Giữ vững an ninh quốc gia trong kỷ nguyên số

  • Cập nhật: Thứ sáu, 4/4/2025 | 1:51:19 PM

YênBái - Đối với lĩnh vực an toàn thông tin mạng, trước đây, nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc trách nhiệm của Sở Khoa học và Công nghệ. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số cùng với những nguy cơ ngày càng gia tăng từ tội phạm công nghệ cao, việc chuyển giao nhiệm vụ này sang Công an tỉnh đã được thực hiện nhằm đảm bảo sự thống nhất trong công tác bảo vệ an ninh mạng trên địa bàn tỉnh. Đây là bước đi quan trọng, giúp nâng cao năng lực quản lý, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Lãnh đạo Công an tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ ký kết bàn giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng.
Lãnh đạo Công an tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ ký kết bàn giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng.

Thượng tá Lê Cao Bách - Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh cho biết: "Thực tế, yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin mạng ngày càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao gia tăng, các cuộc tấn công mạng diễn ra với quy mô lớn hơn, tinh vi hơn. Không gian mạng trở thành mặt trận quan trọng, tác động trực tiếp đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội cũng như đời sống của người dân. Do đó, việc tinh gọn bộ máy, giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng cho Công an tỉnh là phù hợp với xu hướng chung. Điều này không chỉ giúp nâng cao khả năng phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm mà còn góp phần xây dựng một môi trường mạng an toàn, lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh”.

Ngay sau khi có chỉ đạo của Trung ương và UBND tỉnh, Công an tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp; trong đó, tập trung vào các nội dung chính như: hai đơn vị đã tiến hành đánh giá tổng thể chức năng, nhiệm vụ, nhân sự, trang thiết bị, máy móc và các điều kiện cần thiết khác phục vụ công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng. Kết quả rà soát cho thấy, hệ thống nhân sự, trang thiết bị và quy trình làm việc cần có sự điều chỉnh để phù hợp với mô hình quản lý mới; để đảm bảo quá trình chuyển giao không ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp và người dân, hai đơn vị đã tổ chức các buổi làm việc chuyên sâu, hướng dẫn nghiệp vụ và chuyển giao dữ liệu, hồ sơ một cách bài bản. 

Đồng thời, trong giai đoạn đầu sau khi chuyển giao, Công an tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Khoa học và Công nghệ để đảm bảo không xảy ra gián đoạn trong công tác quản lý. Các kênh liên lạc, xử lý sự cố và hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức cũng được thiết lập để đảm bảo hoạt động ổn định… Sau một thời gian triển khai, việc chuyển giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. 

Công an tỉnh với chức năng chuyên trách về an ninh, trật tự xã hội đã nhanh chóng tiếp nhận nhiệm vụ, tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thông tin mạng trên địa bàn. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa hai đơn vị, các hoạt động quản lý, giám sát, xử lý vi phạm liên quan đến an toàn thông tin mạng vẫn diễn ra bình thường, không gây ảnh hưởng đến các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Công tác tuyên truyền, tập huấn về an toàn thông tin mạng được đẩy mạnh, giúp các cơ quan, doanh nghiệp nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc bảo vệ dữ liệu, phòng chống các nguy cơ từ không gian mạng.

Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình chuyển giao cũng gặp phải một số khó khăn như: việc chuyển giao nhiệm vụ đòi hỏi Công an tỉnh phải tiếp nhận một khối lượng công việc lớn, bao gồm cả hệ thống dữ liệu, hồ sơ quản lý từ Sở Khoa học và Công nghệ; do đặc thù công việc quản lý an toàn thông tin mạng đòi hỏi chuyên môn cao, lực lượng cán bộ Công an tỉnh cần được đào tạo, bồi dưỡng thêm về công nghệ, an ninh mạng… 

Để khắc phục những khó khăn trên, Công an tỉnh đã chủ động đề xuất các giải pháp như: tổ chức đào tạo chuyên sâu thông qua việc phối hợp với các chuyên gia an ninh mạng, các đơn vị chuyên môn để tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ, chiến sĩ; tập trung ứng dụng công nghệ hiện đại, đầu tư trang thiết bị, phần mềm hỗ trợ để nâng cao hiệu quả giám sát, phát hiện và xử lý các sự cố an toàn thông tin mạng. 

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin mạng của Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ để cập nhật các phương pháp, công nghệ tiên tiến nhất trong công tác bảo vệ an ninh mạng.

Việc chuyển giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng từ Sở Khoa học và Công nghệ sang Công an tỉnh là một bước đi quan trọng trong công cuộc tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Quá trình triển khai đã được thực hiện bài bản, khoa học, đảm bảo tính liên tục và không gây gián đoạn hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp, người dân. Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ, ứng dụng công nghệ tiên tiến để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin mạng, góp phần giữ vững an ninh quốc gia trong kỷ nguyên số.

Trần Ngọc

Tags Công an tỉnh an toàn thông tin mạng không gian mạng đấu tranh phòng ngừa

Các tin khác
Người dân đến giải quyết TTHC tại Bộ phận Phục vụ hành chính công xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải.

UBND huyện Mù Cang Chải vừa ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 31/3/2025 triển khai thực hiện Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 28/02/2025 của UBND tỉnh Yên Bái về việc thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 của Chính phủ và Kế hoạch 219-KH/TU ngày 17/02/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải.

Chuyển phát hàng hoá.

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa có công văn yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường công tác bảo đảm an toàn dữ liệu người dùng dịch vụ bưu chính.

Cán bộ phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái giải quyết thủ tục hành chính trên nền tảng số, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Những năm gần đây, Đảng bộ phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, triển khai hiệu quả các nghị quyết đề ra, trong đó, đặc biệt chú trọng vào phát triển kinh tế, chuyển đổi số (CĐS) và giảm nghèo bền vững. Những nỗ lực này đã mang lại kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của địa phương.

“Tổ CĐS cộng đồng” trong ngày ra mắt của thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên.

Sau hơn 3 năm thực hiện công tác chuyển đổi số (CĐS), huyện Văn Yên có nhiều cách làm mới sáng tạo, nổi bật là triển khai có hiệu quả các mô hình CĐS đặc trưng đã mang lại kết quả quan trọng. Kết thúc năm 2024, Văn Yên là 1 trong 17 tập thể thuộc các bộ, ngành, địa phương trong cả nước và là huyện duy nhất của tỉnh Yên Bái được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục