"Hot girl" bỏ phố về quê làm kênh TikTok du lịch

  • Cập nhật: Thứ năm, 11/8/2022 | 2:10:21 PM

Rời thành phố, cô gái người Tày này muốn quảng bá hình ảnh văn hóa và phát triển nghề truyền thống của quê hương Cao Bằng qua những video chân thực trên nền tảng TikTok.

Bùi Thị Hoài - TikToker chuyên về du lịch.
Bùi Thị Hoài - TikToker chuyên về du lịch.

Những video của Bùi Thị Hoài (28 tuổi, ngụ tại huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) trên TikTok được đánh giá mang lại sự dễ chịu, thoải mái đến người xem qua hành trình cô trải nghiệm và chinh phục các thắng cảnh quê hương.


Bỏ phố về quê

Sau khi tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2015, Hoài làm việc cho các trung tâm ngoại ngữ tại Hà Nội và TP.HCM khoảng 3 năm. Tuy nhiên, vì quá yêu mảnh đất quê hương nên cô quyết định "bỏ phố” về Cao Bằng lập nghiệp. "Khi về quê, gia đình phản đối vì cho rằng công việc của tôi lúc đó đang ổn định”, Hoài kể.

Ban đầu, Hoài cùng hai người bạn mở ra một vườn hoa để làm điểm tham quan, thu hút nhiều du khách nhưng dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng nghiêm trọng đến du lịch nên cô chuyển hướng sang sáng tạo nội dung trên TikTok.

Cô gái người Tày chia sẻ: "Cao Bằng có nhiều cảnh đẹp nhưng chưa được nhiều người biết đến. Thế là đến cuối năm 2020, tôi ra mắt kênh TikTok, với những video thể hiện những địa điểm ăn uống và thắng cảnh độc đáo tại đây. Đến nay, kênh TikTok của cô thu hút được hơn 122.000 lượt theo dõi và 2,3 triệu lượt thích.

"Video đầu tiên tôi thực hiện là giới thiệu về bánh áp chao, được lên xu hướng. Đó là động lực để tôi tiếp tục ra mắt những video tiếp theo về văn hóa, đặc sản của Cao Bằng”, Hoài bày tỏ.

Trong mỗi video của mình, Hoài đều bắt đầu bằng câu chào quen thuộc "Chào Pỉ Nọong! Lại là Hoài đây!”, trong tiếng Tày, "Pỉ Nọong” có nghĩa là "anh em” hoặc "mọi người”. "Tôi muốn chào đón người xem theo phong cách đặc trưng, đặc biệt là bà con dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng", Hoài nói.

Trên nền tảng TikTok, tài khoản Nam Con nhận xét: "Xem kênh của Hoài, tôi cảm thấy yên bình vì có nhiều video ý nghĩa. Khi nhìn thấy những cảnh đẹp tại Cao Bằng, tôi thấy cuộc sống đỡ bon chen hơn”.

Hoài luôn xuất hiện với hình ảnh là một cô gái mộc mạc, giản dị.

Ai cũng bỏ phố mà đi thì làng bỏ cho ai

Trong những video của Hoài trên TikTok, hình ảnh vùng Đông Bắc hiện ra đơn sơ, giản dị nhưng cũng đầy sức hút như cổng trời Trà Lĩnh, Hố Sụt Canh Cạo - Ngũ Lão, rừng trúc Lủng Pán...

"Tôi muốn cho mọi người biết một Cao Bằng hoàn toàn khác, không chỉ là đến những nơi quen thuộc như Bản Giốc, Pác Bó để ngắm rồi về mà phải trải nghiệm vẻ đẹp chưa từng khai phá như nhặt hạt dẻ Trùng Khánh, cắm trại qua đêm ở núi Thủng…”, cô nói.

Điểm thu hút của kênh TikTok chính là sự trải nghiệm chân thực cùng cách nói chuyện gần gũi và phong cách mộc mạc của Hoài.

Sắp tới, Hoài muốn phát triển thêm nội dung về ẩm thực và nghề truyền thống của Cao Bằng như làm nón, giấy, hương, đèn… "Nếu không quảng bá thì các nét truyền thống này sẽ sớm bị mai một đi. Tôi không chỉ giới thiệu về đồ ăn, địa điểm mà còn những nét văn hóa như lễ nghi phong tục, làng nghề”, Hoài bộc bạch.

Người xem Hà Hữu Nghĩa bình luận: "Xem video thấy Cao Bằng quê mình cảnh đẹp vô cùng. Tôi ở xã Lăng Hiếu có dịp Hoài quay video giúp tôi cảnh nơi đó nhé, 25 năm rồi chưa về quê lần nào”.

Khi được hỏi về việc ngày nay càng có nhiều người trẻ chọn trở về quê hương để phát triển, Hoài cho biết cô rất hoan nghênh "vì ai cũng bỏ phố mà đi thì làng bỏ cho ai".

"Khi bỏ phố về quê, các bạn trẻ nên chuẩn bị về mặt tài chính và tinh thần rất kỹ và có kế hoạch phát triển rõ ràng. Nếu không, ban đầu sẽ rất nhiệt huyết nhưng khi mọi thứ không được như mong muốn lại hối tiếc rồi từ bỏ”, Hoài cho hay.


Hoài luôn muốn những nét đẹp nghề truyền thống của Cao Bằng sẽ được gìn giữ.

(Theo TNO)

Các tin khác
Phạm Vân bên các sản phẩm nhuộm chàm.

Xuất phát từ niềm say mê tìm hiểu và tình yêu với những giá trị văn hóa dân tộc, cô gái miền xuôi Phạm Vân đã quyết định ở lại Sa Pa (Lào Cai) để gắn bó với chàm, sáng tạo nên những sản phẩm thủ công ấn tượng, giàu giá trị nhân văn.

Mặc dù bị bệnh, nhưng Hòa luôn nỗ lực vươn lên trong học tập.

Sinh ra đã mắc căn bệnh xương thủy tinh, cơ thể yếu ớt nhưng nghị lực của Nguyễn Thị Thúy Hòa đã khiến thầy cô, bạn bè phải nể phục.

Phan Nhân Đức (ảnh Đức Đồng).

Phan Nhân Đức (SN 2004, quê xã Xuân Giang, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) học sinh lớp 12A1 - Trường THPT Chuyên Đại học Vinh vừa xuất sắc trúng tuyển với các gói hỗ trợ tài chính từ 4 trường đại học Mỹ.

Không chỉ là một Tiktoker sở hữu lượng theo dõi lớn, Đỗ Văn Linh còn có thành tích học tập tốt tại ngôi trường đang theo học - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Hiện tại, Linh còn là freelancer toàn thời gian về mảng content creator.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục