Nhóm bạn trẻ Nghĩa Lộ và ý tưởng khởi nghiệp từ tình yêu văn hóa Thái

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/8/2022 | 7:46:34 AM

YênBái - "Mang đến một không gian trải nghiệm bản sắc văn hóa dân tộc Thái đầy đủ, trọn vẹn” chính là ý tưởng xây dựng "Thư viện văn hóa dân tộc Thái Mường Lò” của 3 em: Nguyễn Thị Như Quỳnh (Trường TH&THCS Lý Tự Trọng), Trần Tuấn Minh và Nguyễn Trung Hậu (Trường THCS Tô Hiệu) (nay là các học sinh lớp 10 Trường THPT Nghĩa Lộ) đang tham dự Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp CiC - 2022 “Chuyển đổi số - thách đố sáng tạo”.

Nhóm bạn trẻ tìm hiểu văn hóa dân tộc Thái từ nghệ nhân Lò Văn Biến, ở bản Căng Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ.
Nhóm bạn trẻ tìm hiểu văn hóa dân tộc Thái từ nghệ nhân Lò Văn Biến, ở bản Căng Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nghĩa Lộ - Mường Lò, được biết đến những bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái nơi đây và mong muốn được giới thiệu với mọi người gần xa đến và trải nghiệm nét văn hóa độc đáo đó, nhóm các em Nguyễn Thị Như Quỳnh (Trường TH&THCS Lý Tự Trọng), Trần Tuấn Minh và Nguyễn Trung Hậu (Trường THCS Tô Hiệu) (nay là các học sinh lớp 10 Trường THPT Nghĩa Lộ) đã dồn tâm sức cho ý tưởng "Thư viện văn hóa dân tộc Thái Mường Lò” tham dự Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp CiC - 2022 "Chuyển đổi số - thách đố sáng tạo”.

Đây là cuộc thi thường niên của Trường Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, nhằm lan tỏa tinh thần và tư duy khởi nghiệp, tìm kiếm và nâng tầm các doanh nhân khởi nghiệp tiềm năng, ươm mầm và gọi vốn các dự án dự thi từ những cá nhân và nhóm dự án với các ý tưởng sơ khai ban đầu. 

Cuộc thi gồm 5 vòng thi online và trực tiếp, diễn ra từ tháng 3 năm 2022 đến tháng 11/2022. Nhóm của Nguyễn Trung Hậu là số ít các em học sinh miền núi tham gia cuộc thi này. 

Bỏ không ít công sức để tìm hiểu thực tế việc phát triển du lịch hiện nay ở Mường Lò, nhóm các bạn trẻ này đã có những góc nhìn riêng. 

Em Nguyễn Trung Hậu - Nhóm trưởng cho biết: "Mường Lò là nơi có nền văn hóa Thái độc đáo, đậm bản sắc dân tộc; phát triển du lịch đang có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, các dịch vụ tại các điểm du lịch chưa phát triển đồng bộ; chưa có sự liên kết, ứng dụng công nghệ; phần lớn các nhà đầu tư chỉ tập trung vào mô hình phổ thông và lặp lại nhiều, thiếu dịch vụ mua sắm, trải nghiệm để giữ chân khách lưu trú dài ngày hoặc nếu có thì mới chỉ dừng ở việc trải nghiệm sản phẩm ở các dịp lễ hội, lễ tết…, chưa có các hình thức trải nghiệm để làm ra sản phẩm như nhuộm vải, đan lát, dệt, làm cơm lam, nướng cá… Một số nét văn hóa dân tộc Thái đang có nguy cơ mai một như: dệt, nhuộm vải, đan lát… 

Hoạt động trải nghiệm trong các đơn vị trường học đã có nhưng vẫn còn hạn chế. Bởi vậy "Thư viện văn hóa dân tộc Thái Mường Lò” của chúng em có tham vọng là mang đến một không gian trải nghiệm bản sắc văn hóa dân tộc Thái đầy đủ, trọn vẹn”. 

Ý tưởng của nhóm là dựa trên các nét văn hóa đặc trưng về ngôn ngữ, chữ viết, trang phục, nhà ở, ẩm thực, nghề truyền thống, trò chơi dân gian, văn nghệ dân gian… sẽ tạo ra các không gian trải nghiệm thực tế những bản sắc văn hóa này, nhất là về phương pháp, cách làm. Trước mắt, sẽ tạo ra không gian cho các bạn học sinh trong địa bàn thị xã với các tiết học trải nghiệm và lâu dài là các khóa học trải nghiệm với các bạn học sinh, du khách ngoài địa bàn thị xã.

Với dự án "Thư viện văn hóa Thái Mường Lò”, nhóm các bạn trẻ khát khao mang lại cả những giá trị cả trước mắt và lâu dài, vượt qua cả những giới hạn liên quan tới văn hóa, du lịch địa phương. Trước hết, dự án nhằm giới thiệu, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa bản địa, văn hóa Mường Lò ngay trong trường học, người dân tại địa bàn, góp phần thúc đẩy sự sáng tạo trong các hoạt động trải nghiệm theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. 

Cùng với đó sẽ ứng dụng công nghệ 4.0, công nghệ hình ảnh ứng dụng, chụp ảnh 360… góp phần thực hiện chuyển đổi số trong dịch vụ du lịch tích hợp trong nền tảng đô thị thông minh. Về lâu dài, các dịch vụ, hoạt động trải nghiệm tại thư viện văn hóa góp phần khôi phục nghề truyền thống; thúc đẩy nguồn trồng nguyên liệu để phát triển các sản phẩm địa phương; góp phần phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch, kinh tế của địa phương. 

Cũng từ đó mang lại công việc gắn với truyền thống cho chính những người dân bản địa và đó cũng có thể là định hướng nghề cho các bạn học sinh các bản làng ở đây...

Mang ý tưởng về một thư viện văn hóa dân tộc Thái Mường Lò đến với cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp cũng chính là cách mà Nguyễn Trung Hậu và Nguyễn Thị Như Quỳnh vun đắp cho ước mơ theo đuổi con đường học hành chuyên nghiệp về du lịch và trở lại phát triển lĩnh vực này trên mảnh đất quê hương. 

Tình yêu văn hóa, những khát vọng tuổi trẻ cho mình, cho cả cộng đồng đã giúp cho ý tưởng của nhóm các bạn trẻ vượt qua 3 vòng thi, lọt vào top 20 dự án, được chọn vào vòng 4 và được tập huấn, trải nghiệm trong dịp cuối tháng 8/2022 tại Khu du lịch Bò Cạp Vàng, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai để lựa chọn dự án vào vòng Chung kết, hứa hẹn kết quả tốt đẹp từ Cuộc thi.
Thu Hạnh

Tags Nhóm bạn trẻ ý tưởng khởi nghiệp văn hóa Thái xòe Thái công nghệ 4.0

Các tin khác
Thuỳ chia sẻ hiện có nhiều lo lắng cho chặng đường phía trước vì đối diện cảnh xa gia đình.

Sinh ra chân không lành lặn, không được tới trường học tiểu học, nhưng Nguyễn Thị Thuỳ lại học giỏi, được đặc cách vào cấp hai và giờ chuẩn bị vào đại học.

Anh Nguyễn Thành Tân thành công nhờ mô hình nuôi lươn Vietgap

Khởi nghiệp thất bại, thanh niên ở Cần Thơ quyết tâm đi học đại học để tích lũy kiến thức nuôi lươn và đến nay anh đã có thu nhập nửa tỷ đồng/năm.

Anh Sỹ giới thiệu mô hình nuôi ốc bươu đen.

Có công việc ổn định với nghề kỹ sư xây dựng, nhưng chàng trai ở Hà Tĩnh lại quyết định bỏ nghề để về quê khởi nghiệp với mô hình nuôi ốc bươu đen.

Chân dung em Chu Bảo Hân (SN 2004, cựu học sinh trường THPT Việt Đức).

Xuất sắc đạt 27 điểm khối C00 và IELTS 7.5, Chu Bảo Hân (SN 2004, cựu học sinh Trường THPT Việt Đức, Hà Nội) nhận thông báo trúng tuyển 5 trường đại học top đầu tại Việt Nam và học bổng du học 50% tại Úc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục