Xứng đáng với niềm tin của Đảng
- Cập nhật: Thứ sáu, 19/6/2015 | 2:35:06 PM
YênBái - YBĐT - Trải qua 14 mùa giải, Giải báo chí Yên Bái hàng năm ngày càng khẳng định uy tín, thu hút sự tham gia đông đảo của những người làm báo trong tỉnh. Mùa giải năm 2015, với 43 tác phẩm của 4 loại hình báo chí được trao giải là số lượng giải cao so với những mùa giải trước, đã thể hiện sự nhiệt tình, tâm huyết của các nhà báo và hội viên trong tỉnh.
Nhóm tác giải đạt giải A Giải báo chí Yên Bái 2014. (Ảnh: Thanh Ba)
|
110 tác phẩm được đưa vào chấm điểm ở vòng sơ khảo đều là những mảng đề tài phong phú, tạo nên bức tranh đa sắc màu, phản ánh sinh động mọi mặt của đời sống xã hội. Là âm hưởng sôi động của cuộc sống, những khó khăn và thách thức, những trở ngại trên con đường đi tới, sự cam go vất vả của người lao động ở mỗi vùng đất được phản ánh qua từng trang viết với những đặc trưng khác biệt của từng thể loại đã làm nên sức sống cho mỗi bài báo.
Thông qua các thể loại như: bút ký, ghi chép, phóng sự, gương người tốt việc tốt... đã có sự thống nhất giữa nội dung thông tin các vấn đề truyền tải với hình thức thể hiện phù hợp đã tạo nên sức hấp dẫn với bạn đọc, bạn xem và nghe đài. Với những lợi thế về hình ảnh, các tác phẩm truyền hình đã tạo được ấn tượng mạnh đối với khán giả. Không tăng số lượng so với những mùa giải trước, nhưng có sự đồng đều về chất lượng. Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, cảnh quay đẹp, nội dung sinh động, giàu chi tiết, mang tính nhân văn sâu sắc.
Điển hình như tác phẩm “Nữ bí thư chi bộ người Mông gương mẫu” của nhóm tác giả Thuỳ Trang - Trung Dũng (Đài PT-TH tỉnh). Ở đó, nữ bí thư chi bộ Thào Thị Dở - bản Pú Nhu, xã La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải) đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo giúp người dân nơi đây thay đổi cách nghĩ, cách làm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chị chính là những hạt nhân chính trị cơ sở quan trọng góp phần thực hiện tốt các chị thị, nghị quyết của Đảng. Hay trong tác phẩm “Đội bảo trì, vận hành công trình nước sạch người Mông” của nhóm tác giả Dương Tình - Công Thanh - Thuỷ Nguyên - A Chua (Đài PT-TH tỉnh), phản ánh mô hình tự quản đầu tiên được thực hiện ở huyện vùng cao Mù Cang Chải, nhờ đó mà nguồn nước sinh hoạt của người dân ở xã Nậm Khắt luôn được đảm bảo.
Về tác phẩm báo viết, đây là loại hình báo chí có sự tham gia của nhiều cơ quan thông tấn báo chí. Mùa giải năm nay có những tác phẩm dài kỳ nổi bật không những giúp công tác tuyên truyền các lĩnh vực của tỉnh đi vào chiều sâu mà còn giúp các địa phương, các ngành liên quan có những giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp với thực tế, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Điểm nhấn trong tổng số 55 tác phẩm báo viết phải kể đến loạt phóng sự “Sơn tra ký sự” của tác giả Tuấn Anh (Báo Yên Bái). Với cách diễn đạt nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc, tác giả đã khẳng định lợi thế phát triển của cây sơn tra, sự thiếu chặt chẽ của chính quyền cơ sở trong việc quy hoạch phát triển loại cây này, cũng như thiếu sự liên kết của các ngành đối với đồng bào vùng cao nơi đây, bài viết đã tạo được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các cấp, các ngành.
Theo dõi và bám sát sự kiện cùng với bản lĩnh của người viết, tác phẩm “Trắng đêm xem xe quá tải “né” trạm cân” của nhóm tác giả Hùng Cường - Văn Thông (Báo Yên Bái). Phải thức trắng đêm để có thể “mục sở thị” quá trình lách trạm cân của cánh tài xế xe tải và đội ngũ “cò” dẫn đường. Bất chấp những nguy hiểm khi bị côn đồ đuổi đánh, nhóm phóng viên đã dám làm, dám nói lên những bất cập trong việc đặt trạm cân của các ngành chức năng, tác phẩm đã có tác động xã hội rõ nét, từ đó giúp tỉnh có những điều chỉnh kịp thời.
Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào mạnh mẽ góp phần thay đổi diện mạo bộ mặt nông thôn, vì vậy mùa giải năm nay đã có nhiều bài viết công phu, phản ánh sinh động phong trào xây dựng nông thôn mới. Đã có những bài viết mang tính tổng kết thực tiễn, từ đó đưa ra những kiến giải nhằm thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển nhanh bền vững. Có thể kể ra loạt bài “Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp: Nhất thiết phải tái cơ cấu” của tác giả Thanh Phúc (Báo Yên Bái), đã rất đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu đúc kết cả một giai đoạn về tái cơ cấu nông nghiệp.
Sự am hiểu công phu trong việc tìm ra những giải pháp cho một vấn đề đã đem về thành công cho một tác phẩm thời sự giàu chất phóng sự này. Hay tác phẩm “Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới” của tác giả Hùng Cường, tác phẩm “Nông thôn mới - đổi thay diện mạo nông thôn miền núi” của tác giả Mạnh Cường...(Báo Yên Bái) Các bài viết không những giúp công tác tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu mà còn giúp các địa phương, bộ, ngành liên quan kịp thời có những giải pháp góp phần đưa chương trình sớm đạt mục tiêu đề ra. Trong tác phẩm “Những cái lý "phí" giống nòi” người đọc sẽ cảm nhận rõ những băn khoăn, day dứt về nạn tảo hôn ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số của tác giả Thanh Ba (Báo Yên Bái), điều đó đã thôi thúc tác giả quyết tâm tìm hiểu, để rồi tìm ra những “lý” vô cùng phi lý của đồng bào nơi đây. Câu chuyện buồn một lần nữa lại được viết ra nhưng cũng mở ra những hy vọng mới về sự đổi thay của vấn nạn tảo hôn.
Cuộc sống trở lên sinh động hơn trong các tác phẩm phát thanh, một bức tranh bằng âm thanh, nhịp điệu làm cho độc giả cảm nhận ró nét hơn về những đổi thay trên quê hương Yên Bái, từ câu chuyện làm giàu của chàng trai người Mông từ chỗ chỉ biết phá rừng, đốt rừng lại trở thành người biết giữ rừng, khai thác thế mạnh từ rừng và làm giàu từ trồng rừng khiến người dân thôn Khe Căng, xã Cát Thịnh (huyện Văn Chấn) phải học theo trong tác phẩm “Chuyện làm giàu của Chảo A Tỉnh” của nhóm tác giả Dương Tình - Công Thanh - Vàng Mai (Đài PT - TH tỉnh). Đó còn là câu chuyện dùng mìn tự chế đánh bắt cá trên hồ Thác Bà trong tác phẩm “Làng chài không yên tĩnh” của nhóm tác giả Thuỳ Trang - Trung Dũng (Đài PT - TH tỉnh) khiến bạn nghe đài phải trăn trở, suy nghĩ. Với cách sử dụng tiếng động nền, âm nhạc hài hoà đã tạo được hiệu ứng cho tác phẩm. Đi vào nỗi đau của những người sử dụng mìn tự chế gây hậu quả lâu dài cho bản thân, gia đình, xã hội không những vậy tác phẩm còn đặt ra câu hỏi về vấn đề an ninh chính trị trong việc mua, bán và sử dụng vật liệu nổ cũng như bảo vệ môi trường sinh thái.
Bên cạnh những tác phẩm nêu gương, không ít tác phẩm viết về mặt trái của xã hội đã chuyển tải và phản ánh đúng mực, khách quan, chính xác và mang tính xây dựng, cũng như đề xuất những giải pháp, kinh nghiệm giúp các cấp, các ngành tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện, như tác phẩm “Chuyện về những chiếc công tơ điện” của nhóm tác giả Kiều Mười - Đức Thành (Đài TT-TH Yên Bình), tác phẩm “Đường cao tốc hoàn thành: Nỗi lo người dân” của nhóm tác giả Bích Thu - Lê Long; tác phẩm “Chè Phình Hồ một tiềm năng bị bỏ ngỏ” của tác giả Thành Nam...
Các tác phẩm ảnh báo chí năm nay cũng bám sát những sự kiện chính trị lớn của đất nước, của tỉnh. Nhiều tác phẩm được các tác giả đầu tư công phu, nội dung sâu sắc, đạt hiệu quả tuyên truyền cao như nhóm ảnh “Có một Trường Sa như thế” của nhóm tác giả Thanh Ba - Thanh Miền (Báo Yên Bái). Có những tác phẩm đã chú trọng đến việc xử lý thông tin, nội dung vấn đề cần phản ánh thông qua hình ảnh, bố cục ánh sáng, góc độ thể hiện hết sức sống động và chân thực, như nhóm ảnh “Nét đẹp văn hoá từ một cuộc thi” của tác giả Ngọc Đồng; “Mùa măng” của tác giả Anh Dũng (Báo Yên Bái); “Nghề truyền thống” của tác giả Tuấn Vũ... Tuy vậy, có thể nói ảnh báo chí vẫn ít về số lượng tác giả tham dự giải và chưa thực sự có những tác phẩm chất lượng cao. Bởi vậy, mùa giải năm nay không có giải A cho thể loại ảnh báo chí là điều đáng tiếc.
Một năm nhìn lại, báo chí Yên Bái đã vẽ lên một bức tranh tổng thể, toàn diện có đầy đủ hình ảnh, âm thanh, màu sắc, phản ánh trung thực, kịp thời mọi mặt đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Báo chí cũng không ngần ngại vạch trần cái xấu, để cùng lên án, đấu tranh. Nhưng trên hết đó là những cố gắng, đóng góp của các phóng viên, nhà báo, họ đã phải nhọc nhằn, thấm đẫm mồ hôi, bám sát cơ sở, cuộc sống để nói lên tiếng nói của người dân, mỗi miền quê Yên Bái. Những người làm báo Yên Bái đã thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, xây dựng lập trường chính trị vững vàng, không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ, kỹ năng làm báo, giữ vững sự trong sáng của đạo đức nghề nghiệp, để báo chí Yên Bái luôn xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân.
Thanh Thùy
Các tin khác
YBĐT - Trong những ngày này, những người làm báo cả nước phấn khởi, tự hào kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2015). Trong 90 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã đồng hành với lịch sử dân tộc, là một bộ phận không thể tách rời của tiến trình cách mạng nước ta.
YBĐT - Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2015), Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí và các thế hệ những người làm báo Yên Bái. Báo Yên Bái xin trích đăng bài phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường tại buổi gặp mặt.
YBĐT - Trong quãng đời làm, báo vùng cao luôn là đề tài hấp dẫn với tôi. Bởi lẽ, cuộc sống đang thay da đổi thịt ở vùng cao, vùng các dân tộc thiểu số đã cuốn hút, mang lại nhiều cảm hứng, do đó những tác phẩm như: "Người giỏi Pá Hu", "Chuyện từ làng Dao Khe Ván", "Về vùng đặc sản nếp Tan", "Lênh đênh làng ven"... không chỉ là sự thích thú cho bản thân mà còn để lại ấn tượng đẹp trong lòng bạn đọc.
YBĐT - Giữa tháng Năm, tôi đến xã Đại Minh, huyện Yên Bình thực hiện bài viết về việc quy hoạch nghĩa trang theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tôi đã tìm hiểu tình hình chung, các vấn đề liên quan qua Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện, UBND xã. Nhưng tôi muốn, phải xuống tận cơ sở để nắm bắt thông tin kỹ hơn. Và tất cả những nơi tôi đã đến, đều chân thực, sống động với mọi tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu bức thiết của người dân về vấn đề này. Cũng theo câu chuyện của người dân, tôi tìm tới thôn Khả Lĩnh.