PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu là một trong hai giảng viên xuất sắc được trường Đại học Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM vinh danh tại lễ kỷ niệm 65 năm thành lập trường diễn ra ngày 27/10.
PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu, sinh năm 1982, giảng viên khoa Công nghệ Vật liệu, Trường ĐH Bách khoa TPHCM. Bà một trong hai nhà khoa học tiêu biểu, nhà khoa học nữ duy nhất được vinh danh tại giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022.
Đây là giải thưởng thường niên của Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật.
Công trình của PGS.TS. Nguyễn Thị Lệ Thu và cộng sự đã nghiên cứu chế tạo một hệ vật liệu polyuretan mới - "polyme tự lành" với cấu trúc chứa liên kết thuận nghịch Diels-Alder không nằm ngẫu nhiên mà được thiết kế đặc biệt sắp xếp tại bề mặt phân cách giữa pha cứng và pha mềm của polyuretan.
Vật liệu có thể "tự lành" khi xuất hiện vết rạn tế vi giúp sản phẩm có tuổi thọ sử dụng cao, nhờ đó giảm thiểu chi phí sửa chữa, đem lại hiệu quả ứng dụng và hiệu quả kinh tế, giúp tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và giảm thiểu chất thải.
Kết quả nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Thị Lệ Thu và cộng sự đã góp phần xây dựng một hướng nghiên cứu mới của thế giới, khởi đầu cho việc phát triển các sản phẩm vật liệu mới, "tự lành" ở Việt Nam.
Theo nhà khoa học nữ này, giải thưởng này ghi nhận kết quả nghiên cứu và động viên tinh thần rất lớn đối với các nhà khoa học nói chung. Đặc biệt là với các nhà khoa học nữ là sự khích lệ để theo đuổi đam mê trong nghiên cứu khoa học.
PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu được biết tới là nhà khoa học nữ xuất sắc có nhiều bài đăng trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành và tạp chí trong nước có uy tín.
Tính đến năm 2018, nữ giảng viên trường ĐH Bách khoa TPHCM là tác giả chính và đồng tác giả của 32 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành và 18 bài đăng ở các tạp chí trong nước. Bà Thu cũng là đồng tác giả của 2 bằng sáng chế quốc tế, chủ trì 2 đề tài NAFOSTED và 2 đề tài cấp sở, cấp ĐH Quốc gia TPHCM.
PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu cũng từng được trao giải thưởng Nhà khoa học nữ xuất sắc và học bổng nghiên cứu khoa học cho các nhà nghiên cứu nữ tiềm năng của Việt Nam do Hội đồng khoa học L'Oreal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học bình chọn năm 2017.
Người thứ hai được vinh danh là GS.TS Trần Doãn Sơn với 9 bằng sáng chế về nông nghiệp. Ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực khoa học công nghệ đợt 6 với cụm công trình "Nghiên cứu đổi mới và phát triển công nghệ và thiết bị chế biến lương thực - thực phẩm và nông sản Việt Nam". Ông được trao Huân chương Lao động hạng Ba, 2 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa TPHCM thông tin, năm học 2022-2023, lần đầu tiên trong lịch sử, trường đón hơn 1.000 sinh viên nữ trong tổng số hơn 4.800 tân sinh viên nhập học (chiếm gần 22%), trong đó có nhiều ngành nữ chiếm tỷ lệ trên 70%.
Điều này cho thấy, nữ giới đã tiếp cận với các lĩnh vực kỹ thuật, khoa học, nghiên cứu, sáng tạo... vốn được xem là lĩnh vực của nam giới.
Tại tọa đàm "Các diễn ngôn mới về bình đẳng giới ở Việt Nam" mới đây, TS Phạm Quốc Lộc, Phó hiệu trưởng, trường ĐH Thái Bình Dương chia sẻ, một trong những cấu trúc ngầm về bất bình đẳng giới chính là sự phân luồng nghề nghiệp.
Ở cả thế giới và Việt Nam, luôn có sự định hướng con gái thì theo những ngành nghề mang tính chất chăm sóc như văn phòng, thư ký...; còn con trai theo lĩnh vực mang tính lý tính sáng tạo như công nghệ, khoa học kỹ thuật...
"Bất bình đẳng ở chỗ chúng ta gán cho hai luồng nghề nghiệp này những giá trị xã hội và kinh tế khác nhau. Lĩnh vực khoa học, kỹ thuật luôn ở vị thế cao hơn. Nhất là khi thế giới việc làm về công nghệ, khoa học kỹ thuật được ca ngợi, tung hô là sẽ nắm giữ tương lai. Vậy ai nắm giữ tương lai, lại là ông?", TS Phạm Quốc Lộc bày tỏ.
Theo ông Lộc hiện nay một số đơn vị, doanh nghiệp khắc phục vấn đề bất bình đẳng giới ở tầng sâu này bằng cách hướng nghiệp để mọi người, nhất là các bạn nữ hiểu rằng "khoa học kỹ thuật không chỉ dành cho nam giới".
(Theo Dân trí)