Phần mềm được Huy thiết kế có thể chạy trên nền tảng web. Khi cần kiểm tra thông tin, người dùng chỉ cần nhập tin lên hệ thống. Nếu tin đúng, hệ thống sẽ hiện thông báo tin thật. Nếu là tin giả, phần mềm sẽ dẫn link mới nhất bên dưới cung cấp thêm cho người dùng.
Ví dụ khi nhập thông tin: "Năm 2022 sẽ bỏ thi lớp 10" lên website và bấm enter, ngay lập tức hệ thống hiển thị cảnh báo "Cẩn thận! Đây có thể là tin giả" và hiện phía dưới các đường link của các tờ báo chính thống nói về việc tổ chức thi lớp 10 năm nay ở các địa phương.
Huy cho biết, sở dĩ em nghĩ đến việc phát triển phần mềm này là vì trong thời gian giãn cách do Covid-19, xuất hiện nhiều thông tin khác nhau về việc phong tỏa thành phố, đi học hay nghỉ học của học sinh. Gia đình Huy không ít lần hoang mang vì nhiều thông tin trái chiều trên mạng.
Huy nhận thấy việc cần thiết phải có một công cụ cảnh báo tin giả để mọi người không bị nhiễu loạn thông tin, dẫn đến chia sẻ tin tức không được kiểm chứng, gây hậu quả. "Trong thời đại bùng nổ công nghệ, có rất nhiều thông tin ở nhiều nguồn khác nhau. Nếu mình không đủ tỉnh táo, rất dễ rơi vào bẫy của tin giả của những người đã tung ra", Huy nói.
Phát triển ý tưởng từ tháng 1, Huy bắt đầu tìm hiểu các công cụ trên internet miễn phí phục vụ thu thập và phân tích thông tin. Bằng việc sử dụng công cụ Scrapy python, Huy đưa dữ liệu là các bài viết đã được đăng tải của 12 tờ báo nhiều người đọc tại Việt Nam. Dữ liệu được lập trình đưa dưới dạng văn bản lên hệ thống để đối chiếu.
Ban đầu, hệ thống trục trặc, thông tin cần truy vấn không có trong bộ dữ liệu, sẽ báo lỗi. Hạn chế này được em khắc phục.
Đến tháng 3, Huy thử nghiệm chương trình chạy trên nền tảng web. Kết quả, hệ thống vận hành trơn tru, rất ít xảy ra trục trặc khi truy vấn thông tin có trong kho dữ liệu.
Giao diện cảnh báo tin giả về việc bỏ thi lớp 10 năm 2022.
PGS.TS Trần Minh Triết, chuyên gia công nghệ thông tin, Hiệu phó Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM, đánh giá, việc phát triển ứng dụng phát hiện tin giả là một hướng đi khá mới, được nhiều doanh nghiệp công nghệ quan tâm, trong đó Google hiện có đội ngũ kỹ sư chuyên làm việc này. "Sản phẩm của Huy cung cấp các thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, đáng tin cậy nên hoàn toàn có thể dùng được ở dạng một công cụ hỗ trợ cho người dùng. Còn việc quyết định thông tin đó đúng hay sai dựa vào quan điểm của người dùng", PGS Triết nói.
Huy dự tính phát triển phần mềm ở dạng đa nền tảng, có thể chạy trên máy tính, smartphone, máy tính bảng... "Em tiếp tục hướng phát triển giao diện thuận tiện hơn thu nhỏ lại chương trình chạy trên màn hình giúp người dùng dễ dàng tra cứu thông tin", Huy nói.
(Theo VnExpress)