Thời gian qua, Thư viện tỉnh đã thực hiện nhiều hình thức chuyển đổi số (CĐS), từng bước hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, tạo sự đổi mới trong các hoạt động thư viện. Trước tiên, Thư viện tỉnh đã thành lập Câu lạc bộ CĐS và các thành viên được lựa chọn tham gia ngoài sự nhiệt tình, tích cực còn có kỹ năng sử dụng nền tảng số, công nghệ số cũng như khả năng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ viên chức, người lao động tại đơn vị sử dụng các ứng dụng số. Thư viện đã cử viên chức tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn về CĐS nhằm nâng cao cả về nhận thức và khả năng số cho viên chức, người lao động trong đơn vị.
Ngoài ra, Thư viện tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động thư viện; trong đó, công tác chỉ đạo điều hành, quản lý nhân sự đã thực hiện gửi, nhận, xử lý văn bản và chỉ đạo công việc trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành của tỉnh. Thực hiện kê khai hồ sơ cá nhân cập nhập dữ liệu 109 trường vào phần mềm thí điểm đồng bộ dữ liệu quốc gia. Đối với công tác phục vụ, tuyên truyền, Thư viện tỉnh đã thực hiện việc mượn trả sách và làm thẻ cho bạn đọc trên phần mềm thư viện.
Bám sát các nhiệm vụ chính trị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và của tỉnh, Thư viện tỉnh đã đăng tải bài tin tức - sự kiện, giới thiệu sách, thiết kế pa-no tuyên truyền kỷ niệm, giới thiệu thư mục chuyên đề và thư mục định kỳ trên Trang thông tin điện tử, website Thư viện tỉnh Yên Bái, trang fanpage của Thư viện và các trang mạng xã hội khác…
Thích ứng với thời đại công nghệ 4.0, nhu cầu đọc sách không còn thuần túy, truyền thống mà dần thay đổi với nhiều loại hình, hình thức như đọc sách thông qua máy tính, điện thoại thông minh, sách nói… Đáp ứng xu hướng mới và duy trì văn hóa đọc cho người dân, Thư viện tỉnh đã từng bước đổi mới, bắt kịp xu thế, tạo hứng khởi cho độc giả với các phần mềm, ứng dụng hiện đại thông qua chương trình đọc sách trên nền tảng số.
Theo đó, Thư viện tỉnh đã nỗ lực và ngày một đổi mới trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc; tăng cường giới thiệu sách trên các nền tảng mạng xã hội. Hoạt động phục vụ bạn đọc trên không gian mạng của Thư viện tỉnh Yên Bái cũng có sự thay đổi tích cực.
Thư viện tỉnh đã chủ động xây dựng các bộ sưu tập số, với 9 bộ sưu tập số về tài liệu địa chí và các cấp học từ tiểu học tới trung học phổ thông; đã bổ sung thêm 48.662 trang tài liệu số hóa vào cơ sở dữ liệu tài liệu số hóa cho các bộ sưu tập này. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc truy cập của bạn đọc, Thư viện tỉnh cũng cấp quyền truy cập cho 13 trường học, phục vụ 38.399 lượt bạn đọc truy cập Website, Fanpage và 7.899 lượt tài liệu điện tử.
Sự chuyển biến tích cực trong hoạt động của Thư viện tỉnh Yên Bái, đặc biệt trong công tác phục vụ bạn đọc đã tạo điều kiện thuận lợi để bạn đọc được thụ hưởng văn hóa, tự học tập nâng cao trình độ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chỉ số hạnh phúc cho công dân tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi, công tác số hóa hoạt động của thư viện đang gặp những khó khăn về hạ tầng công nghệ, nhân lực và đặc biệt là nguồn tài liệu điện tử, một số bạn đọc chưa tìm hiểu và tiếp cận với tài liệu số.
Đặc biệt, vấn đề bản quyền nguồn tài liệu được số hóa rất cần được tháo gỡ. Nghị định số 22/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan nêu rõ, Thư viện không được sao chép và phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao kỹ thuật số. Với quy định này, các tài liệu được thư viện số hóa hiện cũng chỉ để bảo quản và tra cứu nội bộ là chính, chứ chưa được phép cung cấp rộng rãi đến bạn đọc trên nền tảng số…
Bà Đồng Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Thư viện tỉnh Yên Bái cho biết: "Để tiếp tục đẩy mạnh văn hóa đọc gắn với CĐS trên địa bàn tỉnh vẫn cần phải có nhiều đổi mới, đòi hỏi ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, số hóa tài liệu và đổi mới công tác phục vụ bạn đọc. Do đó, thời gian tới, Thư viện tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong tỉnh; trong đó, đặc biệt quan tâm đến thế hệ trẻ, các em học sinh xây dựng và hình thành văn hóa đọc với nhiều hình thức đọc truyền thống và hiện đại. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu giá trị của sách, tác dụng của sách và khuyến khích đọc sách, xây dựng văn hóa đọc lành mạnh. Tích cực triển khai các hoạt động nâng cao phát triển văn hóa đọc trong thời kỳ CĐS, xây dựng các chương trình với các chủ đề về tầm quan trọng của sách, các hội thi tuyên truyền giới thiệu sách, viết cảm nhận về sách... khuyến khích, thu hút bạn đọc đến sử dụng thư viện. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ, kiến thức về công nghệ thông tin cho cán bộ làm công tác thư viện, đặc biệt là tăng cường đầu tư kinh phí cho hoạt động thư viện, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ bạn đọc để đạt được hiệu quả cao”.
Thu Hiền