Thu cuối...
- Cập nhật: Thứ năm, 30/9/2010 | 8:56:40 AM
Lại một mùa hè nữa qua đi, để lại đằng sau những cuộc vui và cả những bâng khuâng, xao xuyến. Thu đến nhẹ nhàng, dường như chỉ có thể cảm nhận qua những cơn gió mong manh cuốn theo những chiếc lá vàng, chỉ đủ làm xao động mặt hồ phẳng lặng.
Mùa thu cuối cùng của tuổi hồn nhiên áo trắng đến sao mà vội vàng quá!. Mới ngày nào còn bỡ ngỡ với bạn bè, thầy cô, trường mới; ngỡ ngàng trước thế giới xung quanh lạ lẫm... vậy mà, giờ nó đã là cô học trò cuối cấp.
Bước vào năm học mới, nó thấy thời gian sao mà trôi nhanh đến vậy. Nó nuối tiếc những tháng ngày hồn nhiên, vui vẻ bên bạn bè và thầy cô, một niềm cảm xúc khó tả trào dâng trong lòng. Năm cuối cấp, không còn thời gian cho những cuộc vui và những mộng mơ. Nó biết thời gian không chờ đợi ai cả. Bởi vậy, thay vì chỉ biết ước mơ, nó lao đầu vào học để có thể biến những ước mơ đó thành hiện thực. Nó cất giữ trong sâu thẳm trái tim mình những hình ảnh thân thương về trường lớp, thầy cô, những kỷ niệm không thể quên về tuổi học trò để rồi nếu mai chia xa, nó sẽ luôn mỉm cười khi nghĩ về một thời để nhớ. Và cả mùa thu này đây, mùa thu cuối của tuổi học trò, nó bước nhẹ trên con đường tới trường trải đầy lá vàng, cố khắc ghi từng kỷ niệm để không bao giờ quên.
Ngước mắt lên nhìn về phía chân trời - một màu xanh tươi trẻ tràn đầy trong ánh mắt đầy quyết tâm, hy vọng của cô học trò nhỏ. Lá vàng vẫn xoay tròn, xoay tròn trong cuộc ngao du của gió. Cây đã kịp bật lên những mầm sống lãnh liệt tiếp nối sự hồi sinh. Còn nó đã đủ lớn khôn, thêm niềm tin yêu để chắp cánh ước mơ mình.
Hoàng Thị Khánh Linh - (Lớp 12 Văn, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành)
Các tin khác
Bước qua một kỳ thi ngột thở với những căng thẳng đầy lo lắng, tôi không làm được bài. Tôi biết mình đã trượt. Trước mắt tôi là những ngày u ám. Tôi không biết mình có đủ can đảm để vượt qua những tiếng cười chế giễu và ánh mắt thương hại của mọi người, còn cả nỗi buồn và thất vọng của bố mẹ nữa chứ.
Thời gian lặng lẽ trôi đi, mới ngày nào tôi còn là cô bé con nghịch ngợm hay khóc nhè, làm nũng mẹ, vậy mà bây giờ tôi đã là cô học trò lớp 8.
Điểm 4 ấy như một sự hụt hẫng, thất vọng lớn trong lòng tôi! Hôm đó vào tiết Hóa học, cô giáo gọi tôi lên bảng và kiểm tra miệng... Tôi đã không học bài và được 4 điểm. Đâu phải vì bài khó, đâu phải vì câu hỏi của cô hóc búa mà lỗi là do chính tôi lười học. Tôi bị ghi vào sổ đầu bài và như vậy cũng đồng nghĩa với việc lớp tôi sẽ bị trừ điểm thi đua.
Thế là đã hai năm trôi qua, kể từ ngày bố mẹ tôi làm xong thủ tục ly hôn. Hai năm, ba mẹ con tôi sống dựa vào nhau. Mẹ tôi không phải công nhân viên chức nhà nước, cũng không ở nhà nội trợ mà mẹ phải bươn trải ngược xuôi với những bè gỗ để kiếm tiền nuôi chúng tôi ăn học.