Tại các địa phương trong tỉnh, thời gian này, nông dân tập trung ra đồng chăm sóc và phòng trừ các loại sâu bệnh hại. Trên cánh đồng của thôn Khe Lếch, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, anh Hoàng Trung Thông đang tập trung chăm sóc và kiểm tra sâu bệnh hại trên 6 sào lúa của gia đình.
"Hiện tại, tôi và các hộ trong thôn đang chủ động kiểm tra thăm đồng, thực hiện biện pháp phòng trừ sâu bệnh bằng phương pháp thủ công kết hợp phun thuốc đặc trị không để sâu bệnh, ốc bươu vàng phá hoại ảnh hưởng đến năng suất” - anh Thông chia sẻ.
Vụ xuân năm 2023, huyện Trấn Yên gieo cấy trên 2.226 ha, đạt 104,8% kế hoạch. Nhờ được gieo cấy đúng thời vụ, chăm sóc chu đáo nên toàn bộ diện tích lúa xuân đang sinh trưởng, phát triển tốt; trà xuân sớm đang đứng cái làm đòng và nông dân các xã đang tập trung chăm sóc.
Theo Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện, thời gian này, do thời tiết nắng mưa thất thường nên một số diện tích đã xuất hiện sâu cuốn lá, bọ xít đen, bệnh khô vằn, bạc lá, đạo ôn… Diện tích nhiễm gần 40 ha rải rác ở các xã.
Bà Trần Thị Hoàn Liên - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên cho biết: "Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các địa phương tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật; đồng thời, tăng cường cán bộ về cơ sở tuyên truyền, nhắc nhở bà con thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện sớm sâu bệnh hại và có hướng dẫn phòng trừ, tránh lây lan ra diện rộng”.
Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy trên 19.360 ha. Các địa phương đã kết thúc gieo cấy vào cuối tháng 2/2023 và đảm bảo khung thời vụ theo kế hoạch. Đến nay, cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt và 250 ha trà sớm ở huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ đang bắt đầu trỗ; trà chính vụ đang trong giai đoạn đứng cái - làm đòng.
Tuy nhiên, hiện tại thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa với diễn biến bất thường, nên UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động trong sản xuất, giám sát diễn biến tình hình sâu bệnh, sinh vật hại lúa; triển khai các biện pháp phòng trừ kịp thời không để phát sinh trên diện rộng.
Theo báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đến ngày 20/4, toàn tỉnh có gần 400 ha lúa nhiễm bệnh đạo ôn lá, chủ yếu ở các địa phương: thị xã Nghĩa Lộ, huyện Lục Yên, Trạm Tấu, Văn Chấn, Trấn Yên và thành phố Yên Bái. Bệnh đốm sọc vi khuẩn nhiễm nhẹ trên 200 ha; bệnh khô vằn nhiễm 134 ha; trong đó, nhẹ 101 ha, trung bình 33 ha ở các địa phương: Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình, Trấn Yên và thành phố Yên Bái; rầy nâu, rầy lưng trắng nhiễm nhẹ 52 ha...
Căn cứ vào diễn biến thời tiết, khí hậu, tình hình dịch bệnh phát sinh từ đầu vụ, dự báo trong cuối tháng 4, đầu tháng 5, bệnh bạc lá, đạo ôn cổ bông, tập đoàn rầy gây hại mạnh trên trà chính vụ và trà xuân muộn, nhất là trong tháng 5 khi lúa bắt đầu trỗ bông, chín, rầy nâu có thể hại mạnh nếu không phòng trừ kịp thời sẽ gây cháy chòm ổ.
Trước diễn biến phức tạp của sâu bệnh hại, cán bộ chuyên môn của ngành nông nghiệp đang tiếp tục theo dõi, nắm tình hình và đẩy mạnh việc khuyến khích người dân tích cực chăm sóc cũng như phòng, trừ sâu bệnh; hướng dẫn cho nông dân phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời nhưng phải đảm bảo đúng thuốc, đúng liều lượng.
Mặt khác, khuyến cáo nông dân trong thời điểm tháng 4, tháng 5 không chủ quan và thường xuyên thăm đồng để phòng, chống sâu bệnh hại lúa, bảo đảm mùa vụ. Ngoài chỉ đạo sát sao của tỉnh, huyện và hướng dẫn, đôn đốc của cán bộ chuyên môn thì người dân cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra đồng ruộng kịp thời phát hiện sâu bệnh hại để có hướng chăm sóc, phòng trừ, trị bệnh kịp thời, hiệu quả, đảm bảo cho diện tích lúa phát triển ổn định.
Hồng Duyên