Hồ nước dưới lòng đất lớn nhất hành tinh

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/3/2023 | 2:27:43 PM

Hồ nước trong hang Hơi thở rồng rộng khoảng 2 ha, sâu hơn 200 m, nước trong vắt và vẫn có các sinh vật sống.

Tàu lặn tự động Sunfish lập bản đồ một phần của hồ nước ngầm trong hang Hơi thở rồng. Ảnh: United States Deep Caving Team/Kasia Biernacka

Tàu lặn tự động Sunfish lập bản đồ một phần của hồ nước ngầm trong hang Hơi thở rồng. Ảnh: United States Deep Caving Team/Kasia Biernacka

Sâu bên dưới Namibia, có một hang động ngập nước mang tên Hơi thở rồng (Dragon's Breath), ẩn chứa hồ nước ngầm không nằm dưới băng lớn nhất Trái Đất. Suốt nhiều thập kỷ, thế giới không nắm được kích thước thực sự của vùng nước này vì các nhà thám hiểm chỉ có thể lặn xuống độ sâu giới hạn. Tuy nhiên, tiến bộ công nghệ dần hé lộ những bí mật của hang động.

Các cuộc khảo sát với robot trong những năm gần đây cho thấy, hang Hơi thở rồng sâu hơn 200 m. Rất khó để đưa ra con số chính xác về tổng diện tích của hồ, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng nó rộng khoảng 2 ha, vượt qua Lost Sea, hồ nước ngầm không nằm dưới băng lớn nhất Mỹ và lớn thứ hai thế giới, diện tích ước tính 1,8 ha.

Namibia là quốc gia ven biển ở phía nam châu Phi với cảnh quan khô cằn nhưng cũng rất ấn tượng. Tên gọi Namibia bắt nguồn từ từ "Namib", nghĩa là một nơi rộng lớn và trống rỗng trong tiếng địa phương. Quốc gia châu Phi này có ít nhất 124 hang động, một lượng lớn trong số đó nằm ở vùng Otjozondjupa, bao gồm hang Hơi thở rồng.

Tên hang động được cho là bắt nguồn từ luồng không khí ẩm và ấm "chào đón" các nhà thám hiểm ở lối vào. Đi qua lối vào, hầu hết các phần của hang gần như không có ánh sáng. Nước hồ trong vắt và kỳ lạ là vẫn có sự sống dưới dạng những sinh vật giống giun và tôm nhỏ.

Theo phim tài liệu về châu Phi trên đài BBC của nhà tự nhiên học nổi tiếng người Anh David Attenborough, hang Hơi thở rồng là nơi sinh sống của cá da trơn vàng (Clarias cavernicola), loài vật thuộc họ Cá trê có vẻ đẹp độc đáo và thuộc nhóm động vật cực kỳ nguy cấp theo Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Tuy nhiên, những chuyên gia khác cho rằng loài này thực chất sống trong một hang động tương tự ở Namibia - hang Aigamas.


Tàu lặn Sunfish và một thợ lặn khám phá hang Hơi thở rồng. 

Ngày nay, con người vẫn chưa hiểu hết về mức độ đa dạng sinh học trong hang Hơi thở rồng vì có rất ít nghiên cứu sinh học về hang động này. Những chuyến khám phá đầu tiên được ghi nhận diễn ra vào những năm 1980. Theo cuốn sách "The Darkness Beckons" của nhà thám hiểm kiêm thợ lặn Martyn Farr, một trong những nỗ lực đầu tiên thuộc về một nhóm thợ lặn và nhà thám hiểm hang động từ Hiệp hội Hang động học Nam Phi vào năm 1986.

Một số ước tính từ thời kỳ này cho thấy, hồ nước ngầm nằm ở độ sâu ít nhất 150 m. Nhưng vào năm 2019, đoàn thám hiểm của công ty Mỹ Stone Aerospace đã sử dụng tàu lặn tự động Sunfish để chứng minh hồ sâu hơn nhiều. Họ nhận thấy mặt nước xuất hiện cách lối vào hang khoảng 59 m và kết thúc ở độ sâu 264 m, nghĩa là tổng độ sâu của hồ nước là hơn 200 m.

Tàu lặn mini đi sâu vào trong hang, sử dụng tia laser và sonar (định vị thủy âm) để lập bản đồ. Ngoài việc hé lộ thêm một hốc lớn gần lối vào, chuyến nghiên cứu còn cho thấy hang động có hình dạng giống như một chiếc giày mũi nhọn.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Một tệp thẻ sim trên tay người bán tại một cửa hàng ở Hà Nội.

Nhà mạng có thể bị đình chỉ phát triển thuê bao mới nếu bị phát hiện bán sim đã kích hoạt sẵn hoặc có thông tin không chuẩn.

Giáo sư Ranga Dias (trái) trong phòng thí nghiệm

Các nhà khoa học đã chế tạo được vật liệu siêu bán dẫn có thể tạo nên cuộc cách mạng trong ngành năng lượng và điện tử, theo báo cáo đăng trên chuyên san Nature.

Theo phóng viên TTXVN tại Australia, các nhà khoa học trường Đại học Flinders tại bang Nam Australia đang sử dụng các đặc tính sinh học của côn trùng để chế tạo robot có não.

ARTEMIS di chuyển trong sân trường.

Nhóm nghiên cứu ở Đại học Đại học California, Los Angeles, phát triển robot hình người có tốc độ 2,1 m/s với khả năng giữ thăng bằng đặc biệt tốt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục