Ông Lê Trí Hà – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Yên Bái cho biết: Hiện nay, Trung ương chưa có quy định cụ thể ban hành Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số. Tuy nhiên, tỉnh Yên Bái đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và làm rất sớm việc này. Trên cơ sở Đề án "Xác định bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia” theo Quyết định số 922 của Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2116 ban hành Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng Chỉ số DTI đối với 19 sở, ban, ngành; 9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.
Trong Quyết định nêu rõ: Đới với cấp sở, ngành, sẽ thực hiện đánh giá với 3 chỉ số chính về công tác chỉ đạo, điều hành; ứng dụng nền tảng, công nghệ số; an toàn thông tin với 20 chỉ số thành phần. Cấp huyện thị, thành phố đánh giá ở 6 chỉ số chính; trong đó thêm cả đánh giá 3 trụ cột chuyển đổi số về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số với 40 chỉ số thành phần.
Điểm mới năm nay là việc đánh giá Chỉ số DTI được thực hiện trên nền tảng số
https://dti.yenbai.gov.vn. Việc đánh giá, cung cấp tài liệu kiểm chứng do các cơ quan tự thực hiện; việc thẩm định do Hội đồng thẩm định chấm điểm DTI của tỉnh thực hiện; kết quả chấm điểm và xếp hạng do phần mềm tự tổng hợp.
Theo đó, căn cứ Quyết định số 2116/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở TT&TT đã hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương triển khai 3 lần rà soát, tự đánh giá và cập nhật tài liệu kiểm chứng lên nền tảng web. Lần thứ nhất, các sở ngành, địa phương thực hiện tự chấm điểm, đánh giá và cập nhật lên nền tảng DTI của tỉnh theo hướng dẫn của Sở TT&TT. Lần thứ hai, các đơn vị thực hiện giải trình, cập nhật, bổ sung tài liệu kiểm chứng chấm điểm đánh giá các chỉ số theo hướng dẫn của Sở. Lần thứ ba, Sở thực hiện mở phần mềm và thông báo để các cơ quan, đơn vị, địa phương giải trình, rà soát điểm tự chấm và bổ sung các tài liệu kiểm chứng lần cuối vào ngày 01/02/2024. Sau đó, Sở TT&TT sẽ khóa phần mềm để tiến hành thẩm định, chấm điểm theo quy định.
Qua kết quả đánh giá, thành phố Yên Bái trở thành địa phương 2 năm qua liên tiếp dẫn đầu về Chỉ số DTI khối các huyện, thị xã, thành phố. Về những kinh nghiệm thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Trúc chia sẻ: "Trong công tác chỉ đạo điều hành, thành phố đã giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, nhất là nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của dịch vụ công trực tuyến với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Thành phố đã triển khai chấm điểm xác định chỉ số cải cách hành chính (CCHC) đối với các xã, phường; phát động phong trào thi đua áp dụng giải pháp mới để nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến; chỉ đạo thành lập 16 Tổ tuyên truyền hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến và xây dựng các mô hình, sáng kiến về cải cách hành chính”.
Điển hình trong đó là mô hình "Ngày xử lý thủ tục hành chính trực tuyến”; UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch và triển khai đến các phòng, ban, đơn vị; UBND xã, phường thực hiện thí điểm mô hình, lựa chọn ngày 15 hàng tháng làm ngày chỉ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến không tiếp nhận hồ sơ giấy, thanh toán phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và 100% hồ sơ được xử lý hoàn toàn trên môi trường điện tử.
Trong năm 2023, thành phố đã có 636/686 hồ sơ nộp trực tuyến, đạt 92,71%; 100% hồ sơ được giải quyết trước hạn, nhanh chóng, kịp thời; người dân đánh giá hài lòng và rất hài lòng. Thông qua việc triển khai mô hình giúp hình thành thói quen cho người dân sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến để giải quyết các thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến toàn trình, thực hiện mọi lúc, mọi nơi, người dân có thể nộp hồ sơ tại nhà mà không cần đến cơ quan nhà nước, không phải chờ đợi, xếp hàng; giảm thời gian đi lại, giảm lệ phí thủ tục hành chính, tăng tính công khai, minh bạch của cơ quan giải quyết hồ sơ, góp phần phòng ngừa tiêu cực, nhũng nhiễu.
Bộ phận Phục vụ hành chính công thành phố Yên Bái giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Với kết quả đánh giá chỉ số DTI đạt 805,69 điểm, tỷ lệ hoàn thành đạt 80,57%, đây cũng là năm thứ 2 huyện Văn Yên duy trì vị trí thứ 2 trong khối các huyện, thị, thành phố với những mô hình, cách làm hay và hiệu quả như: Chiến dịch "
Phát triển công dân số từ khu phố đến bản làng" và
Bộ phận hành chính công số; mô hình hướng dẫn sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử, tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2 thay thế thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) giấy đăng ký khám chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện và các trạm y tế xã, thị trấn của huyện.
Năm 2023, Trung tâm Y tế huyện đã triển khai tuyên truyền, vận động người dân thực hiện mô hình. Kết quả, 86% bệnh nhân có thẻ BHYT đã sử dụng thẻ CCCD và nền tảng VNeID thay cho thẻ BHYT giấy để đăng ký khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện và trạm y tế các xã, thị trấn, vượt 6% so với mục tiêu kế hoạch. Mô hình giúp cho người dân đơn giản hóa việc đăng ký khám sức khỏe BHYT, không phải xuất trình thẻ BHYT; tạo thói quen cho công dân sử dụng các nền tảng, tiện ích số phục vụ cuộc sống….
Theo Hội đồng đánh giá kết quả chỉ số DTI tỉnh Yên Bái, việc đánh giá, xếp hạng chỉ số DTI các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố năm 2023 đảm bảo tính khách quan, công bằng, công khai và hoàn toàn trên nền tảng số.
Theo đó, có 12 sở, ban, ngành, địa phương có sự thăng tiến về thứ hạng, như: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng 5 bậc; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng 3 bậc... 9 sở, ban, ngành, địa phương duy trì thứ hạng như : Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh, thành phố Yên Bái, huyện Văn Yên.... Tuy nhiên, cũng có 7 sở ngành, địa phương bị giảm về thứ hạng, thậm chí có đơn vị giảm tới 7 bậc.
Qua chấm điểm cho thấy, năm 2023, các sở, ngành, địa phương đã quan tâm nhiều hơn tới thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo điều hành; đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng số vào thực hiện nhiệm vụ được giao; việc nâng tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến; tăng tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ công; đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống công nghệ thông tin của cơ quan, đơn vị, địa phương; gia tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt; cấp tài khoản định danh điện tử xác thực mức độ 2 tại các địa phương...
Tuy nhiên, cũng còn một số sở, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức thực hiện Bộ chỉ số chuyển đổi số; quá trình tự chấm điểm đánh giá chưa cung cấp đủ tài liệu kiểm chứng; có tiêu chí thành phần điểm còn thấp; chưa có sáng kiến cấp tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và có kênh tương tác 2 chiều với người dân, doanh nghiệp thông qua mạng xã hội trực tuyến, có lượng người theo dõi, quan tâm. Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công tỉnh trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công còn thấp.
Thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn lực, kinh phí, xây dựng kế hoạch cụ thể để khắc phục các tiêu chí chưa đạt được, các tiêu chí đạt điểm thấp và cả các tiêu chí chưa đạt điểm tối đa để tiếp tục nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ và chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị mình cũng như cải thiện thứ hạng trong năm 2024.
Các sở, ngành, địa phương cần đặc biệt bám sát chủ đề chuyển đổi số quốc gia năm 2024 là "Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững” và căn cứ Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 của UBND tỉnh để sớm ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 của cơ quan, đơn vị, địa phương mình đảm bảo rõ mục tiêu, rõ nhiệm vụ, rõ người thực hiện, đảm bảo thiết thực, khả thi.
Đức Toàn