Đam mê của cậu bé 10 tuổi

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/1/2018 | 7:03:40 AM

YBĐT - Trong khi những đứa trẻ ở thời công nghệ chỉ thích chúi đầu vào điện thoại thông minh, máy tính, ipad hay những trò chơi đắt tiền thì cậu bé 10 tuổi Bùi Trí Dũng (thành phố Yên Bái) lại có niềm đam mê đặc biệt với nhạc cụ. Bắt đầu tập ghi-ta năm 8 tuổi, đến nay, tự mày mò học hỏi, Dũng đã đánh được trên 20 bản ghi-ta trong đó có cả những bản Ballad khó nhằn.

Em Bùi Trí Dũng có niềm đam mê đặc biệt với các nhạc cụ.
Em Bùi Trí Dũng có niềm đam mê đặc biệt với các nhạc cụ.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống về âm nhạc khi bố Dũng là giáo viên Khoa Nhạc cụ, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái, cứ thế đam mê đến với Dũng qua những âm thanh, bản nhạc của bố từ bé. 

Bố Dũng - anh Bùi Quốc Huy tâm sự: "Lên 3 tuổi, cháu đã bắt đầu biết lắc lư, vỗ tay theo đúng nhịp với các bản nhạc đàn, sáo dân tộc mà tôi chơi hàng ngày. Lớn hơn chút, thấy cháu hay tò mò, nghịch ngợm các nhạc cụ, tôi mới bắt đầu tập cho cháu tìm hiểu về các nhạc cụ. Cháu tiếp thu rất tốt, hiểu và học rất nhanh”.
 
8 tuổi, Dũng bắt đầu tập ghi-ta. Đối với một đứa trẻ, việc học ghi-ta khá khó khăn bởi nó đòi hỏi tính tập trung và kiên nhẫn khá cao khi phải nắm vững nhạc lý về âm thanh. 

Bên cạnh đó, giai đoạn ban đầu sẽ thấy đau nhức, thậm chí chảy máu các đầu ngón tay bởi việc phải bấm phím. Nhưng với niềm đam mê và kiên trì luyện tập, các ngón tay dần chai đi và mất cảm giác, rồi Dũng cũng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
 
Niềm vui sướng khi bản nhạc ghi-ta đầu tiên mang tên "Happy Birthday” đã được đánh trọn vẹn đúng vào ngày sinh nhật 8 tuổi của Dũng như một món quà ý nghĩa dành tặng cho chính bản thân. Cho đến nay, tự mày mò học hỏi, Dũng đã đánh được trên 20 bản ghi-ta trong đó có cả những bản Ballad khó nhằn.

Ngoài ghi-ta, Dũng cũng có niềm đam mê đặc biệt với sáo bầu - một loại sáo của dân tộc thiểu số Trung Quốc. Khác với các loại nhạc cụ khác, sáo bầu không có giáo trình dạy và học. Tất cả đều phải tự học, tự mày mò.
 
Để giúp con trai tập luyện, anh Huy đã mất nhiều ngày tự biên soạn thành các nốt nhạc trên giấy để cho con tập hàng ngày. Dũng tiếp thu khá nhanh, chỉ 2 tuần sau khi được bố hướng dẫn học các nốt nhạc, ký hiệu tay bên phải, bên trái…, Dũng đã có thể thổi nhưng vẫn còn bị đứt quãng.
 
Dũng tâm sự: "Để tập luyện thổi được sáo bầu, mỗi sáng dậy việc làm đầu tiên của em là uống 1 cốc nước ấm sau đó thổi đến khi nào cơ miệng căng cứng, mỏi đến nỗi không còn cảm giác thì dừng lại. Ngày nào em cũng tập vậy trong vòng 2 tháng liền. Nhờ đó, em đã học được cách lấy hơi và xông hơi. Ban đầu  chỉ thổi được 2 phút giờ em đã có thể thổi liên tục, đều hơi được 5 phút rồi đấy!”. Dũng phấn khởi khoe.
 
Em cũng cho biết, sáo bầu có hơn 10 nốt nhạc và có những nốt phải kết hợp việc bấm nhiều lỗ cùng một lúc mới có thể tạo thành một nốt. Điều đó đòi hỏi việc phải ghi nhớ và hiểu như một bản năng mới có thể thực hiện được. 

Và để thổi được sáo bầu hay thì ngoài hơi khỏe còn cần có sự kết hợp nhịp nhàng, nhanh, chính xác từ tay bấm và miệng thổi. Có như vậy mới tạo được độ luyến láy, âm trầm, âm bổng, vừa êm dịu vừa thiết tha. Chính tiếng sáo bầu đi vào lòng người ấy đã giúp Dũng giành giải A tiết mục "Tấu sáo bầu Đi học” tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng và Trình diễn trang phục dân tộc tỉnh năm 2017.

"Cháu có thể ngồi hàng giờ bên các nhạc cụ chỉ để tự mày mò để chơi được một bản nhạc mới. Đó là niềm say mê thực sự, không phải cố gắng ép mình theo nghề của gia đình. Cháu sẽ tiếp tục rèn luyện, hoàn thiện bản thân để thực hiện ước mơ trở thành một nghệ sỹ thực thụ” - Dũng đã nói như vậy.
 
Một đứa bé 10 tuổi đã có mục đích để sống tốt hơn hiện tại có, đã có hướng để đi xa hơn, đã có niềm đam mê để cháy hết mình với nó. Hơn hết em đã tìm được niềm vui thực sự vì chính bản thân mình - niềm vui mà không phải ai cũng tìm được.

Hoài Anh

Các tin khác

YBĐT - Đường sá, giao thông được ví như khung xương của làng quê. Có chắc chắn, rộng dài thì làng quê mới dần thay da đổi thịt. Hẳn những ai từng có dịp được đặt chân đến những xóm làng nằm mãi sâu trong rừng, tít tắp nơi chân núi mới hiểu được ý nghĩa của một con đường mới. 

YBĐT - Khi những cơn gió đông tràn về, tưởng chừng tất cả mọi vật đều chìm vào giấc ngủ, ấy thế nhưng loài hoa cải vẫn rực rỡ khoe sắc trên những triền núi cao. Trên những cánh đồng, bên nương rẫy, từng bông hoa cải đã dệt nên tấm thảm vàng làm xao xuyến lòng người.

Những người lính trên đảo Trường Sa ngày đêm bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. (Ảnh: Internet)

YBĐT- Chẳng may mắn như các bạn, luôn có bố ở bên yêu thương và che chở, ngay từ khi mới sinh ra, tôi đã xa bố rồi. Bố tôi là lính đảo Trường Sa. Chỉ nghe cái tên thôi là đã thấy nó dài và xa lắm. 

Ảnh minh hoạ. (Nguồn internet)

YBĐT - Nếu như không có lời khích lệ, động viên của thầy thì có lẽ Đức sẽ còn tự ti, mặc cảm vì mình béo và không dám tập đi xe đạp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục