụng các phương tiện và công nghệ hiện đại hỗ trợ học tập; phối hợp xây dựng kho học liệu mở phục vụ tự học và học tập suốt đời; áp dụng các mô hình quản lý giáo dục theo hướng tiếp cận công nghệ, quản lý nhà trường theo hướng mở, kết nối…
Với sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, các lực lượng và người dân, xây dựng xã hội học tập trong thời kỳ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Yên Bái sẽ là nền tảng cơ sở quan trọng, góp phần nâng cao trình độ dân trí, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân.
Thanh Chi