Con đường mơ ước

  • Cập nhật: Thứ ba, 6/9/2011 | 2:48:40 PM

Chiều nay cũng như bao buổi chiều thứ Bảy khác, mọi người về hết, kí túc xá vắng tanh và không khí buồn tẻ. Nó ngồi chống tay lên cằm theo thói quen hồi tưởng về mái ấm của mình.

Các em học sinh phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ trên đường đến lớp.
Các em học sinh phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ trên đường đến lớp.

Nó là người dân tộc xuống thành phố học. Ở đây cái gì cũng lạ lẫm, mới mẻ với nó. Nhưng dù ở thành phố có những điều mới mẻ thế nào nó cũng không nguôi nhớ về bản nhỏ vùng núi, nơi nó sinh ra và lớn lên. Bản nó còn nghèo lắm, khi mọi nơi đều có điện thì bản nó nhà nào cũng vẫn leo lét ánh đèn dầu. Bố mẹ nó vẫn thường than: “Ai giàu ba họ ai khó ba đời còn họ nhà mình chỉ khó mà chẳng ló giàu”. Điều nó nhớ nhất khi ở nhà là con đường đi học, xa gần bốn cây số mà chỉ toàn là đất. Trên đường ổ gà nhiều vô kể.

Nhớ hồi nó học lớp hai, cô giáo dạy đếm đến 100 rồi mà nó đếm hết vẫn chưa về đến nhà. Trời mưa, nước và bùn cứ quấn hết vào chân. Nó đi học về áo quần lấm lem. Nhà nghèo chẳng có quần áo thay, đành phải gột nước rồi vào bếp hong cho chóng khô. Trời nắng, chỉ cần một làn gió nhẹ cũng làm bụi bay mù mịt khiến nó phải nhắm tịt hai mắt. Cát bay vào miệng nghe rệu rạo. Nó nhớ, nhớ như in con đường ấy. Chín năm trời ròng rã ngày hai lần cuốc bộ, chẳng còn cái ổ gà nào lạ với nó, tưởng như nó có thể nhắm mắt đi mà cũng không thể vấp ngã.

Bây giờ nó không phải đi đi về về như trước nữa. Nó đang học ở trường nội trú của tỉnh, được ăn ở tại trường. Nó vẫn luôn cố gắng phấn đấu học tập để trở thành một cô giáo về dạy chữ cho bọn trẻ trong bản, để chúng nó không phải đi bộ ngày tám cây số đi học nữa. Và nó cũng luôn mong muốn rằng một ngày không xa nó sẽ làm được con đường mơ ước: một con đường rải nhựa từ đường chính vào tận bản. Mọi người sẽ đi lại dễ dàng hơn chứ không phải gặp nhiều khó khăn do thời tiết như trước nữa. Bản nó sẽ có điện, có truyền hình, đời sống sẽ bớt khổ. Con đường mơ ước của nó, nó vẫn đang từng bước hoàn thành…

Phạm Diệu Linh - (Lớp 12 Văn, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành)

Các tin khác

Cô giáo nói với cả lớp “Bạn nào giặt giùm cô cái khăn lau bảng?”. Tiếng nói chuyện ngưng được vài giây rồi lại bắt đầu xôn xao...

Ai cũng phải khóc lần đầu tiên khi chào đời.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục