Sau nhiều năm đi làm xa nhà, đoàn viên Trần Thanh Tùng, thôn Kiến Thịnh 3, xã Chấn Thịnh đã chọn chính mảnh đất quê hương để khởi nghiệp. Nhận thấy cây cam phù hợp, có kinh tế cao, ban đầu anh quyết tâm đầu tư trồng cam rồi nuôi thêm bò và ba ba để mở rộng mô hình.
Anh Tùng chia sẻ: "Quá trình xây dựng mô hình, tôi luôn nhận được sự quan tâm của các ĐVTN trong Chi đoàn, Đoàn xã chia sẻ về những kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt để áp dụng vào thực tiễn một cách hợp lý. Đến nay, tôi có gần 3 ha cam đã cho thu hoạch và hơn 1 ha quế. Ngoài ra, tôi nuôi thêm 10 con bò, hơn 250 con ba ba sinh sản, thương phẩm. Nguồn phân bò tận dụng nuôi trùn quế để lấy thức ăn cho ba ba và phân bón cho cam. Mô hình đã đem lại cho gia đình nguồn thu nhập trên 400 triệu đồng mỗi năm”.
Tại xã Nghĩa Tâm, anh Vũ Văn Tuân - Chủ nhiệm CLB Thanh niên phát triển kinh tế Nghĩa Tâm chia sẻ: CLB được thành lập từ năm 2017 với mục đích trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ công nghệ, chia sẻ những khó khăn trong sản xuất, hỗ trợ vốn giúp thanh niên phát triển kinh tế. Với 9 thành viên ban đầu, đến nay, CLB đã có 13 thành viên phát triển các
mô hình kinh tế VACR.
Tham gia CLB, các thành viên được Đoàn xã giúp đỡ, tiếp cận các lớp tập huấn, tham quan, học tập, chia sẻ về tổng quan hệ sinh thái khởi nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin vào các mô hình, khởi nghiệp và phát triển. Đến nay, 100% mô hình thành viên CLB đều có nguồn thu ổn định từ 150 triệu đồng/năm trở lên. Trong đó, có 30% mô hình có thu nhập đạt từ 300 triệu đồng/năm trở lên.
Anh Trần Văn Hùng, thôn Nghĩa Lập Cọ, xã Nghĩa Tâm cho hay, ước mơ hình thành một trang trại chăn nuôi, trồng trọt của anh có lúc tưởng phải bỏ dở. May mắn khi tham gia CLB Thanh niên phát triển kinh tế Nghĩa Tâm, anh được tiếp cận nguồn vốn vay 50 triệu đồng để tiếp tục đầu tư, khắc phục khó khăn. Sau 4 năm chăm chỉ, chịu khó học hỏi, anh Hùng đã trồng được hơn 2,5 ha cam đang cho thu hoạch; nuôi 10 con bò sinh sản, thương phẩm; mỗi năm từ mô hình kinh tế tổng hợp, gia đình anh có nguồn thu gần 400 triệu đồng.
Nét nổi bật của CLB Thanh niên phát triển kinh tế Nghĩa Tâm là hoạt động tạo nguồn vốn vay và định hướng giúp các thành viên sử dụng vốn đúng mục đích. Trung bình mỗi năm, CLB đã vận động hội viên đóng góp vào quỹ chung với mức tối thiểu 1,5 triệu đồng/ tháng/hội viên.
Hiện tổng quỹ chung đã đạt trên 1 tỷ đồng và được sử dụng cho hội viên khó khăn vay với lãi suất ưu đãi. Các hội viên đã sử dụng nguồn vốn vay vào mục đích sản xuất, kinh doanh…, bước đầu mang lại kết quả khả quan.
Anh Nguyễn Thành Hưng - Bí thư Đoàn xã cho biết: "Việc thành lập CLB Thanh niên phát triển kinh tế Nghĩa Tâm được xem là cách làm hay, sáng tạo, trở thành điểm sáng trong phong trào thanh niên lập nghiệp, liên tục nhiều năm qua. Đoàn xã Nghĩa Tâm và CLB nhận được bằng khen, giấy khen từ các cấp, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân đánh giá cao. Các thành viên trong CLB đã chủ động, hỗ trợ chia sẻ và đầu tư chăn nuôi với các mô hình nuôi tôm, ba ba, bò, gà, lợn, trồng cây ăn quả có múi và trồng rừng, đem lại thu nhập từ 150 triệu đồng trở lên”.
Đồng hành với đoàn viên, thanh niên trong định hướng nghề nghiệp, đến nay, trên địa bàn huyện Văn Chấn đã có 22 tổ hợp tác do thanh niên làm chủ; 2 CLB thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế, có trên 80 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, trong đó lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm trên 80%, tạo việc làm ổn định cho trên 600 thanh niên.
Nhiều mô hình dự án chăn nuôi, trồng trọt, phát triển tiểu thủ công nghiệp do đoàn viên thanh niên làm chủ tạo được việc làm cho thanh niên tại địa phương với mức thu nhập bình quân từ 5 - 10 triệu đồng/tháng.
Tiêu biểu như mô hình phát triển kinh tế của đoàn viên Đỗ Tuấn Lương - Phó Giám đốc Hợp tác xã chè Kiến Thuận, xã Bình Thuận cho thu nhập 25 tỷ đồng/năm và tạo công ăn việc làm cho 100 nhân công địa phương…
Anh Sa Quang Dương - Phó Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Văn Chấn cho biết: Nhiệm kỳ 2017 - 2022, Ban Thường vụ Huyện đoàn chỉ đạo các cơ sở đoàn tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các CLB, tổ hợp tác thanh niên. Đồng thời hỗ trợ, nhân rộng các mô hình thanh niên
lập thân, lập nghiệp.
Việc triển khai hiệu quả các mô hình tổ hợp tác, CLB thanh niên phát triển kinh tế trên địa bàn huyện đã phát huy hiệu quả trong việc cải thiện, nâng cao thu nhập, khơi dậy ý chí khát vọng vươn lên làm giàu từ thế hệ trẻ. Điều này không chỉ góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập bền vững mà đã khẳng định vai trò của tổ chức Đoàn trong đời sống thanh niên, phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hoàng Hạnh - Phan Tuấn (Trung tâm TT và VH huyện Văn Chấn)