Nhóc con của tôi

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/5/2017 | 1:43:51 PM

Tôi mong sao em chóng ra đời để chơi cùng với tôi. Và rồi cái ngày tôi mong đợi nhất cũng đến. Ngay đêm đầu tiên có em, tôi đã không được ngủ với mẹ.

Khi chưa có em, tôi luôn là “number one” của mẹ. Mẹ yêu thương và chiều chuộng tôi nhất trên đời. Chưa bao giờ mẹ trách mắng hay đánh đòn dù tôi có làm sai chuyện gì. Tất cả mọi việc của tôi, từ ăn uống, tắm táp, gội đầu cho đến soạn sách vở… cũng do một tay mẹ tôi đảm nhiệm. Sáng nào mẹ cũng dậy sớm để chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả nhà, còn tôi thì cứ ngủ khì khi cho đến khi nào mẹ đến bên giường, dịu dàng gọi: “Con gái yêu của mẹ! Dậy đi thôi kẻo muộn học!” mới uể oải ra khỏi giường.

Mẹ giúp tôi đánh răng, rửa mặt, thay quần áo rồi cho tôi ăn sáng. Hôm nào lười, tôi còn bắt mẹ bón cho mới chịu ăn. Ăn sáng xong, mẹ đưa tôi đến trường, chiều lại đón tôi về. Hôm nào về đến nhà, tôi cũng cất vội cặp sách rồi chạy xuống bếp lục tìm đồ ăn.

Biết tôi hay ăn vặt nên bao giờ mẹ cũng mua sẵn cho tôi rất nhiều đồ ăn mà tôi thích: bánh ngọt, sữa chua, phô mai và các loại hoa quả. Nhìn tôi ăn ngấu nghiến, mẹ lại mắng yêu: “Con gái mẹ háu ăn quá! Ăn từ từ thôi kẻo nghẹn!”.

Trong lúc tôi còn đang mải “đánh chén” những món “khoái khẩu” thì mẹ đã nhanh tay dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Tôi cứ loanh quanh bên chân mẹ, xem mẹ vo gạo, cắm cơm, nhặt rau, thái thịt. Mẹ hỏi:

- Khi nào lớn con làm việc nhà giúp mẹ không?

- Có chứ ạ! Con sẽ rửa bát, nấu cơm, giặt quần áo cho mẹ. Nếu mẹ già không ăn được cơm thì con còn bón cơm cho mẹ nữa - tôi nhanh nhảu.

Mẹ tôi cười rạng rỡ, những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán. Mẹ vừa nấu cơm vừa nhìn tôi âu yếm. Tôi yêu mẹ lắm và tự hứa khi nào lớn sẽ làm thật nhiều việc giúp mẹ để mẹ đỡ vất vả…

Mấy đứa bạn tôi nói chúng không thích có em vì khi có em rồi sẽ không được mẹ yêu và chiều chuộng nữa nhưng tôi không tin vào điều đó. Tôi tin rằng, dù có sinh em bé thì mẹ vẫn sẽ yêu thương cả hai chị em tôi như nhau. Chính vì thế, khi mẹ có em bé, tôi vui sướng lắm! Buổi tối trước khi đi ngủ, tôi đều chơi đùa với em bằng cách xoa nhẹ nhàng lên bụng mẹ. Dường như em cũng cảm nhận được tình cảm của tôi nên đạp rất mạnh.

Tôi mong sao em chóng ra đời để chơi cùng với tôi. Tôi sẽ nhường cho em tất cả đồ chơi của mình, kể cả những thứ tôi thích nhất và những món ăn “khoái khẩu”. Và rồi cái ngày tôi mong đợi nhất cũng đến. Ngay đêm đầu tiên có em, tôi đã không được ngủ với mẹ. Tủi thân quá, tôi chui vào góc nhà khóc rấm rứt. Có em tất cả mọi thứ của tôi bị đảo lộn hoàn toàn. Tôi trở nên “bận rộn”  cùng với mẹ. Nhiều lúc đang chơi, tôi lại nghe tiếng mẹ gọi:

- Bống, lấy cho em cái khăn!
- Bống, lấy cho em cốc nước!
- Bống, lấy cho em hộp sữa!
Khi em lớn chút nữa thì:
- Bống, không được trêu em!
- Bống, nhường đồ chơi cho em!
- Bống, trông em để mẹ nấu cơm!

Ôi, mẹ cái gì cũng “Bống, Bống” làm tôi phát ngán. Chưa kể đến việc mẹ lúc nào cũng gọi em là “cục cưng của mẹ”. Có cái gì, mẹ cũng bắt tôi nhường cho em. Mà con bé này thì đanh đá vô cùng. Biết được mẹ bênh nên nó thường xuyên bắt nạt tôi, có lúc còn đánh cả vào mặt tôi đau điếng. Lúc này, tôi mới thấy lời mấy đứa bạn nói là đúng.

Từ đó tôi cũng “bớt” yêu em và không còn thường xuyên gần gũi mẹ nữa. Có chuyện gì tôi chỉ kể với bà hoặc mấy đứa bạn trong xóm. Mẹ dường như cũng không để ý đến tâm trạng của tôi. Có lẽ, mẹ đã không còn yêu thương tôi như ngày xưa nữa, tôi đã không còn là “number one” của mẹ. Ý nghĩ đó làm tôi và mẹ ngày càng xa cách nhau.

Đi học về tôi không chạy đến ôm cổ mẹ như trước đây mà chui tọt vào phòng của mình đọc truyện hoặc xem ti vi. Tối đến, tôi ôn bài và chơi một mình. Tôi thấy cô đơn dù trong nhà luôn có bố mẹ và em.

Thế rồi một hôm, tôi bị sốt cao do hôm trước trốn học đi chơi với mấy đứa bạn mà không đội mũ. Khi đang mê man trong giấc ngủ, tôi nghe thấy những giọng nói rất quen thuộc nhưng đầy vẻ lo lắng: “Con sốt cao quá anh ạ! Em lo lắm”; “Mẹ ơi có phải con lấy con gấu bông của chị nên chị ốm không?”.

Tôi mở choàng mắt thì thấy bố mẹ và em đang ngồi bên cạnh, nét mặt đầy lo âu. Tôi nhận ra rằng, mẹ vẫn rất thương tôi, vẫn rất lo lắng cho tôi. Tôi vội ôm choàng lấy mẹ khóc thút thít. Mẹ dỗ dành: “Không sao đâu con yêu”.

Từ đó trở đi, tôi, mẹ và em trở nên gần gũi và thân thiết lạ kỳ. Những lúc không phải học bài, tôi giúp mẹ nấu cơm, quét nhà, trông em. Giờ đây, hai chị em tôi đã lớn. Năm học tới, tôi lên lớp 8 còn em cũng sẽ vào lớp 1.

Em nhỏ bé, yếu ớt, thường bị các bạn bắt nạt nên tôi phải ra sức bảo vệ em. Những lúc như vậy, em nhìn tôi “ngưỡng mộ” lắm. Tôi thường đèo em đi xe đạp vòng quanh công viên cạnh nhà những buổi chiều. Em vui sướng cười tít mắt: “Khi nào em lớn, chị dạy em đi xe đạp nhé”. Tất nhiên rồi, nhóc con của chị ạ!

Mai Phương (Lớp 7C, Trường THCS Lê Hồng Phong,
thành phố Yên Bái)

Các tin khác
Ảnh: Minh Đức

Thanh xuân với tôi nó là một khái niệm rất thiêng liêng. Thanh xuân của tôi, tuổi trẻ của tôi đều gắn với những kỷ niệm ở nơi này - nơi tôi được sống với những người bạn thân thương. Tình bạn của chúng tôi không biết tự bao giờ trở nên gắn bó đến thế.

Thanh niên công nhân được tư vấn miễn phí những vấn đề liên quan đến quyền lợi chính đáng trong Tháng Công nhân 2017

Trong Tháng Công nhân 2017, các cấp bộ Đoàn trong cả nước sẽ tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho thanh niên công nhân.

Em Nguyễn Trà Giang bên bộ sưu tập sách của mình.

YBĐT -T rong thời buổi bùng nổ của công nghệ thông tin, văn hóa nghe, nhìn đang dần lấn át thói quen đọc sách, đặc biệt ở giới trẻ, nhưng cô bạn nhỏ Trà Giang sinh năm 2000 lại có một sở thích, đam mê đặc biệt với sưu tập sách. Cho tới nay, em đã sở hữu gần 500 đầu sách các loại.

Thời áo trắng. (Ảnh: hoàng đô)

Mấy ngày nay, tôi thấy lòng mình nặng trĩu, nặng hơn cả những cơn mưa nặng hạt ngoài kia. Tôi muốn nức nở vì những gì mình đã trót đánh mất, những gì không thể thắm lại và cái làm tôi đau đớn, khổ sở, day dứt nhất là đánh mất cơ hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục