Chiếc thìa của ông ngoại tôi
- Cập nhật: Thứ năm, 9/5/2013 | 9:58:30 AM
Ngày nay có vô số các loại thìa với đủ loại hình dáng, màu sắc nhưng trong giỏ thìa của tôi lúc nào cũng có một chiếc thìa đặc biệt, nó được làm bằng nhôm, đó là chiếc thìa của ông ngoại tôi.
Hồi nhỏ gia đình tôi sống cùng với bà ngoại và cậu út. Hồi tầm ba tuổi, tôi đã tình cờ biết đến chiếc thìa của ông, dù chẳng còn nhớ biết nó trong hoàn cảnh nào nữa nhưng tôi biết lúc đó tôi đã rất háo hức khi nghe bà kể chuyện về cái thìa. Đó là chiếc mà khi ông tôi bệnh nặng, ông không thể ăn được nhiều cơm nữa, ông đã dùng cái thìa này để hòa nước đường, nước cháo hay nước hoa quả đẻ uống.
Vì không ăn được cơm, bù lại ông uống rất nhiều nước và cũng từ đó chiếc thìa được dùng nhiều hơn. Ông ngoại tôi đã dùng duy nhất chiếc thìa này trong thời gian bị ốm. Liền khoảng hai năm, chiếc thìa được dùng nhiều đến mức nó bị vẹt hẳn đi một bên rõ rệt.
Sau khi ông tôi mất cậu tôi là một người thuận tay trái đã quyết định dùng chiếc thìa đó cho nó vẹt nốt bên còn lại cho cân. Không hiểu sao tôi thấy cái ý định đó rất hay vậy nên là tôi - một con bé ba tuổi cũng thuận tay trái đã quyết định dùng chiếc thìa đó. Năm tôi hơn bốn tuổi cậu út tôi lập gia đình, nhà tôi cũng chuyển ra nhà mới, không ở cùng cậu và bà nữa, khi đi tôi vẫn giữ khư khư và đòi đem theo cái thìa.
Cứ thế tôi giữ chiếc thìa đó cho đến tận bây giờ. Khi đã đi trọ học tôi vẫn mang theo nó. Tuy giờ nó chưa được đều và vẫn còn bị lệch nhiều nhưng tôi tin rằng 13 năm qua tôi cũng đã làm nó cân lại một chút. Rồi 13 năm sau nữa khi tôi đã 29 tuổi thì sao? Có thể lúc đó cái thìa đã cân lại rồi lắm chứ, “có công mài sắt có ngày nên kim” mà. Hơn nữa việc làm cân thìa này không chỉ đơn giản là một thú vui, nó nhắc nhở tôi cố gắng mỗi khi tôi chán nản và muốn bỏ cuộc.
Nó nói với tôi rằng phần quan trọng không thể thiếu để làm nên một việc lớn là lòng kiên trì và một ý chí. Nó khích lệ tôi đi lên phía trước, đến với bao mơ ước của mình. Nhiều khi tôi cũng tự hỏi không biết chiếc thìa có phải là một bài học mà ông bà tôi, cha mẹ và cậu tôi muốn dạy cho tôi từ khi còn bé hay không. Nhưng dù sao tôi cũng rất yêu chiếc thìa này - chiếc thìa của ông ngoại tôi.
Nguyễn Lâm Oanh (Lớp 10 Toán, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành)
Các tin khác
Lần đầu tiên con cất tiếng khóc, mẹ mỉm cười/ Lần đầu tiên con biết lẫy, có mẹ ở bên. Lần đầu tiên con biết bò, ánh mắt mẹ hi vọng/Lần đầu tiên con chập chững bước đi…/ mẹ ở đâu đó, dang rộng vòng tay cho con bước tới.
Có rất nhiều người hỏi tôi rằng sao lại về nhà nhiều thế? Và thật lạ, là câu hỏi đó còn đến từ nhiều người bạn cũng mới xa nhà để đi trọ học như tôi.