Để tìm hiểu vấn đề này, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã trao đổi với đồng chí Vũ Lê Chung Anh - Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu.
P.V: Xin đồng chí cho biết kế hoạch xây dựng CQĐT của huyện trong thời gian qua?
Đồng chí Vũ Lê Chung Anh: Xác định mục tiêu xây dựng CQĐT là một cuộc "cách mạng” nhằm đổi mới phong cách hành chính giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, quản lý, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước; hướng đến tạo sự hài lòng trong phục vụ người dân, doanh nghiệp và tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thời gian qua, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển theo từng năm, từng giai đoạn.
Cụ thể, năm 2024, UBND huyện đề ra 29 chỉ tiêu và 8 nhiệm vụ chủ yếu để xây dựng CQĐT hướng tới chính quyền số; trong đó, tập trung vào những nội dung chính: phấn đấu 100% hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị cấp huyện được dịch chuyển sử dụng nền tảng điện toán đám mây; 100% hệ thống thông tin được phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn thông tin.
Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng (trừ văn bản mật theo quy định); 30% trở lên người dân được cung cấp miễn phí chữ ký số cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử…
P.V: Những kết quả bước đầu về công tác xây dựng CQĐT, hướng tới chính quyền số trên địa bàn huyện đã đạt được như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Vũ Lê Chung Anh: Hiện nay, 100% các cơ quan, đơn vị sử dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT - iOffice vào xử lý công việc; 100% văn bản (trừ văn bản mật) được thực hiện, quản lý trên phần mềm Quản lý văn bản và điều hành; 100% các xã, thị trấn đã có Trang thông tin điện tử; rút ngắn từ 40 - 50% thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy thông qua Hệ thống thông tin phục vụ họp không giấy tờ.
Lãnh đạo UBND huyện, các cơ quan, đơn vị thuộc huyện, UBND các xã, thị trấn sử dụng chữ ký số trong việc gửi, nhận văn bản điện tử; UBND huyện và các xã, thị trấn đã có phòng họp trực tuyến; việc giải quyết TTHC cho người dân đã được cải thiện rất nhiều về thời gian, các loại giấy tờ; 100% TTHC có đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.
Thủ tục hành chính cấp huyện là 80, cấp xã 24 thủ tục đủ điều kiện theo quy định đã được cung cấp 100% dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất.
Huyện Trạm Tấu đã cấp 436 tài khoản thư công vụ; cấp 100% tài khoản trên phần mềm quản lý văn bản Vofice cho cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn, nhà trường và các trạm y tế trên địa bàn huyện.
P.V: Xin đồng chí cho biết, những khó khăn trong quá trình triển khai xây dựng CQĐT hướng đến chính quyền số trên địa bàn huyện?
Đồng chí Vũ Lê Chung Anh: Là huyện vùng cao nên việc xây dựng CQĐT cũng gặp những khó khăn như: Hệ thống trang thiết bị, máy móc một số đơn vị, địa phương đã cũ, lỗi thời về công nghệ nên hiệu quả hoạt động còn hạn chế, chất lượng đường truyền chưa được cải thiện; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước hiệu quả chưa cao, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu dùng chung cho người dân và doanh nghiệp; chất lượng nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước hiện còn hạn chế, phần lớn cán bộ làm công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị là kiêm nhiệm…
P.V: Để xây dựng thành công CQĐT, thời gian tới huyện đề ra nhiệm vụ gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Vũ Lê Chung Anh: Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng CQĐT gắn với phát triển các dịch vụ đô thị thông minh trên cơ sở lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển CQĐT; chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số.
Phát huy vai trò của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, tập trung huy động sự tham gia thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp và nhân dân.
Phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của huyện. Huy động tối đa nguồn lực thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số và triển khai các nền tảng số phục vụ hoạt động quản lý, tương tác giữa Nhà nước với người dân, doanh nghiệp trong các ngành, lĩnh vực. Phát huy vai trò cầu nối đưa các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ số đồng hành với cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện trong việc triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số.
P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thanh Tân (thực hiện)