Thế giới mất thêm một thiên tài về CNTT
- Cập nhật: Thứ hai, 17/10/2011 | 1:58:10 PM
Liên tiếp trong vòng mấy tuần, giới công nghệ thông tin mất đi hai cây đại thụ thiên tài: trước là Steve Jobs và giờ là Dennis Richie.
Cha đẻ của ngôn ngữ lập trình CDennis Richie.
|
Dennis Richie - Cha đẻ của Ngôn ngữ lập trình C và HĐH Unix - qua đời hôm 12-10-2011, tại Berkeley Height, bang New Jersey (Mỹ), thọ 70 tuổi.
Steve là người của công chúng, một thiên tài trong việc thương mại hóa các ý tưởng, các phát minh; đưa chúng vào cuộc sống hằng ngày. Dennis Richie là người của khoa học và công nghệ, người tạo ra nền móng cho các nền tảng công nghệ mà ta đang dùng trong các sản phẩm, các dịch vụ IT ngày nay.
Không mấy người làm về IT lại không nghe nhắc đến Dennis Richie. Ông là tác giả của ngôn ngữ lập trình C, ngôn ngữ lập trình đa năng được sử dụng phổ biến nhất một thời và có ảnh hưởng lớn đến các ngôn ngữ lập trình hiện tại.
Dennis tham gia tích cực vào quá trình phát triển của Multic, một trong những hệ điều hành máy tính chia sẻ thời gian (time-sharing) đầu tiên. Năm 1969, ông cùng Ken Thompson và một số nhà khoa học khác của Bell Labs (cơ sở nghiên cứu của AT&T) thiết kế và phát triển hệ điều hành Unix dùng ngôn ngữ C mà ông vừa thiết kế và cài đặt trước đó.
Cùng với sự ra đời của Unix và ngôn ngữ C, Dennis là 1 trong những người đầu tiên hiện thực hóa ý tưởng viết hệ điều hành (HĐH, operating system - OS) cho máy tính dùng ngôn ngữ lập trình bậc cao (high level programming language).
Với tính mở và cấu trúc phân lớp, Unix có ảnh hưởng lớn tới hầu hết các hệ điều hành máy tính. UNIX cũng góp phần quan trọng trong việc liên lạc giữa các máy tính và dần đến mạng máy tính với đỉnh cao là mạng Internet ngày nay. Unix trở thành 1 chuẩn và có nhiều HĐH dạng Unix (Unix-like) ra đời.
Ban đầu, Dennis Richie thiết kế ra ngôn ngữ C như là một ngôn ngữ viết các chương trình hệ thống và ông cùng các đồng nghiệp dùng ngay nó viết HĐH Unix. Dần dần, cũng cú pháp sáng sủa, mã chương trình khi dịch xong chạy nhanh, kích thước gọn cộng với khả năng can thiệp sâu vào HĐH và sâu nữa là phần cứng, C trở thành ngôn ngữ thích hợp cho phát triển đủ mọi loại ứng dụng. C là ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất thập niên 70s và 80s.
Tiếp đó là sự ra đời của C++. Năm 1995, James Gosling của Sun Microsystems dựa vào C++ đưa ra ngôn ngữ/nền tảng Java với ý tưởng chương trình chỉ cần viết 1 lần có thể chạy trên các loại hệ điều hành khác nhau. Windows của Microsoft bị đe dọa bởi ý tưởng này và năm 2002, Microsoft trình làng nền tảng.NET (có nhiều ý tưởng lấy từ Java).
Cạnh tranh tạo ra động lực phát triển nhưng tất cả đều bám vào một gốc chung. Ta có thể thấy dấu ấn của ngôn ngữ lập trình C, hệ điều hành Unix, của Dennis Richie trong suốt quá trình quá trình phát triển công nghệ thông tin tới ngày nay.
Bell Labs tách khỏi AT&T cuối những năm 90 và mang tên mới Lucent Technologies. Dennis Richie lãnh đạo Trung tâm nghiên cứ phần mềm hệ thống của Lucent Technologies cho đến khi ông về hưu năm 2007. Cuối đời Dennis Richie sống một mình. Ông mắc bệnh tim và ung thư tuyến tiền liệt.
Với những đóng góp của mình, Dennis Richie đã được tặng thưởng giải thưởng Turing, giải thưởng cao quý nhất cho những người làm máy tính. Ông cũng được Huy chương Quốc gia về Công nghệ của chính phủ Mỹ, Giải thưởng của chính phủ Nhật Bản về Thông tin và Truyền thông cùng nhiều giải thưởng danh giá khác.
Xin thắp một nén hương tưởng nhớ Dennis Richie. Chúng tôi, những người làm công nghệ thông tin, sẽ không bao giờ quên ông.
(Theo TPO)
Các tin khác
Cả nước có gần 15,5 triệu thuê bao cố định, trên 30,2 triệu người dùng di động trong tổng số gần 86 triệu dân là số liệu điều tra thực tế vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố.
Một loại bệnh mới có biệt danh "text neck" đang gia tăng ở những người dành nhiều thời gian lướt điện thoại di động và máy tính bảng, các chuyên gia xương khớp cảnh báo.