Xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương
- Cập nhật: Thứ hai, 22/10/2012 | 10:10:48 AM
YBĐT - Trong 30 năm qua, nhà trường đã đào tạo được 2.822 học sinh, trong đó 2.465 học sinh đã tốt nghiệp và nay đang công tác, lao động, sản xuất trên khắp mọi miền của quê hương, đất nước.
Đồng chí Tạ Văn Long - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái trao bằng công nhận trường trung học đạt chuẩn quốc gia cho nhà trường. Ảnh: văn tuấn
|
Được thành lập tháng 10 năm 1982, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông (THPT) tỉnh Yên Bái tiền thân là Trường Thanh niên dân tộc vừa học vừa làm Bảo Hà.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc được giải phóng, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc nâng cao dân trí cho đồng bào các dân tộc ít người. Nhiều trường học dành riêng cho con em đồng bào các dân tộc ít người được thành lập. Trường Thanh niên dân tộc số 2 Bảo Hà (đóng trên địa bàn xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) ra đời trong bối cảnh đó.
Năm 1976, sau khi thành lập tỉnh Hoàng Liên Sơn đã hợp nhất Trường Thanh niên dân tộc số 2 Bảo Hà (Lào Cai), Trường Thanh niên dân tộc Lũng Mu (Nghĩa Lộ), Trường Thanh niên dân tộc Mông Sơn (Yên Bái) thành Trường Thanh niên dân tộc số 2 Bảo Hà và học sinh được tuyển trên toàn địa bàn tỉnh Hoàng Liên Sơn.
Sau chiến tranh biên giới năm 1979, Trường Thanh niên dân tộc số 1 từ Làng Giàng (Lào Cai) chuyển về sáp nhập thành Trường Thanh niên dân tộc vừa học vừa làm Bảo Hà.
Năm học 1982 - 1983, trước yêu cầu phát triển, UBND tỉnh Hoàng Liên Sơn quyết định chuyển một bộ phận giáo viên và học sinh của Trường Thanh niên dân tộc vừa học vừa làm Bảo Hà về Yên Bái, tiếp quản cơ sở của Trường Trung học Sư phạm 10+2 Yên Bái đóng trên địa bàn xã Minh Bảo, thị xã Yên Bái để thành lập trường mới mang tên Trường Phổ thông trung học Vùng cao với 20 cán bộ, giáo viên, nhân viên và ba lớp 10 gồm 105 học sinh.
Đến năm học 1985 - 1986, nhà trường được xây dựng mới ở trung tâm tỉnh lỵ tại tổ 26, phường Đồng Tâm, thị xã Yên Bái với khu phòng học, khu ký túc xá và phòng làm việc trong các dãy nhà cao tầng. Từ năm 1986 đến năm 1992, làn gió đổi mới của nghị quyết đại hội Đảng các cấp đem lại đã tạo ra sức sống mãnh liệt cho toàn xã hội nói chung, cho ngành giáo dục - đào tạo và Trường Phổ thông trung học dân tộc nội trú Vùng cao nói riêng.
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách do chuyển từ thời kỳ bao cấp sang cơ chế thị trường song nhà trường vẫn kiên trì phấn đấu, khắc phục những khó khăn trước mắt, đặc biệt chú trọng nâng cao trình độ đội ngũ, đổi mới phương pháp giảng dạy, từng bước đi lên một cách vững chắc. Năm học 1992 - 1993, hai năm sau khi chia tách tỉnh Hoàng Liên Sơn thành hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai, trường đã tiễn học sinh thuộc địa bàn tỉnh bạn về Lào Cai.
Địa bàn tuyển sinh thu hẹp, nguồn tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, chất lượng đầu vào thấp, trước thực tế đó, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã quyết tâm phấn đấu vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của Đảng, chính quyền và của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Bước sang thế kỷ XXI, chất lượng đào tạo toàn diện của Trường THPT Dân tộc nội trú thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái ngày càng được nâng lên, quy mô có lúc lên tới 18 lớp tuyển sinh trên địa bàn toàn tỉnh và Phân hiệu 2 đặt tại Trường Trung học Sư phạm (thị xã Nghĩa Lộ) do giáo viên Trường Trung học Sư phạm đảm nhiệm giảng dạy.
Đến tháng 8 năm 2009 (năm học 2009 - 2010), Phân hiệu 2 tách lập trường mới có tên là Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Miền Tây tỉnh Yên Bái. Đến năm học 2010 - 2011, nhà trường được đổi tên thành Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Yên Bái. Trong giai đoạn này, cơ sở vật chất của nhà trường được tỉnh, ngành quan tâm đầu tư trang bị các phòng học bộ môn: Tin học, Vật lý, Hóa học, Ngoại ngữ và Thư viện, phòng làm việc của Ban giám hiệu, nhà ăn của học sinh...
Từ năm 1982 đến nay, nhà trường đã 4 lần đổi tên và di chuyển địa điểm 2 lần. Vượt qua khó khăn của các thời kỳ đặc thù, nhà trường vững vàng, từng bước phát triển; quy mô đào tạo tăng từ 3 lớp lên 10 lớp/năm, số học sinh tăng từ 105 lên 357 học sinh/năm.
Chất lượng giáo dục toàn diện không ngừng được nâng lên qua từng năm học: tỷ lệ xếp loại đạo đức tốt, khá hàng năm duy trì từ 96% - 99%; tỷ lệ lên lớp tăng từ 95% lên 100%; tỷ lệ tốt nghiệp luôn đứng trong tốp đầu của tỉnh (có nhiều năm đạt 100%); tỷ lệ học sinh xếp loại học lực giỏi tăng từ 0% - 6,2%; tỷ lệ học sinh đỗ đại học, cao đẳng tăng dần từ 40% đến 80%; hàng năm luôn có học sinh đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia và hội thi văn hóa - thể thao các trường phổ thông dân tộc nội trú toàn quốc...
Thầy giáo Nông Ngọc Xô - Phó hiệu trưởng nhà trường trò chuyện với các em học sinh.
Đến nay, nhà trường có 27 giải học sinh giỏi quốc gia, 46 giải học sinh giỏi cấp tỉnh; 15 giải các môn văn hóa tại hội thi văn hóa - thể thao các trường phổ thông dân tộc nội trú toàn quốc; 62 lượt cán bộ, giáo viên được công nhận là chiến sĩ thi đua và giáo viên giỏi cấp tỉnh; 114 lượt cán bộ, giáo viên được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở; 2 nhà giáo được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; 01 nhà giáo đang đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; 6 nhà giáo có trình độ thạc sĩ; nhiều năm liền, tập thể nhà trường được công nhận là trường tiên tiến, tập thể lao động tiên tiến, tập thể lao động xuất sắc, trong đó có 3 năm liền là đơn vị thi đua dẫn đầu khối THPT toàn tỉnh.
Ghi nhận những công lao, đóng góp của các thế hệ thầy và trò trong quá trình xây dựng và phát triển của nhà trường, năm 1997 - sau 15 năm thành lập - nhà trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, năm 2005 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; năm 2010 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Tháng 12 năm 2011, nhà trường được công nhận trường trung học đạt chuẩn quốc gia, vượt trước hai năm so với lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia của tỉnh. |
Năm học 2011 - 2012, nhà trường có 14 giải học sinh giỏi cấp tỉnh, 06 giải học sinh giỏi quốc gia (đứng thứ 2 sau Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành); 15 cá nhân đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, 03 cá nhân đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”, 04 cá nhân được UBND tỉnh tặng bằng khen; nhà trường đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”.
Chi bộ nhà trường luôn đạt trong sạch, vững mạnh, nhiều năm đạt “Cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu”; tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Chữ thập đỏ đều là những đơn vị thi đua xuất sắc được cấp Trung ương tặng cờ thi đua.
Trong 30 năm qua, nhà trường đã đào tạo được 2.822 học sinh, trong đó 2.465 học sinh đã tốt nghiệp và nay đang công tác, lao động, sản xuất trên khắp mọi miền của quê hương, đất nước. Nhiều cựu học sinh đã trưởng thành, là những kỹ sư, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ; là nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học, nhà giáo, giảng viên các trường đại học, cao đẳng; là đại biểu Quốc hội, cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, chính quyền, đoàn thể ở địa phương; là sĩ quan trong lực lượng vũ trang…
Đặc biệt, có những cựu học sinh nay trở về công tác tại trường, tiếp tục sự nghiệp giáo dục các thế hệ đàn em thân yêu. Các gương mặt học sinh tiêu biểu như: Lý Seo Dìn - học sinh khóa I, nay là ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Bắc Hà (Lào Cai); Lương Văn Thức - học sinh khóa II, nay là ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái; Hoàng Thị Làng - học sinh khóa I, nay là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Yên Bái; Hoàng Thị Vĩnh - học sinh khóa III, nay là Phó ban Dân vận Tỉnh uỷ Yên Bái; Lý Thị Diện - học sinh khóa VI, Đại biểu Quốc hội khóa X; Triệu Thị Bình - Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII; Tiến sỹ Hà Hải Yến - học sinh khóa II, nay công tác tại Nhà Xuất bản Giáo dục; Tiến sỹ Hà Minh Sơn - học sinh khóa VI, nay là giảng viên Học viện Tài chính; thạc sỹ Lục Thị Vinh - học sinh khoá III, nay đang công tác tại nhà trường…
Họ là đại diện tiêu biểu, ưu tú nhất của các thế hệ học sinh trong những năm qua và là niềm tin yêu của bạn bè, thầy cô. Các thế hệ học sinh của nhà trường đã và đang góp phần tích cực trong công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm rạng danh truyền thống nhà trường.
Nhiều cán bộ, giáo viên nhà trường chuyển công tác, giữ chức vụ trọng trách các ban của Đảng, chính quyền, đoàn thể… thuộc các tỉnh Lào Cai, Yên Bái... Những nhà giáo tiêu biểu như: Nhà giáo ưu tú Hà Văn Định, Nhà giáo ưu tú Đinh Văn Long và các nhà giáo Lý Ngọc Đại, Đào Minh Châu, Lê Ngân, Nguyễn Trung Thiềng, Nguyễn Quân Hồng, Vũ Ngọc Lan, Trần Thị Phương Hà, Hoàng Ngọc Long, Lê Thế Vinh, Nguyễn Trung Kiên, Lý Ối Chí, Cao Như Lại, Nguyễn Văn Quyết... đã để lại nhiều dấu ấn và những kỷ niệm đẹp ở mái trường này.Những thế hệ học sinh không thể quên sự chăm sóc tận tình của các nhân viên nhà trường như các bác Phạm Thị Sinh, Phạm Thị Hào, Vũ Thị Bé, Nguyễn Thị Hải, Vũ Minh Quang...
Đặc biệt, 30 năm qua, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Giáo dục & Đào tạo cùng sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh. Nhà trường vinh dự được đón nhiều vị nguyên thủ quốc gia như: Tổng Bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Võ Chí Công… cùng nhiều ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh và nhiều Anh hùng lực lượng vũ trang, nhà khoa học, nhà văn, nhạc sỹ đã đến thăm, động viên thầy và trò nhà trường.
Quán triệt tinh thần các nghị quyết của Đảng và Nhà nước về giáo dục và đào tạo, phát huy những thành tích đã đạt được, xác định nhiệm vụ trong thời gian tới, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh tiếp tục thực hiện sáng tạo, hiệu quả các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành giáo dục; tiếp tục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Bên cạnh đó tập trung chỉ đạo thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện “dạy chữ”, “dạy người” và định hướng nghề cho học sinh; duy trì và nâng cao tỷ lệ học sinh khá, giỏi, học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia.
Đồng thời đổi mới công tác quản lý theo hướng khoa học, hiệu quả, phù hợp điều kiện nhà trường; không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ thông qua cử giáo viên đi đào tạo, nâng cao trình độ và đẩy mạnh công tác tự học, tự bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên đề bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp trong quản lý, phối hợp giáo dục toàn diện học sinh; quản lý và tổ chức tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh; bảo đảm giữ vững an ninh trật tự, an toàn trong nhà trường. Nhà trường phấn đấu duy trì tiêu chuẩn trường trung học đạt chuẩn quốc gia.
Sự nghiệp giáo dục dân tộc nói chung, công tác đào tạo và giáo dục con em các dân tộc thiểu số ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Yên Bái nói riêng vừa là nhiệm vụ trước mắt vừa là chiến lược lâu dài của Đảng và Nhà nước ta. Thầy và trò nhà trường quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”, xây dựng nhà trường không ngừng phát triển và trưởng thành, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.
Nông Ngọc Xô - Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú
Trung học phổ thông tỉnh Yên Bái.
Nông Ngọc Xô - Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Yên Bái
Các tin khác
YBĐT - Chuyên mục “Chuyện thường ngày” xuất hiện trên Báo Yên Bái trong giai đoạn tờ báo có nhiều đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng, thỏa mãn hơn nhu cầu người đọc, đặc biệt là cải tiến nội dung làm “mềm” hoá tờ báo.
YBĐT - Đối với mỗi tờ báo, phóng viên chuyên sâu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong nâng cao chất lượng nội dung. Hòa chung vào công cuộc “Đổi mới báo chí vì sự nghiệp đổi mới đất nước”, từ chỗ chỉ có duy nhất một phòng phóng viên, Báo Yên Bái đã có các phòng chuyên sâu, làm cho nội dung của mỗi tác phẩm báo chí thêm sâu sắc.
YBĐT - Những năm qua, Ban Nữ công Báo Yên Bái đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, góp phần đáng kể vào những thành tích xuất sắc của Báo Yên Bái nói riêng và báo chí tỉnh nói chung.
YBĐT - Trong những năm đánh Mỹ, cùng với toàn miền Bắc, ở tỉnh Yên Bái cũng sôi nổi phong trào "Thanh niên ba sẵn sàng", "Phụ nữ ba đảm đang", "Phụ lão ba giỏi"... ở vùng núi xa xôi, thanh niên Văn Chấn mở hội tòng quân cứu nước... Các huyện phía đông của tỉnh, ngoài các phong trào chung còn thành lập các tiểu đoàn mang tên Yên Ninh vào với đồng bào tỉnh Ninh Thuận kết nghĩa, cùng tham gia chiến đấu.