Đường về nhà…
- Cập nhật: Thứ ba, 7/5/2013 | 8:53:34 AM
Có rất nhiều người hỏi tôi rằng sao lại về nhà nhiều thế? Và thật lạ, là câu hỏi đó còn đến từ nhiều người bạn cũng mới xa nhà để đi trọ học như tôi.
Ảnh minh họa. Nguồn internet
|
Vì nhớ…
Không phải là nhớ 4 bức tường bao bọc, đồ dùng tiện nghi hay những món ăn mà khi đi xa chẳng bao giờ có. Nhớ ở đây là nhớ mái nhà trong xóm nhỏ, nơi mà hồi bé tôi cứ chạy từ nhà này sang nhà khác để ăn cơm khi bố mẹ đi công tác xa. Nhớ tuổi thơ chúng tôi quậy phá ở giữa lòng đường mà chẳng sợ ai la hét hay xe cộ đi lại. Là những buổi tối luộc khoai luộc ốc, mấy gia đình đều gọi nhau tụ tập cho đủ tiếng cười, hay đôi khi lại là những đêm mùa đông, cả xóm từ già đến bé đều quay quần bên khúc củi rồi cứ nói mãi về chuyện nếu mai sau chẳng được ở cùng nhau nữa.
Tôi và lũ bạn lớn có bé có đã lớn lên ở một xóm nhỏ ồn ào mà náo nhiệt như thế, chúng tôi hình thành nên những mối quan hệ đặc biệt, không phải người thân, cũng chẳng phải bạn bè giúp nhau học hành. Nhưng có một điều rất rõ ràng, có những chuyện chúng tôi chỉ có thể chia sẻ khi ngồi cùng nhau, và sau mỗi lần như thế, chúng tôi sẽ cùng hò hét cho đến khi mệt nghỉ, rồi bỏ quên mọi công việc học hành căng thẳng ở nơi xa lắc xa lơ nào đó.
Tôi đã lớn lên và sống trong cái ngõ nhỏ như thế, đã quen với việc cùng san sẻ và quan tâm. Vậy nên khi bắt đầu xa nhà để đi học ở môi trường mới - không còn nhỏ như xóm và cũng chẳng có ai quen thân để hò hét mỗi khi tôi mệt mỏi, tôi lại càng nhớ về những tháng ngày còn đi học. Và những lúc nhớ, tôi lại về.
Nhưng lần nào về nhà tôi cũng khóc. Dù có ở ngày 2 ngày hay 1 tháng, tôi vẫn khóc. Dù có những lần tuần nào cũng về nhưng không thay đổi. Tôi khóc vào lúc khoác balô trên vai rồi cùng mẹ đi ra xe, bố tôi sẽ ngồi trước cửa, căn dặn tôi đôi điều rồi nhìn tôi quay lưng rảo bước. Và bao giờ cũng thế, tôi không để những giọt nước mắt lăn ra quá nhiều, sẽ quệt tay lau vội trước khi bắt kịp mẹ để thủ thỉ những lời thương nhớ.
Cái khoảnh khắc lúc tôi chào bố để lên đường cũng giống như khoảnh khắc của một sáng mùa đông thời còn học cấp 3, tôi bị gọi dậy khi còn đang cuốn mình nằm trong chăn ấm, và dù có ngủ thêm 5 hay 10 phút thì cuối cùng tôi vẫn phải đi học trong cái tiết trời giá lạnh bên ngoài. Thi thoảng tôi có thể tự thưởng cho mình bằng cách trốn học 1, 2 buổi nhưng tôi đâu thể trốn hết mùa đông, đâu thể tận hưởng được cái ấm áp của mùa xuân khi chiếc lá cuối cùng trên cây rụng xuống. Thế nên tôi khóc, chỉ như quá trình 5 hay 10 phút của buổi sáng mùa đông nọ, là sự dạo đầu để tập quen với cái lạnh bên ngoài.
Nhưng đã bao lâu rồi tôi không được khóc vì những điều như thế, mà thay vào đó là những giọt nước mắt khi mẹ gọi rồi hỏi tuần này có về không con, khi mấy đứa nhỏ cứ thay nhau trách tôi rằng không nhớ tụi nó à …
Tôi đã không về nhà một thời gian khá lâu rồi, chẳng còn đều đặn như thời gian đầu nữa. Những điều vụn vặt khiến bản thân cảm thấy tủi hờn, buồn bực cứ cuốn lấy tôi ngày nối ngày, từ tuần này qua tuần khác, vậy nên nỗi nhớ nhà cũng cứ thế mà bị gắn với với cảm giác rằng mình phải đi xa và đi lâu - đủ lâu để mỗi lần về rồi đi, tôi sẽ quen với việc phải rời xa những thứ thân thuộc xung quanh mình.
Cho đến một ngày, tôi đọc ở đâu đó viết rằng: “Khi nghĩ về gia đình, ta sẽ có cảm giác mình đang đi ngoài mưa, lạnh thấu xương và rồi được trở về nhà ngâm mình trong một bồn nước ấm”, tôi đã khóc. Không phải khóc như để tập quen với cái lạnh, hay khóc vì nhớ, mà tôi khóc vì thấy có tôi trong đó, tôi đã luôn muốn ngâm mình trong bồn nước ấm như vậy, thật lâu.
Sẽ rất dễ dàng để tôi rời khỏi nhà và đi xa, học đại học, đi du lịch, có công việc tốt ở một thành phố lớn,…Có thể tôi không xa nhà vào năm 18 tuổi nhưng chắc chắn, một lúc nào đó chỉ cần tôi muốn và quyết tâm, tôi sẽ đi xa. Nhưng nếu tôi nhớ nhà, mà lại vì sự tủi hờn và giận dỗi nên ôm nỗi nhớ đó để rồi khóc ở một nơi xa lạ, thì những yêu thương sẽ dần biến thành sự luyến tiếc, và nỗi nhớ nhà cũng vì thế sẽ theo tôi mãi, chỉ trừ khi tôi gạt sự cố chấp của mình sang một bên để trở về nơi mình sinh ra, điều đó quan trọng chẳng khác nào khi ta bệnh thì phải chữa vậy.
Khi tôi còn đang ở cái thời rong ruổi cả buổi trưa nắng gắt tụ tập với hội bạn trong xóm, chúng tôi đã từng ngồi đầu ngõ chỉ để đếm dòng người qua lại ở ngã ba. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng, sẽ có ngày tôi thật sự đứng lên rồi đi ra khỏi cái ngõ yên bình và bắt đầu lựa chọn ba ngã rẽ trước mắt. Có những ngã rẽ sẽ là đường đại lộ hào nhoáng, nhưng cũng có thể là con đường sỏi đá gập ghềnh, có đoạn sẽ ùn tắc, nhưng cũng sẽ có đoạn heo hút ít người qua lại. Suy cho cùng thì con đường trong ngõ nhỏ xóm tôi vẫn là an toàn nhất, nhưng tôi lại chẳng thể mãi đi một con đường qua ngày này tháng nọ, khi mà những người bạn rồi cũng lần lượt rời nhà để đi xa.
Và rồi tôi cũng nhận ra, rằng tôi chỉ nhớ nhà khi tôi không ở nhà, khi tôi đi xa. Và càng đi xa, tôi lại càng yêu thương, trân trọng hơn những quen thuộc mà mình đã để lại. Tôi đi xa, và tôi nhớ, tôi sẽ về mặc dù biết rằng có thể khi đi tôi vẫn sẽ khóc nhưng ít ra tôi không phải luyến tiếc. Chắc chắn tôi sẽ về, để ngâm mình trong bồn nước ấm, để được bỏ quên mọi mệt mỏi trước khi đặt chân lên đường về nhà trong xóm nhỏ yêu thương.
Hoàng Như Ngọc
Các tin khác
Nhắm mắt lại, nghe hương vị quê nhà miên man, con vẽ hình quê hương xứ sở… Từ mùi nắng khô ran trên quần trên áo mẹ phơi giữa trưa hè. Mùi nắng trên tóc bà, trên lưng áo bố mỗi buổi chiều đón con về.
Tháng năm! Trời vào hạ. Những cơn gió nồm nam thổi làm bừng lên cái nóng. Khung cửa sổ tràn màu phượng vĩ. Tiếng ve kêu da diết tới nao lòng. Những cuốn lưu bút học trò cuối cấp chuyền tay nhau viết vội như chứa đầy những luyến tiếc của một thời “nhất quỷ…” sắp sửa trôi qua.
Bố là trụ cột của gia đình tôi. Trong những năm khó khăn nhất của gia đình, bố đã đặt chân tới tất cả các huyện của Yên Bái, Hà Giang, bươn trải với cuộc sống khó khăn để kiếm tiền nuôi gia đình.