Yêu cầu về hồ sơ
Nghị định quy định tổ chức, cá nhân đề nghị cấp, cấp lại, cấp đổi, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, tính hợp pháp của các tài liệu và nội dung kê khai trong hồ sơ.
Đối với hồ sơ nộp trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu chính: Các tài liệu trong hồ sơ mà Nghị định này không yêu cầu công chứng hoặc chứng thực, tổ chức đề nghị cấp, cấp lại, cấp đổi, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép phải đóng dấu; cá nhân, hộ kinh doanh phải ký xác nhận vào từng tài liệu; trường hợp tài liệu có nhiều tờ phải được đóng dấu giáp lai đối với tổ chức hoặc ký xác nhận vào từng trang đối với cá nhân, hộ kinh doanh.
Đối với hồ sơ nộp qua Hệ thống dịch vụ công trực tuyến: Các tài liệu trong hồ sơ mà Nghị định này yêu cầu ký, đóng dấu của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp, cấp lại, cấp đổi, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép thì tổ chức không phải ký, đóng dấu; cá nhân, hộ kinh doanh không phải ký các tài liệu đó.
Người nước ngoài đề nghị cấp giấy phép đối với đài vô tuyến điện nghiệp dư được phép nộp bản sao Hộ chiếu còn thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định này và phải xuất trình bản chính khi nhận giấy phép.
Nghị định cũng nêu rõ, tổ chức, cá nhân đã được cơ quan có thẩm quyền cấp tài khoản định danh điện tử khi nộp hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, cấp đổi, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến thì không yêu cầu nộp bản sao điện tử hợp pháp các giấy tờ Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu còn thời hạn hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Đối với hồ sơ nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu chính: Tổ chức, cá nhân không phải nộp tài liệu trong hồ sơ quy định tại khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 6 Nghị định này về Căn cước công dân hoặc Giấy chứng minh nhân dân hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi cơ quan cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện tra cứu được các thông tin này tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Thời điểm áp dụng cụ thể quy định này được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện.
Tổ chức, cá nhân không phải nộp lại các tài liệu quy định trong hồ sơ đã nộp trong lần đề nghị cấp, cấp lại, cấp đổi, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép trước đó nếu tài liệu còn hiệu lực và không có sự thay đổi về nội dung, trừ thành phần hồ sơ là bản khai quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
Các trường hợp phải nộp bổ sung tài liệu
Nghị định quy định tổ chức, cá nhân phải nộp bổ sung các tài liệu liên quan đến hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, cấp đổi, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép trong trường hợp: Cơ quan cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện cần phải xác minh lại thông tin trong bản khai quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này để ấn định tần số vô tuyến điện và cấp, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép;
Cơ quan cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện cần có thông tin để xác định tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng được miễn, giảm lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, phí sử dụng tần số vô tuyến điện (lệ phí, phí sử dụng tần số vô tuyến điện) theo quy định.
Khi giấy phép còn hiệu lực, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong giấy phép (trừ thời hạn sử dụng) phải làm hồ sơ đề nghị theo đúng quy định.
Khi tổ chức, cá nhân đề nghị đồng thời gia hạn và sửa đổi, bổ sung nội dung của cùng một giấy phép, cơ quan cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện cấp một giấy phép để gia hạn và sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép.
Theo quy định, tổ chức, cá nhân được phép nộp một bản khai thông tin chung cho hồ sơ gồm nhiều bản khai thông số kỹ thuật khai thác, bản khai đề nghị cấp đổi, gia hạn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện.
Đối với đài vô tuyến điện, nghiệp vụ vô tuyến điện phải đăng ký, phối hợp tần số quốc tế theo quy định tại Điều 41 Luật Tần số vô tuyến điện, tổ chức, cá nhân được xem xét cấp, cấp lại, cấp đổi, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép trong thời gian đăng ký, phối hợp tần số quốc tế nhưng phải thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép theo quy định của Nghị định này khi cần thay đổi tần số vô tuyến điện hoặc các thông số kỹ thuật khác theo kết quả đăng ký, phối hợp tần số quốc tế với Liên minh Viễn thông quốc tế.
Chỉ được nhận giấy phép khi nộp đủ lệ phí
Nghị định quy định tổ chức, cá nhân chỉ được nhận giấy phép khi đã nộp đủ lệ phí, phí sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định.
Sau 30 ngày kể từ ngày cơ quan cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện gửi thông báo bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, nếu tổ chức, cá nhân không thực hiện thì cơ quan cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện huỷ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.
Đồng thời, sau 30 ngày kể từ ngày cơ quan cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện gửi thông báo nộp lệ phí, phí sử dụng tần số vô tuyến điện, nếu tổ chức, cá nhân không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp lệ phí, phí sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định thì cơ quan cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyên điện huỷ kết quả giải quyết hồ sơ.
Các giới hạn phát xạ vô tuyến điện trong giấy phép sử dụng băng tần được quy định theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Trường hợp chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn quốc tế và khả năng thực tế của công nghệ để bảo đảm giảm thiểu khả năng gây nhiễu có hại.
Tổ chức được cấp giấy phép sử dụng băng tần có trách nhiệm báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Tần số vô tuyến điện) định kỳ hàng quý trong thời hạn quy định của Bộ Thông tin và Truyền thồng về Danh mục thiết bị phát sóng vô tuyến điện sử dụng trong mạng thông tin vô tuyến điện theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và báo cáo đột xuất trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Tần số vô tuyến điện) gửi văn bản.
Các phương thức nộp hồ sơ
Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, cấp đổi, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép qua một trong các phương thức sau: Nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc nộp hồ sơ qua đường bưu chính hoặc nộp hồ sơ trực tiếp.
Kết quả giải quyết hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, cấp đổi, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép được gửi tới tổ chức, cá nhân qua một trong các phương thức sau: trả kết quả qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc qua phương thức điện tử hoặc qua đường bưu chính hoặc trả trực tiếp.
Tổ chức, cá nhân nước ngoài được cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện đối với đài vô tuyến điện nghiệp dư chỉ được sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện trong thời gian lưu trú hợp pháp tại Việt Nam.
Trong thời hạn 75 ngày kể từ ngày Liên minh Viễn thông quốc tế ban hành Thông tư thông tin tần số quốc tế (BRIFIC - BR International Frequency Information Circular), tổ chức được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh có trách nhiệm báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Tần số vô tuyến điện) kết quả kiểm tra các đăng ký tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh của nước ngoài được Liên minh Viễn thông quốc tế công bố có khả năng ảnh hưởng đến vệ tinh đã được cấp giấy phép.
Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Tần số vô tuyến điện) cấp, cấp lại, cấp đổi, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, đình chỉ một phần quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, xử lý đề nghị ngừng sử dụng tần số vô tuyến điện đối với các loại giấy phép theo quy định của Luật Tần số vô tuyến điện trừ các trường hợp quy định ở dưới.
Cục Tần số vô tuyến điện (Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực) cấp, cấp đổi, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện, xử lý đề nghị ngừng sử dụng tần số vô tuyến điện đối với: Đài vô tuyến điện nghiệp dư, đài tàu, đài vô tuyến điện đặt trên phương tiện nghề cá, đài vô tuyến điện liên lạc với phương tiện nghề cá, đài truyền thanh không dây, mạng thông tin vô tuyến điện nội bộ.
(Theo Tin tức)