Năm 2022, chỉ số hạnh phúc của người dân đạt 62,57%, tăng 4,46% so với năm 2021, đạt mức khá hạnh phúc. Để đạt kết quả này, tỉnh đã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiệp cận các dịch vụ hạ tầng thiết yếu cơ bản; đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế; làm tốt công tác hướng nghiệp và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cùng với đó, tỉnh cũng xác định, chuyển đổi số (CĐS) là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao sự hài lòng và hạnh phúc của người dân. Chính quyền số được triển khai rộng khắp, góp phần cải thiện hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Kinh tế số đóng góp ngày càng quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Xã hội số được hình thành, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin, dịch vụ, tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, việc xóa thôn trắng sóng di động, khắc phục vùng lõm sóng trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận và ứng dụng công nghệ số trong cuộc sống. Đến nay, 100% thôn, bản có điện được phủ sóng thông tin di động 4G; thực hiện phát wifi công cộng ở một số khu vực tập trung đông người phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm thông qua việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động như: quản lý bệnh viện, giám định bảo hiểm y tế, chẩn đoán, xét nghiệm, khám chữa bệnh từ xa, triển khai mở rộng bệnh án điện tử trên địa bàn..., qua đó nâng cao chất lượng điều trị, giảm tỷ lệ người bệnh lên tuyến trên, góp phần giảm chi phí cho người bệnh.
Mô hình CĐS trong môi trường giáo dục với 10 tiêu chí hơn 100 trường học; trong đó, triển khai sử dụng sách giáo khoa điện từ, xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, bài giảng diện từ, thư viện điện tử, phần mềm thí nghiệm ảo, kiểm tra, đánh giá trực tuyến... Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã sử dụng hệ thống tưới tiêu tự động, hệ thống cho ăn tự động, máy bay phun thuốc trừ sâu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sử dụng công nghệ in 3D trong sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ... Lĩnh vực thương mại dịch vụ và du lịch đã ứng dụng nhận diện sản phẩm thông qua mã vạch, mua sắm trực tuyến, sàn thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng công nghệ ảo trải nghiệm các hoạt động, các điểm du lịch.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh tích cực ứng dụng công nghệ số phục vụ công tác quản trị, tổ chức sản xuất, kinh doanh; trong đó, xây dựng website để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sử dụng nền tảng số trong quản trị doanh nghiệp, sử dụng các phần mềm kế toán, khai và nộp thuế điện tử, sử dụng mã VietQR để thanh toán điện tử, ký số điện tử, sử dụng các trang mạng xã hội để mua bán trực tuyến...
Bên cạnh đó, tỉnh triển khai hệ thống đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông phục vụ tiếp cận thông tin của người dân tại cơ sở. Một số địa phương xây dựng mô hình "Công nghệ số vì hạnh phúc của nhân dân”, mở trang đối thoại trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của tỉnh nhằm tiếp nhận, giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của người dân...
Ông Nguyễn Lâm Tới - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: "Với nhiệm vụ tham mưu xây dựng kế hoạch nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân, ngành văn hóa - thể thao và du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể cùng các địa phương nghiên cứu, xây dựng các giải pháp hiệu quả, khai thác, tận dụng tối đa những ưu việt của công nghệ số”.
Thu Hiền