Nhật ký bạn cùng bàn

  • Cập nhật: Thứ hai, 7/5/2018 | 1:44:05 PM

Tôi với Việt là hai phạm trù hoàn toàn khác biệt, như hai đường thẳng song song không bao giờ có điểm chung. Việt là một tên "mọt sách” thứ thiệt, còn tôi lại là một đứa con gái vô cùng nghịch ngợm. Chẳng bao giờ tôi nghĩ sẽ là bạn cùng bàn với cậu bạn này.

Tuổi học trò. (Ảnh: Thanh Chi)
Tuổi học trò. (Ảnh: Thanh Chi)

Theo nội quy của lớp, cứ sau một tháng lại phải đổi chỗ ngồi một lần vì như thế sẽ giúp chúng tôi hiểu nhau và đoàn kết giúp đỡ nhau trong học tập tốt hơn. Sáng nay vừa bước vào lớp, tôi đã nghe tin dữ rằng, Việt sẽ là bạn cùng bàn của tôi trong tháng này. Đầu tôi quay cuồng với câu hỏi: "Tại sao lại là Việt, tên "mọt sách” mà tôi ghét nhất lớp?”…
 
Tôi nằm vật ra bàn trong đầu nhẩm tính sẽ phải viện lý do gì để xin cô giáo cho đổi chỗ, ngồi với ai cũng được trừ cái tên mọt sách đó ra.
 
Sau tiết học, tôi rón rén lên gặp cô chủ nhiệm, chưa kịp trình bày lý do cô đã dội cho tôi một gáo nước lạnh: "Đừng nghĩ đến chuyện xin cô đổi chỗ vì cô sẽ không thay đổi quyết định của mình đâu. Cô còn đang tính sẽ để cho em ngồi với Việt đến hết kỳ này để bạn ấy giúp em đạt thành tích cao hơn đấy”.
 
Tôi đờ đẫn đi về chỗ ngồi sau khi nghe cô trả lời. Tối hôm ấy, tôi trằn trọc mãi với biết bao tính toán trong đầu. Cô giáo không cho tôi đổi thì tôi sẽ làm cho Việt phải tự giác xin đổi. Sau khi đã lên kế hoạch rõ ràng, tôi vui sướng chìm vào giấc ngủ ngon với biết bao mộng đẹp.

Ngày đầu tiên, tôi đã lấy lá ngứa rồi xát vào ghế chỗ Việt ngồi. Kết quả Việt phải xin về giữa chừng vì không thể chịu được.

Ngày thứ hai, tôi lén mang một chú cóc nhỏ thả vào ngăn bàn của Việt. Đang trong giờ, Việt thò tay vào lấy vở chẳng may sờ phải hét toáng lên. Kết quả là bị thầy giáo dạy Hóa học phê bình.

Cứ thế tiếp diễn, mỗi ngày tôi lại nghĩ ra một trò mới để hành hạ cậu bạn cùng bàn. Tôi thầm nghĩ xem cậu ta chịu đựng được bao lâu. Nhưng bực một nỗi là dù tôi có quá đáng thì cậu ta cũng chẳng có động tĩnh gì, vẫn điềm tĩnh, chăm chỉ học bài và lại còn hay nói chuyện với tôi hơn nữa.

Câu chuyện cứ thế tiếp diễn cho đến một hôm, đang trong giờ cô chủ nhiệm, vừa nghe giảng tôi vừa tranh thủ tết dây nịt để ra chơi chơi cùng mấy đứa bạn. 

Chẳng hiểu làm sao mà một chiếc dây nịt bắn thẳng vào người cô. Tôi sợ hãi giấu vội sợi dây đang tết xuống ngăn bàn rồi giả vờ ngồi ngay ngắn nghe giảng. Cô quay lại, đưa mắt nhìn một vòng khắp lớp rồi bỗng dừng lại ở chỗ tôi. Tôi lúng túng quay mặt qua nhìn Việt, hai tay nắm chặt vào nhau.
 
Cô giáo mà biết là tôi làm thì sẽ phạt nặng lắm, lòng tôi như lửa đốt. Bỗng nhiên Việt đứng bật dậy: "Thưa cô! Do em bất cẩn nên mới làm dây nịt bắn vào cô. Cô cho em xin lỗi ạ!”. Cô nghiêm mặt: "Cuối giờ, em ở lại gặp cô”.
 
Tôi bất ngờ trước tình huống này mà chẳng thể nói gì, chốc chốc lại lén nhìn sang Việt mà cậu ta vẫn tỏ ra bình thường chỉ tập trung vào bài giảng. Cuối giờ, Việt ra gặp cô ngoài hành lang. Tôi cứ thấp tha thấp thỏm không biết cậu ta có khai ra mình không. 5 phút sau, Việt quay vào lớp, vẫn cái bản mặt tỉnh bơ lại không quên kèm theo nụ cười duyên càng làm tôi thêm bực.

- Cậu đã nói gì với cô giáo? Sao không khai tôi từ lúc nãy mà phải chờ đến bây giờ? Đồ giả tạo - tôi dài môi nói Việt.

- Ai bảo là tôi khai ra cậu. Tôi thật thà nhận lỗi nên cô giáo chỉ nhắc nhở nhẹ thôi. Thật may bình thường tôi là một học sinh ngoan nên cô mới không trách phạt đấy. Cậu không định cảm ơn tôi sao?

- Đấy là lời cậu nói, tôi tin sao được. Bình thường, tôi đối xử tệ với cậu, cần gì cậu phải tốt với tôi.

- Không tin thì tùy cậu.

Tôi không tin, cả buổi học cứ lo âu sợ cô giáo trách phạt. Nhưng thật bất ngờ, 5 tiết học trôi qua bình yên. Vậy là Việt nói thật. Tôi thấy mình thật ấu trĩ, lấy bụng ta ra suy bụng người. Ngại ngùng tôi chạy nhanh ra cổng mua một túi bắp rang bơ thật to rồi đứng đợi ở cổng trường. Vừa thấy bóng Việt, tôi lao vội tới dúi vào tay cậu ta. Tôi ngượng ngùng:

- Này, xin lỗi vì đã hiểu lầm nhé! Tôi cứ tưởng cậu sẽ khai thật. Nhưng sao cậu phải làm vậy, tôi đối xử với cậu rất tệ mà!

- Vì tôi là bạn cùng bàn với cậu, cần phải có trách nhiệm giúp đỡ cậu trong học tập cũng như trong rèn luyện đạo đức. Cậu có ý kiến gì không?

- Ý kiến thì không nhưng tôi chấp nhận cậu là bạn cùng bàn với tôi.

Cả hai chúng tôi cùng nhìn nhau rồi cười. Ánh nắng vàng phai chiều cuối thu phủ nhuộm đầy lên hai người chúng tôi. Một tình bạn mới bắt đầu và trang nhật ký bạn cùng bàn của tôi và Việt cứ thế kéo dài mãi với biết bao niềm vui và đầy ắp những tiếng cười.

Khánh Dung

Các tin khác
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Thanh Chi)

YBĐT - Xã hội phát triển, kéo theo đó là những vấn đề mới được nảy sinh và giới trẻ là nhóm xã hội chịu sự tác động mạnh mẽ nhất của những biến đổi này. 

Lý chạm đến thành công khi tuổi đời còn rất trẻ. Đó không phải là sự may mắn mà là cả một quá trình đấu tranh với sự mặc cảm để khẳng định bản thân của mình.

Cô và trò (ảnh minh họa). Ảnh: Hoàng Đô

Với học sinh không có gì đáng sợ bằng học tiết năm bởi đó là giờ chiếc dạ dày biểu tình với những cơn đói cồn cào. Nhất là những hôm ăn sáng qua loa, đến tiết năm, tôi còn có thể tưởng tượng bạn Đức béo ngồi bên thành một chiếc đùi gà béo ngậy, thơm phức.

Ảnh minh hoạ

YBĐT - Trong cuộc đời này, có ai lại không được lớn lên trong vòng tay của mẹ, được nghe tiếng ru hời ầu ơ ngọt ngào, có ai lại không được chìm vào giấc mơ trong gió mát tay mẹ quạt mỗi trưa hè oi ả. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục