Giữ lửa đam mê
- Cập nhật: Thứ ba, 16/6/2015 | 9:18:26 AM
YênBái - YBĐT - Trách nhiệm hết mình với công việc, đó luôn là tâm niệm của tôi - một phóng viên báo Đảng từ khi mới bước vào nghề.
Tác phẩm “Truyền dạy con cháu” của tác giả chụp tại xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên.
|
Mẹ tôi là phóng viên, nên từ nhỏ, tôi luôn mơ ước lớn lên sẽ theo nghề báo để được đi nhiều, biết nhiều như mẹ. Thật may mắn cho tôi, ước mơ đã trở thành hiện thực... Được vào làm việc tại Báo Yên Bái, không còn gì vui sướng hơn, tôi tự nhủ phải cố gắng thật nhiều và luôn trách nhiệm hết mình với công việc bằng sự tâm huyết và niềm đam mê, để luôn hoàn thành tốt công việc được giao. Nhưng khi đã thực sự bước chân vào nghề thì tôi mới hiểu, nghề báo không hề bằng phẳng, lung linh và tỏa “hào quang” như suy nghĩ trước đây của mình. Những ngày đầu bước vào nghề, tôi không khỏi bỡ ngỡ và vấp phải những khó khăn, nhưng giai đoạn đó cũng qua đi khi được các cô chú, anh chị trong cơ quan động viên, giúp tôi hiểu về kiến thức nghề nghiệp, về kỹ năng xử lý công việc...
Khởi nghiệp làm báo từ một kỹ thuật viên của phòng Yên Bái điện tử, với việc khai thác và đưa tin bài lên trang báo mạng, tôi có cơ hội được đọc và làm quen với các tác phẩm báo chí của đồng nghiệp. Rồi được cơ quan và Hội Nhà báo Yên Bái cử đi tập huấn về công tác báo chí, tạo điều kiện đi học chuyên ngành báo chí, tôi được chuyển sang công tác phóng viên. Từ đó, chân trời mới đã mở ra. Tôi hiểu, đã viết báo là phải đi, đi để trải nghiệm, để có thực tế, có điều kiện khai thác những vấn đề sinh động của cuộc sống đời thường. Thế rồi, những lần được cử đi cơ sở, được tiếp xúc với những người dân vùng cao thật thà, chất phác, những em bé dân tộc hồn nhiên, đáng yêu mà trước đây tôi chỉ được xem qua ti vi, sách báo, thì giờ đây hình ảnh thực ấy đang ở trước mắt tôi, lôi cuốn tôi trong mỗi chuyến đi. Và mỗi chuyến đi của tôi cứ kéo dài cả tuần, bởi tôi muốn cảm nhận sâu sắc cuộc sống của những con người vùng cao thuần hậu, muốn thu vào ống kính của mình những hình ảnh chân thực, sống động nhất về đất và người nơi vùng cao xa xôi... Mỗi chuyến đi như thế đã cho tôi thêm suy nghĩ về nghề, về trách nhiệm của người làm báo đối với đời sống xã hội.
Trong hàng loạt chuyến đi ấy, một kỷ niệm sâu đậm trong tôi, đó là chuyến đi tác nghiệp tại xã vùng cao Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên vào đầu xuân năm 2009 cùng với phóng viên Quỳnh Nga. Là một phóng viên của Phòng Yên Bái điện tử, nên khi tác nghiệp tôi không chỉ đơn thuần “xách” máy ảnh lên và đi như phóng viên báo thời sự mà đồ nghề lỉnh kỉnh đủ thứ với túi máy quay, máy ảnh, chân máy và cả túi đựng đồ nữa. Trên chiếc xe Dream, xuất phát từ 6 giờ sáng lên đường đi xã vùng cao Châu Quế Thượng, nhưng mãi đến quá trưa mới đến nơi. Vì quãng đường chỉ khoảng 80 km nhưng rất khó đi, bởi phần lớn là đường đất, đá lởm chởm, rồi phải vượt qua nhiều con suối, cầu treo nên tay lái là nữ như tôi không khỏi lo lắng, làm sao an toàn về người và bảo vệ máy móc.
Trong tiết trời còn giá lạnh, giày sũng nước bởi phải lội qua các con suối. Qua được suối rồi thì xe lại không chịu nổ máy. Hai cô cháu phải dắt bộ đi tìm người dân và đi mãi mới tìm gặp được một chàng trai người Mông rồi nhờ anh ấy sửa hộ xe máy. Khổ nỗi, ngôn ngữ bất đồng nên anh ta không hiểu gì cả nên hai cô cháu lại phải dắt bộ, đi mãi rồi mới tìm được hiệu sửa xe... Trải qua quãng đường vất vả, mệt nhọc là thế, nhưng khi đến xã Châu Quế Thượng, được sự tiếp đón nhiệt tình và tạo điều kiện của lãnh đạo xã, bao nhiêu mệt mỏi tan biến. Sau chuyến đi đó, thật vui vì tôi không chỉ có được những tác phẩm ảnh đẹp mà tác phẩm truyền hình “Người giữ kho báu của người Xá Phó” của tôi đã đạt giải báo chí của tỉnh.
Vậy mà, thấm thoắt đã 10 năm gắn bó với nghề báo. Tôi càng hiểu rằng, công việc của người làm báo chỉ thực sự có ý nghĩa khi gắn với những chuyến đi, bởi qua mỗi chuyến đi đã cho tôi có thêm sự hiểu biết, có thêm mối quan hệ thân thiết từ công việc. Tôi được thỏa sức khám phá về thiên nhiên, con người, nhất là mình sẽ có được những trải nghiệm vô cùng quý giá gắn với những kỷ niệm vui buồn khó có thể quên... Và tôi nghĩ, không có bất cứ nghề nào có được điều đó, ngoài nghề báo.
Ý tưởng thì rất nhiều nhưng tôi cũng chưa thực hiện được bao nhiêu, bởi nghề báo thú vị, song cũng nhiều thách thức, khó khăn, nhất là đối với phóng viên nữ. Khi còn độc thân, việc “bay nhảy” với những chuyến tác nghiệp kéo dài là chuyện đơn giản, nhưng khi đã lập gia đình, có con nhỏ thì lại là một trở ngại mà bản thân phải cố gắng rất nhiều mới hoàn thành được công việc. Cùng với những chuyến công tác xa nhà, tính chất đặc thù công việc của phóng viên báo điện tử cũng khác. Thời gian làm việc không thể tính theo giờ hành chính như khi có việc đột xuất thì bất kể giờ giấc, đêm hôm cũng phải có mặt để hoàn thành công việc. Nhưng tôi thật may mắn, bởi luôn được sự trợ giúp, ủng hộ từ gia đình. Đó chính là động lực, giúp tôi cố gắng vượt qua những áp lực và hoàn thành tốt mọi công việc được giao.
Tròn 10 năm gắn bó với nghề báo. Với tôi, đó không phải là quãng thời gian ngắn, song cũng không phải là dài bởi làm báo là một nghề đặc biệt - nghề viết lên những gì mọi người muốn nói và phản ánh về cuộc sống biến động từng ngày trên mọi vùng quê, chắt chiu những nỗi niềm cũng như nói thay từng số phận... Và tôi sẽ luôn giữ trong mình niềm đam mê và trách nhiệm với công việc, để ngọn lửa nghề luôn rực cháy trong tim.
Thanh Chi
Các tin khác
YBĐT - Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách Việt Nam và 20 năm phát hành báo Yên Bái vùng cao, phóng viên (P.V) YBĐT có cuộc trò truyện với ông Nguyễn Thanh Vân - nguyên Tổng biên tập Báo Yên Bái, người khởi xướng và cho ra đời loại ấn phẩm này dành cho những người ít chữ, ít có thời gian đọc dài. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.
YBĐT - Tháng 5 năm 2015, báo Yên Bái vùng cao kỷ niệm tròn 20 năm ngày ra số đầu tiên. Trên tay tôi là tờ báo Yên Bái vùng cao số đầu có góp tên mình (tháng 5-1995), ghi rõ mấy lời ngắn gọn, súc tích tuyên bố sự ra đời ấn phẩm thứ 2 sau tờ báo Yên Bái thời sự truyền thống đã có trước đó 33 năm.
YBĐT - Ngày 13/4/1995, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái có Thông báo số 295-TB/TU về một số chủ trương, trong đó có nội dung: “Đồng ý cho Báo Yên Bái xuất bản tờ tin “Báo ảnh Yên Bái vùng cao” trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng, có tác dụng thiết thực trong tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân vùng cao...”.
YBĐT - Năm 1995 tờ Yên Bái vùng cao ra đời là sự quan tâm lớn của tỉnh với đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Mông nói riêng. Hơn thế ấn phẩm được cấp không thu tiền tới các đối tượng là trưởng thôn bản vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các trường học bán trú, dân tộc nội trú, thư viện, bưu điện văn hóa xã…