Thực tế đã cho thấy, Cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến những tiện ích vô cùng thiết thực. Tuy nhiên, tình trạng lừa đảo trên không gian mạng cùng với việc lộ lọt bí mật, mất an toàn thông tin (ATTT) của tổ chức, cá nhân đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp và gây hậu quả ngày càng lớn.
Hack tài khoản mạng xã hội, lừa đảo trúng thưởng, giả danh cơ quan công an để dọa nạt và yêu cầu cài đặt phần mềm phục vụ việc tích hợp giấy tờ, lừa đảo trên sàn thương mại điện tử, mua bán trên mạng, nạp thêm tiền để nuôi app... là những thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng và thường xuyên thay đổi để tiếp cận người dân. Từ năm 2023 đến nay, tỉnh Yên Bái xảy ra 26 vụ, 96 đối tượng có dấu hiệu của tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Công an tỉnh đã khởi tố 22 vụ, 96 bị can về xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của người khác; làm giả con dấu, tài liệu của cá nhân, cơ quan; lừa đảo chiếm đoạt tài sản..., trong đó có những vụ thiệt hại lên đến trên 10 tỷ đồng. Bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TU, ngày 26/02/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản về đảm bảo ATTT mạng như: Chỉ thị số 05/CT-UBND, ngày 28/2/2022 về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng trên địa bàn tỉnh Yên Bái; Công văn số 1949/UBND-VX, ngày 06/6/2024 về việc triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm về ATTT năm 2024...
Hằng năm, tỉnh tổ chức diễn tập thực chiến ATTT cho cán bộ kỹ thuật, chuyên trách, bán chuyên trách công nghệ thông tin, ATTT các cơ quan, đơn vị, địa phương.Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo hoàn thiện, đưa vào sử dụng Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng tỉnh Yên Bái được kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Hiện tại, hệ thống giám sát và bảo vệ trên 3.260 máy tính của các cơ quan, đơn vị; giám sát an toàn lớp mạng cho 38 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố. Hiện Yên Bái đã đưa vào giám sát, bảo vệ 42 ứng dụng, trang thông tin của các cơ quan, đơn vị.
Để bảo vệ bí mật, an toàn thông tin cá nhân và chủ động phòng, chống lừa đảo trên hệ thống công nghệ thông tin, đồng chí Lê Trí Hà - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh khuyến nghị: "Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng ATTT cho cán bộ, người dân; phổ biến kiến thức về ATTT, thông tin xấu độc, xử lý thông tin xấu độc, các hình thức lừa đảo, cách phòng tránh lừa đảo trên môi trường mạng. Đồng thời, cần triển khai đầy đủ các giải pháp về đảm bảo an ninh, ATTT mạng theo chỉ đạo và tăng cường chế tài để răn đe, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm”.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực của lực lượng giám sát ATTT tại chỗ; thu hút, tuyển dụng cán bộ có trình độ cao về ATTT; duy trì diễn tập thực chiến ATTT để nâng cao kỹ năng cho cán bộ phụ trách ATTT. Mặt khác, cần kịp thời xây dựng hoặc tiếp nhận và triển khai các nền tảng số phục vụ công tác quản lý, giám sát đo lường mức độ an toàn của các hệ thống thông tin trong cơ quan Nhà nước; phổ biến, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số phục vụ phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng.
Thực hiện quán triệt để 100% hệ thống thông tin cơ quan Nhà nước triển khai đầy đủ phương án bảo đảm ATTT theo hồ sơ đề xuất cấp độ đã được phê duyệt; làm tốt công tác giám sát, bảo vệ 24/24h đối với hệ thống thông tin qua Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng tỉnh. Ngoài ra, cần bố trí nguồn ngân sách phù hợp hằng năm để phục vụ bảo đảm an toàn, an ninh cho các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh.
Cùng với việc triển khai nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả các giải pháp, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân cũng cần quan tâm, thực hiện hiệu quả 10 biện pháp khuyến nghị của Cục ATTT - Bộ Thông tin và Truyền thông về phòng tránh lừa đảo trên môi trường mạng.
Chị Trần Thị Minh Đào ở phường Minh Tân, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Nhờ có sự tuyên truyền qua nhiều kênh của cơ quan chức năng, tôi đã kịp thời nhận ra nên không bị lừa bởi các đối tượng giả danh công an yêu cầu cài đặt phần mềm phục vụ việc tích hợp giấy tờ cá nhân. Vì các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi và thay đổi nhanh chóng, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền kịp thời, bằng nhiều hình thức và cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng để người dân biết cách phòng tránh hiệu quả”.
Nguyễn Thơm