Chinh phục Harvard bằng bộ hồ sơ ít giải thưởng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/4/2022 | 7:49:00 AM

Không đạt GPA tuyệt đối, không có giải quốc tế tầm cỡ, Hương Bình chinh phục đại học khó vào nhất nước Mỹ bằng thành tích ngoại khóa và bài luận về sự can đảm.

Vũ Hương Bình, lớp 12 trường Quốc tế Liên Hợp Quốc, trúng tuyển Đại học Harvard năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Vũ Hương Bình, lớp 12 trường Quốc tế Liên Hợp Quốc, trúng tuyển Đại học Harvard năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đầu tháng 4, Vũ Hương Bình, học sinh trường Quốc tế Liên Hợp Quốc, nhận kết quả trúng tuyển Đại học Harvard (Mỹ). Năm nay, trong hơn 61.000 hồ sơ gửi về, Harvard chỉ nhận 1.954 sinh viên, khiến tỷ lệ chấp nhận của trường thấp chưa từng có - 3,19%.

Từ năm lớp 9, Bình đã đặt mục tiêu du học nhưng khi cảm thấy hồ sơ tương đối hoàn thiện, em mới dám đưa Harvard vào danh sách quan tâm. "Đại học Harvard nằm ở thành phố lớn, lại gần các trường top đầu khác, thuận tiện cho việc kết bạn và giao lưu. Chưa kể, đây là trường hàng đầu thế giới, chất lượng đào tạo được khẳng định qua hàng trăm năm. Harvard là giấc mơ của nhiều người, trong đó có em", cô gái sinh năm 2003 chia sẻ.

Dù vậy, Bình không tự tin với mục tiêu này ngay từ đầu. Quen biết một số anh, chị từng trúng tuyển Harvard, nữ sinh thấy mọi người đoạt nhiều giải thưởng quốc tế, còn những gì mình làm được "chưa thấm vào đâu". Cô gái Hà Nội chỉ có duy nhất một giải thưởng quốc tế về tranh biện, nhưng "cũng chỉ là top 10 và quy mô cuộc thi không lớn". Ngoài ra, em đạt SAT 1510/1600, điểm học tập GPA 41/42.

Bình hiểu rằng có hàng chục nghìn học sinh đạt điểm tuyệt đối, đứng đầu các cuộc thi quy mô thế giới, sẽ cạnh tranh với em. Vì thế, nữ sinh Hà Nội xác định phải tìm ra điểm khác biệt và nổi bật của bản thân, thể hiện được điều đó trong bài luận chính để thuyết phục hội đồng tuyển sinh.

Đầu năm 2021, Bình bắt đầu tìm cảm hứng cho bài luận chính nhưng ba tháng sau, em mới chốt được đề tài. Liên hệ với quá trình thực hiện dự án Blueblue hotline - tổng đài tư vấn sức khỏe tâm lý cho học sinh, Hương Bình quyết định kể về sự can đảm.

Ý tưởng về Blueblue đến với Bình khi em học lớp 11. Áp lực học tập khiến Bình và nhiều bạn bè gặp bất ổn tinh thần. Dù trường có giáo viên hỗ trợ tâm lý, em nhận thấy học sinh rất e dè chia sẻ với thầy cô. Các em có xu hướng chia sẻ với người lạ, để không bị phán xét. Tổng đài Blueblue được Bình xây dựng để "làm một điều gì đó" nhằm hỗ trợ học sinh.

Giai đoạn đầu, Hương Bình một mình tìm chuyên gia chịu trách nhiệm tư vấn trực tiếp khi có cuộc gọi đến; tìm nhà tài trợ và liên hệ các trường để giới thiệu dự án. Dần dần, khi được bạn bè ủng hộ, nhân sự của tổng đài Blueblue tăng lên, Bình được san sẻ công việc. Ngay trong tháng thứ hai hoạt động, Blueblue nhận được 200 cuộc gọi, trong số đó, không ít học sinh liên lạc nhiều hơn một lần.

Trong quá trình dốc sức và đồng hành cùng tổng đài, Bình được gặp gỡ và nói chuyện với các chuyên gia tâm lý và bạn bè đồng trang lứa khắp cả nước. Nữ sinh nhận thấy mình có thêm can đảm để chia sẻ, thuyết phục mọi người về những điều đúng đắn.

Kết nối với quá trình làm hồ sơ du học, Bình nhận định can đảm là một trong những phẩm chất được các đại học đánh giá cao. "Phẩm chất này thể hiện sức mạnh, khả năng thích ứng và quyết tâm của ứng viên. Để hòa nhập với cuộc sống du học, vượt qua khó khăn ở một đất nước xa lạ, dám đương đầu để đảm nhận vai trò leader mà các đại học tìm kiếm, bạn đều cần can đảm", Bình bày tỏ.

Cùng bài luận chính, điểm sáng từ hồ sơ du học của Bình còn là hoạt động ngoại khóa dày dặn. Trong ba năm, nữ sinh lên ý tưởng và thực hiện hàng loạt dự án: làm thùng rác tái chế, tái sử dụng quần áo cũ, tổ chức workshop, dạy học sinh THCS làm thơ và diễn thơ, giúp học sinh nông thôn học tiếng Anh.

Lúc đầu, Bình lo lắng vì hoạt động ngoại khóa của mình ở quá nhiều mảng, bởi thông thường, ứng viên chỉ tham gia dự án liên quan đến ngành sẽ apply. Yêu thích Kinh tế chính trị nhưng hoạt động ngoại khóa của Bình hầu hết không liên quan trực tiếp đến lĩnh vực này.

"Cuối cùng, em nhận ra dù làm những việc khác nhau, đây đều là những điều em yêu thích, thể hiện chính xác và chân thực con người em. Dù hoạt động ngoại khóa tập trung một hay nhiều lĩnh vực, điều quan trọng là nó thể hiện được con người ứng viên", Bình nói và cho rằng hoạt động ngoại khóa của mình được đánh giá cao vì hướng đến cộng đồng, tạo giá trị lâu dài.

Thầy Myo Min, cố vấn của Hương Bình, đánh giá em là người giàu năng lượng, nghiêm túc và có kỷ luật. Mỗi dự án hay hoạt động ngoại khóa, em đều tham gia với niềm yêu thích, sự tận tâm chứ không chỉ để làm đẹp hồ sơ. Do đó, tính cách, con người em được thể hiện chân thực, đồng nhất qua các bài luận và buổi phỏng vấn. "Tôi cho rằng, với các đại học hàng đầu, hội đồng tuyển sinh rất quan tâm đến cá tính, đam mê của thí sinh. Vì vậy, Hương Bình đã thành công, dù không có điểm số hoàn hảo", thầy Myo cho hay.

Ngày 1/4, Hương Bình nhận thông báo trúng tuyển của Đại học Harvard. Trước đó cuối tháng 12/2021, trong đợt tuyển sinh sớm của các đại học Mỹ, em cũng được chấp nhận vào Đại học Stanford (top 6 Mỹ).

Tháng 8 này, cô gái Hà Nội sẽ đến Mỹ để bắt đầu bốn năm học tại Harvard. Sau khi học xong, em dự định trở lại Việt Nam, "mong đóng góp được điều gì đó cho đất nước, đặc biệt là phụ nữ ở nông thôn".

Hành trình chinh phục những đại học top đầu thế giới cũng là quá trình Hương Bình vượt ra khỏi vùng an toàn. "Em nhận ra một trong những điểm mạnh nhất của mình là sự quyết tâm. Càng quyết tâm, em càng thấy mình can đảm hơn, nhờ vậy mà có thể tiến về phía trước", Bình nói.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Cậu bé họa sĩ nhí Xèo Chu (14 tuổi) vốn được giới họa sĩ so sánh với phong cách của họa sĩ người Mỹ Jackson Pollock (1912 - 1956)

Tờ tin tức uy tín The Guardian (Anh) vừa thực hiện cuộc phỏng vấn với họa sĩ 14 tuổi người Việt - Xèo Chu.

Nguyễn Thị Quỳnh Như - cô gái gây ấn tượng nhất tối ngày 14/4 tại chung kết cuộc thi tìm kiếm MC tài năng dành cho các bạn sinh viên toàn miền Bắc (Speak up 2021) đã giành ngôi vị Quán quân sau nhiều phần thi sôi nổi.

Cánh tay robot sử dụng công nghệ AI của học sinh trường làng ở TT-Huế

Sau thời gian mày mò, với hỗ trợ của của các giáo viên, đề tài “Nghiên cứu điều khiển cánh tay robot dựa trên nhận dạng cử chỉ tay người” của 2 học sinh Huế đã giành giải Nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia cho học sinh Trung học.

Nguyễn Hoàng Trung là học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam

"Em không có bí quyết học tập gì cao siêu, sau mỗi buổi học em đều cố gắng làm bài tập về nhà luôn", nam sinh Nguyễn Hoàng Trung vừa đạt giải Nhất quốc gia môn Toán và "ẵm" học bổng toàn phần du học Mỹ cho biết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục