Agribank Trấn Yên nâng cao chất lượng dịch vụ trên nền tảng công nghệ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/12/2024 | 8:55:03 PM

YênBái - Thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Trấn Yên (Agribank Trấn Yên) đã tích cực đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ trên nền tảng công nghệ thông tin, đưa nhiều sản phẩm tiện ích mới phù hợp, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Gian hàng chuyển đổi số của Agribank Trấn Yên giới thiệu, tư vấn, hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ tiện ích mới nhất.
Gian hàng chuyển đổi số của Agribank Trấn Yên giới thiệu, tư vấn, hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ tiện ích mới nhất.

Để triển khai có hiệu quả nguồn vốn ưu tiên trong lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp, thời gian qua, Agribank Trấn Yên đã tiết giảm chi phí, nhiều lần giảm lãi suất huy động đầu vào để điều chỉnh giảm lãi suất cho vay; hỗ trợ trực tiếp các đối tượng khách hàng giúp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng. 

Đến tháng 12/2024, tổng nguồn vốn huy động của đơn vị đạt 1.416 tỷ đồng, trong đó tiền gửi tiết kiệm là 1.141 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đạt 1.070 tỷ đồng, với 94% cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Nguồn vốn tăng trưởng đã đáp ứng nhu cầu vay vốn của các thành phần kinh tế, nhất là cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

Xác định rõ chuyển đổi số (CĐS) để nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng, Agribank Trấn Yên đã tổ chức nhiều buổi ra quân, tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, ví điện tử, đăng ký dịch vụ thu hộ tiền điện, nước, viễn thông; đăng ký nộp tiền học phí qua tài khoản thanh toán của Agribank; thực hiện thanh toán qua mã VietQR… mang lại sự tiện lợi cho khách hàng và các cơ sở kinh doanh, cơ quan, trường học.

Trong những năm qua, Trường Tiểu học thị trấn Cổ Phúc đã phối hợp với Agribank Trấn Yên hướng dẫn cài đặt, sử dụng các app tiện tích và tuyên truyền giúp cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh hiểu và sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM).

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hải - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Cổ Phúc cho biết: "Nhà trường đã triển khai việc thanh toán các khoản học phí qua app SISAP Phụ huynh và qua tài khoản ngân hàng. Theo đó, chúng tôi hướng dẫn quy trình thực hiện các thao tác nộp tiền theo app và cung cấp số tài khoản ngân hàng để giúp các phụ huynh thực hiện thuận lợi nhất. 2 năm học vừa qua, Trường Tiểu học thị trấn Cổ Phúc đã triển khai TTKDTM, đặc biệt trong năm học 2024 - 2025 thực hiện ở tất cả khoản thu, nộp của học sinh”. 

Có con trai theo học lớp 4C tại Trường Tiểu học thị trấn Cổ Phúc, chị Võ Thị Thu Huyền chia sẻ: "Trước đây, khi đóng tiền học cho con, nhiều khi bận, tôi lại để tiền mặt vào phong bì, ghi chi tiết nội dung các khoản đóng góp để con mang đến lớp nộp và đồng thời tôi cũng nhắn tin cho cô giáo chủ nhiệm để cô nhắc con nộp tiền mà vẫn chưa yên tâm. Nhưng từ khi nhà trường thu các khoản phí qua chuyển khoản ngân hàng, tôi thấy vừa tiện lợi, nhanh chóng lại rất an toàn

Trường Tiểu học thị trấn Cổ Phúc là một trong số 10 trường học trên địa bàn huyện sử dụng dịch vụ thu học phí không dùng tiền mặt của Agribank Trấn Yên. Các hình thức TTKDTM Agribank Trấn Yên đang áp dụng phổ biến qua các kênh: Internet Banking, E-Mobile Banking, thanh toán qua thẻ ATM/POS, qua liên kết với các ví điện tử và được khách hàng sử dụng nhiều bởi sự thuận tiện, nhanh gọn, chính xác và bảo mật trong giao dịch. 

Đến nay, Agibank Trấn Yên đã mở tài khoản, phát hành thẻ miễn phí và đăng ký dịch vụ E-mobile Banking cho trên 27.000 khách hàng; mở gần 25. 000 tài khoản, phát hành gần 16.000 thẻ, hơn 200 điểm thanh toán QR Code. Đã có 10 trường học sử dụng dịch vụ thu học phí không dùng tiền mặt, đạt tỷ lệ 25%. Đơn vị cũng đã đăng ký cho trên 4.800 khách hàng sử dụng dịch vụ thu hộ tiền điện, nước, viễn thông qua tài khoản. Cùng đó, đơn vị đã cung cấp miễn phí mã VietQR cho các cửa hàng, hộ kinh doanh trên địa bàn giúp việc thanh toán hàng hóa diễn ra nhanh chóng, thuận tiện mà vẫn đảm bảo an toàn, bảo mật. 

Ông Đặng Duy Tiến  - Giám đốc Agribank huyện Trấn Yên cho biết: "Thời gian tới, Agribank Trấn Yên tiếp tục thực hiện tốt việc kết nối thanh toán, cung cấp các dịch vụ ngân hàng nhằm nâng cao các tiện ích cho khách hàng và hiệu quả kinh doanh, dịch vụ; mở rộng các dịch vụ thanh toán, trong đó chú ý phát triển TTKDTM phục vụ các tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, chúng tôi thực hiện phát triển khách hàng sử dụng nhiều gói sản phẩm, dịch vụ có tính liên kết, ổn định và lâu dài, nhằm nâng cao các tiện ích cho khách hàng và hiệu quả kinh doanh dịch vụ; đảm bảo an toàn tài sản của Nhà nước, của khách hàng, tạo niềm tin vững chắc, nâng cao vị thế và uy tín của Agribank”.

Agribank Trấn Yên đã và đang nỗ lực từng ngày đổi mới theo hướng hiện đại, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, hình thành ngân hàng số để gia tăng tiện ích cho khách hàng, đặc biệt là đối tượng khách hàng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần xây dựng huyện Trấn Yên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gắn với đô thị hoá.

Bùi Minh


Tags Agribank Trấn Yên dịch vụ chuyển đổi số

Các tin khác
Các đại biểu tham quan gian hàng của các doanh nghiệp tham gia Chương trình.

Sẽ có 4 phiên livestream của các TikToker đến từ Yên Bái và Điện Biên bán các mặt hàng của các doanh nghiệp tham gia Chương trình “Ngày mua sắm trực tuyến và trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP thúc đẩy phát triển kinh tế số năm 2024” do Sở Công thương Yên Bái tổ chức. Chương trình đã khai mạc sáng nay (13/12) tại Trung tâm Truyền thông và Văn hóa thị xã Nghĩa Lộ.

Chuyển đổi số không thể thành công nếu như không hình thành được các công dân số.

Qua gần 4 năm đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số (CĐS), đến nay, Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Để phục vụ người dân tốt hơn, tỉnh đang tiếp tục có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng CĐS.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh trao chứng nhận cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu đầu tiên tại tỉnh Yên Bái cho các hộ gia đình tại huyện Yên Bình.

Tỉnh Yên Bái đã và đang tích cực đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng (MSVT) cho rừng nguyên liệu. Số hóa vùng trồng rừng gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu là bước tiến quan trọng, giúp ngành gỗ Yên Bái thích ứng với tiêu chuẩn quốc tế ngày càng cao, góp phần thực hiện chuyển đổi số trong lâm nghiệp, thúc đẩy kinh tế hợp tác và MSVT sẽ là đầu vào rất quan trọng cho cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Biểu tượng ChatGPT của Công ty OpenAI tại một văn phòng ở Washington, D.C. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 12/12, Chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT gặp sự cố ngừng hoạt động trên toàn cầu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục