Các nhà khoa học tạo thành công một con khỉ vàng nhân bản bằng cách cung cấp cho phôi nhau thai không bị khiếm khuyết.
|
Con khỉ vàng đực nhân bản 3,5 tuổi hiện nay vẫn khỏe mạnh.
|
Các nhà khoa học ở Trung Quốc nhân bản một con khỉ vàng thông qua thay thế nhau thai khiếm khuyết bằng nhau thai khỏe mạnh, theo Live Science. Kỹ thuật tiên tiến này có thể tăng đáng kể tỷ lệ nhân bản thành công. Con khỉ tên ReTro hiện nay 3,5 năm tuổi, vẫn khỏe mạnh và phát triển tốt, theo đồng tác giả nghiên cứu Qiang Sun, nhà khoa học thần kinh linh trưởng ở Trung tâm chuyên về khoa học bộ não và công nghệ thông minh thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc.
Giới nghiên cứu từng nhân bản khỉ vàng trước đây, nhưng đây là lần đầu tiên họ sử dụng thành công phương pháp chuyển nhân tế bào sinh dưỡng, bao gồm thay thế nhân của tế bào trứng đã thụ tinh với nhân lấy từ tế bào sinh dưỡng của cá thể khác. Tế bào sinh dưỡng gồm mọi tế bào trong cơ thể trừ tế bào sinh sản. Một nỗ lực trước đây nhằm nhân bản khỉ vàng thông qua chuyển nhân tế bào sinh dưỡng cho ra đời con non, nhưng nó chết chỉ 12 giờ sau đó.
Khỉ vàng (Macaca mulatta) được sử dụng phổ biến trong phòng thí nghiệm và nghiên cứu y tế bởi chúng rất gần gũi với con người về mặt di truyền. Nhân bản loài khỉ này có thể giúp thu được mô hình linh trưởng không phải người với nền di truyền và kiểu gene giống nhau trong thời gian ngắn, theo Sun. Điều này sẽ giúp các nhà nghiên cứu lọc bất kỳ ảnh hưởng nào của biến dị di truyền khi thử thuốc. Quá trình nhân bản được mô tả trong nghiên cứu công bố hôm 16/1 trên tạp chí Nature Communications, giúp tiến gần hơn tới cải thiện hiệu quả nhân bản ở linh trưởng và động vật có vú khác.
Các nhà khoa học sử dụng phương pháp chuyển nhân tế bào sinh dưỡng để nhân bản một loạt loài động vật có vú khác nhau như khỉ, cừu, gia súc và chó. Tuy nhiên, phần lớn phôi thai nhân bản không sống sót tới lúc sinh, thường do khiếm khuyết trong sự phát triển và cấu trúc của nhau thai. Khoảng 1 - 3% nỗ lực cho ra đời con non còn sống bằng phương pháp nhân bản thông thường, dù tỷ lệ thành công cao hơn một chút ở gia súc (5 - 20%).
Để khắc phục vấn đề này, Su và đồng nghiệp thay thế cụm tế bào thường phát triển thành nhau thai từ phôi nhân bản bằng tế bào tương tự từ phôi thai bình thường. Những tế bào gọi chung là ngoại bì lá nuôi, hình thành nhau thai khỏe mạnh cung cấp cho phôi thai nhân bản dưỡng chất và oxy trong suốt quá trình phát triển. Thí nghiệm dẫn tới sự ra đời của con khỉ vàng đực khỏe mạnh vào năm 2020. Do khiếm khuyết nhau thai thường gặp ở mọi loài động vật có vú nhân bản, nhóm nghiên cứu dự đoán phương pháp mới có thể áp dụng với các loài có vú khác và linh trưởng không phải người.
(Theo VnExpres)
Một số hành tinh đá giống Trái Đất bị Mặt Trời "bắt cóc" hàng tỉ năm trước có thể vẫn ẩn nấp ngay quanh chúng ta.
Nhà máy thủy điện mới của Trung Quốc được xây dựng ở độ cao 4.300m so với mực nước biển.
Với việc hoàn thành nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm diện rộng hệ sinh thái sản phẩm 5G cả phần cứng và phần mềm, Việt Nam trở thành một trong 5 quốc gia đầu tiên làm chủ công nghệ 5G.
Để từng bước khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế tại chỗ trong phát triển cây sơn tra cũng như tạo liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích canh tác, huyện Mù Cang Chải đã xây dựng mô hình trồng thâm canh cây sơn tra ghép theo chuỗi giá trị tại 2 xã Lao Chải và Kim Nọi.