Thế giới hiện chỉ có 7 nước đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng không khí của WHO

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/3/2024 | 2:27:26 PM

Trong báo cáo mới nhất từ IQAir - Công ty giám sát chất lượng không khí của Thụy Sĩ, chỉ có 7 quốc gia và 9% thành phố trên thế giới có chất lượng không khí đáp ứng các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về ô nhiễm bụi mịn PM2.5.

Ấn Độ đứng trong 5 quốc gia có không khí ô nhiễm nhất vào năm 2023
Ấn Độ đứng trong 5 quốc gia có không khí ô nhiễm nhất vào năm 2023

Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ, Tajikistan và Burkina Faso lần lượt được xếp hạng là 5 quốc gia có không khí ô nhiễm nhất vào năm 2023, tính theo dân số. Trong khi đó, các thành phố có không khí tồi tệ nhất là New Delhi tại Ấn Độ, Dhaka tại Bangladesh, Ouagadougou tại Burkina Faso, Dushanbe tại Tajikistan và Baghdad của Iraq.

Ngược lại, Polynesia thuộc Pháp, Mauritius, Iceland, Grenada, Bermuda, New Zealand, Australia, Puerto Rico, Estonia và Phần Lan lần lượt là những quốc gia và vùng lãnh thổ đạt chuẩn chất lượng không khí và ghi nhận ít ô nhiễm nhất.

Các thành phố ghi nhận nồng độ bụi mịn PM2.5 (loại bụi mịn có đường kính nhỏ hơn 2.5 micron) thấp nhất chủ yếu ở khu vực châu Đại dương, Scandinavia và Caribbean bao gồm Wellington tại New Zealand, Reykjavik tại Iceland và Hamilton tại Bermuda.

Báo cáo Chất lượng Không khí Thế giới năm 2023 của IQAir cung cấp đánh giá về chất lượng không khí dựa trên lượng bụi mịn PM2.5 từ 7.812 thành phố trải rộng trên 134 quốc gia, khu vực và vùng lãnh thổ. Dữ liệu được sử dụng để tạo báo cáo này được tổng hợp từ hơn 30.000 trạm giám sát chất lượng không khí do các tổ chức nghiên cứu, cơ quan chính phủ, trường đại học và cơ sở giáo dục, tổ chức phi lợi nhuận, công ty tư nhân và nhà khoa học công dân vận hành.

Hiện, nhiều khu vực đang có mức độ ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng. Báo cáo của IQAir cho thấy, quốc gia ô nhiễm nhất thế giới hiện nay là Pakistan, với nồng độ bụi mịn PM2.5, cao hơn 14 lần so với tiêu chuẩn của WHO. Tiếp theo đó là Ấn Độ, Tajikistan và Burkina Faso. Thậm chí, ngay cả những quốc gia đã đạt được tiến bộ trong hạn chế ô nhiễm không khí vẫn đang bị đe dọa. Từng được xem là nước có chất lượng không khí trong lành nhất trong số các quốc gia phương Tây, Canada hiện đang bị bao phủ bởi lượng bụi mịn PM2.5 dày đặc, phần lớn đến từ các vụ cháy rừng quy mô lớn.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, công cuộc cải thiện chất lượng không khí đã trở nên phức tạp hơn vào năm ngoái, do hoạt động phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, khi các báo cáo cho thấy mức bụi mịn PM2.5 đã tăng lên 6,5%.

Một báo cáo khác, do Viện Chính sách Năng lượng thuộc Đại học Chicago (Epic) chỉ ra rằng ô nhiễm không khí giết chết khoảng 7 triệu người mỗi năm trên toàn thế giới - nhiều hơn cả bệnh AIDS và bệnh sốt rét cộng lại - và gánh nặng này được cảm nhận rõ ràng nhất ở các nước đang phát triển vốn phụ thuộc vào nhiên liệu bẩn để sưởi ấm, thắp sáng và nấu ăn.

Báo cáo thường niên lần thứ 6 của IQAir cho thấy, khu vực ô nhiễm nhất thế giới vào năm ngoái là Begusarai ở Ấn Độ. Tuy nhiên, phần lớn các nước đang phát triển, đặc biệt là châu Phi, đang thiếu các biện pháp đo chất lượng không khí đáng tin cậy.

Ngay cả khi WHO đã hạ tiêu chuẩn về mức bụi mịn PM2.5 an toàn vào năm 2021 xuống còn 2 microgam/m3, nhiều quốc gia, kể cả những nước châu Âu đã cải thiện chất lượng không khí đáng kể trong 20 năm qua, vẫn không thể đáp ứng yêu cầu. "Vào năm 2023, ô nhiễm không khí vẫn là thảm họa sức khỏe toàn cầu, bộ dữ liệu toàn cầu của IQAir đưa ra lời nhắc nhở quan trọng về những bất công nảy sinh và sự cần thiết phải thực hiện nhiều giải pháp hiện có cho vấn đề này”, ông Aidan Farrow, nhà khoa học cấp cao về chất lượng không khí tại Greenpeace International, cho biết.

(Theo ANTĐ)

Các tin khác
Nhà toán học người Pháp Michel Talagrand.

Viện Hàn lâm Khoa học Na Uy thông báo ông Talagrand được vinh danh vì “những đóng góp mang tính đột phá” góp phần mang đến những phương pháp vận dụng đáng chú ý trong vật lý toán học và thống kê.

Microsoft vừa công bố một số tính năng mới của Copilot Pro cùng với ưu đãi cho phép dùng thử miễn phí trong 1 tháng, vốn có giá 20 USD.

Tên lửa đẩy Soyuz 2.1b mang theo tàu thăm dò Mặt Trăng Luna-25 đặt trên bệ phóng tại sân bay vũ trụ Vostochny, Nga, ngày 8/8/2023

Thỏa thuận lập trạm Mặt Trăng quốc tế chung sẽ giúp tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc và củng cố vai trò dẫn đầu của Nga trong việc khám phá không gian.

TechCrunch đưa tin ngày 14/3, Nghị viện châu Âu (EP) chính thức thông qua Đạo luật quản lý trí tuệ nhân tạo, đặt nền tảng pháp lý đầu tiên trên thế giới quản lý lĩnh vực công nghệ mới nổi và các hoạt động đầu tư có liên quan.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục