Hay trì hoãn nhưng không "ngồi một chỗ"
Khi đang là sinh viên tại trường ĐH Bách khoa TPHCM, nữ sinh Nguyễn Phương Mẫn Tuệ đã được biết đến với biệt tài... săn học bổng. 4 năm ở đại học, Mẫn Tuệ không chịu "ngồi một chỗ" trên giảng đường, cô đến Ý, Canada, Singapore với học bổng và chương trình trao đổi sinh viên.
Gần 2 năm ra trường, đang làm việc tại một tập đoàn bán lẻ thời trang, Tuệ Mẫn lại "không ngồi yên" khi giành học bổng thạc sĩ danh giá toàn cầu ngành Kỹ thuật Dệt (Textile Engineering Advanced Master) với trị giá gần 50.000 euro dưới sự tài trợ của Liên minh Châu Âu.
Học bổng này cung cấp chương trình giáo dục tiên tiến về Kỹ thuật Dệt may với sự kết hợp của hàng loạt trường ĐH thành viên trên thế giới, gồm Đại học Ghent (Bỉ), Viện Công nghệ Kyoto (Nhật Bản), Đại học Borås (Thụy Điển), Đại học Haute-Alsace (Pháp), Đại học Valencia (Tây Ban Nha) và Đại học Tây Attica (Hy Lạp).
Cô gái sẽ nhập học vào tháng 9 tới theo lộ trình mỗi học kỳ sẽ học ở mỗi nước khác nhau. Đầu tiên sẽ học tại Bỉ, học kỳ 2 qua Tây Ban Nha, học kỳ 3 có thể chọn giữa Nhật hoặc Thụy Điển.
Mẫn Tuệ tự nhận, mình là người mắc bệnh... hay trì hoãn nên nhiều việc thường đến chậm hơn mong muốn. Rút kinh nghiệm từ bản thân, cô gái cho rằng, các bạn trẻ nếu thật sự muốn học tập lên cao cần vạch kế hoạch cụ thể và đặt thời hạn cho từng kế hoạch. Cần nghiêm túc, kỷ luật mới có động lực và đủ cố gắng để vượt qua sức ì của bản thân, nhất là việc hoàn thành hồ sơ xin học bổng dễ gây uể oải với nhiều người.
Quá trình hoàn thiện hồ sơ xin học bổng của mỗi người khác nhau, có người vài năm, người chỉ cần tháng. Mẫn Tuệ chia sẻ, cô không nộp hồ sơ vào nhiều chương trình để có phương án dự phòng như lời khuyên của nhiều người. Cô xác định, tìm hiểu kỹ chương trình nào phù hợp với mình để dốc sức.
Đam mê nghiên cứu
Khi ở giảng đường, Mẫn Tuệ đã có mối quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực dệt bền vững. Khi đang là sinh viên, nghiên cứu về triển vọng của tre như một loại sợi bền vững của Mẫn Tuệ được Thương vụ Ý lựa chọn là một trong bốn bài báo xuất sắc nhất. Cùng với đó, cô nhận học bổng tài trợ toàn phần cho chương trình tập huấn tại Ý của vào năm 2017.
Các suất học bổng đến Canada, Singapore của Mẫn Tuệ lúc đó cũng đều bắt nguồn từ các nghiên cứu, cam kết mạnh mẽ của cô gái hướng đến những hành động vì cộng đồng, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong ngành dệt may.
Đặc biệt, cuối năm 2019, cô nữ sinh Mẫn Tuệ tiến hành đề tài nghiên cứu nhóm về thiết kế bộ sản phẩm áo ngực và bầu ngực giả cho phụ nữ Việt Nam sau phẫu thuật đoạn nhũ, tạo nên những ảnh hưởng tích cực trong nhiều cuộc thi, hội nghị.
Mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn và tự tin thử thách bản thân. Mục tiêu không dừng lại ở chương trình thạc sĩ, trong tương lai, cô gái mong muốn bản thân sẽ thêm nhiều cơ hội để tiếp tục con đường học thuật trong lĩnh vực dệt may để có thể đưa lại nhiều đóng góp có ý nghĩa cho cộng đồng.
(Theo Dân trí)