Báo Yên Bái ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu thời sự

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/10/2012 | 10:10:30 AM

YBĐT - Những năm gần đây, sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin được Báo Yên Bái nắm bắt, ứng dụng kịp thời góp phần quan trọng phát huy tối đa tính thời sự, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền.

Đội ngũ những người làm Báo Yên Bái không ngừng học tập làm chủ công nghệ thông tin ứng dụng vào công tác xuất bản báo.
Đội ngũ những người làm Báo Yên Bái không ngừng học tập làm chủ công nghệ thông tin ứng dụng vào công tác xuất bản báo.

Vào trước năm 2000, hàng ngày phóng viên đi lấy số liệu về, buổi tối ngồi ở nhà hoặc tới cơ quan ngồi loay hoay bên cuốn sổ tay viết bài bằng bút bi nên một bài viết nhiều khi phải chép đi chép lại đến đến 3 lần.

Ban đầu là bài viết nháp, sau đó thì đọc lại sửa chữa, trau truốt và nắn nót chép lại cho sạch sẽ kẻo biên tập viên đọc chữ xấu dịch không ra, bài biểu dương còn đỡ chứ bài phê phán thì…“ăn đòn”.

Tin, bài ngày ấy nếu theo các đoàn lãnh đạo của tỉnh đi công tác ở xa, hoặc các vấn đề thời sự cần đưa gấp, chúng tôi đều chỉ có cách viết tay và ra bưu điện Fax về hoặc để ngày hôm sau mới có thể đưa được. Nhiều khi đi huyện cả tuần, khi trở về chúng tôi mới bắt đầu viết theo kiểu “gối vụ” hết tư liệu lấy tuần này, lại đi lấy tư liệu cho tuần sau. Thêm nữa có những sự kiện xảy ra ở xã vùng cao nằm cách trung tâm huyện rất xa, đi cả ngày đường mới tới, do vậy thông tin không kịp thời.

Rồi thì máy tính cũng xuất hiện ở Việt Nam, cả Báo Yên Bái cũng chỉ có hai, ba bộ chỉ để phục vụ chế bản báo. Thấy trước yêu cầu thực tế cần phải đổi mới, Ban Biên tập Báo Yên Bái đã sớm tổ chức cho tất cả cán bộ, phóng viên đi học lớp tin học để có kiến thức tiếp cận công nghệ. Buổi đầu đi học với chúng tôi, tin học thực sự là lĩnh vực hết sức mới mẻ.

Ngay sau lớp học, Ban Biên tập đã trang bị cho phòng chế bản một loạt máy mới, còn phòng phóng viên được tiếp nhận các máy tính cũ của phòng chế bản phục vụ đánh văn bản. Ban đầu chúng tôi ngồi trước máy tính mà không biết làm thế nào để vào mạng được. Viết bài, ngồi trước máy tính mà chưa rõ hết đâu là dấu sắc, dấu hỏi… do vậy, không ít phóng viên chưa đánh bài được vẫn nộp bản viết tay.

Để phóng viên buộc phải tiếp cận và sử dụng hiệu quả máy tính, Ban Biên tập qui định, các bài viết của phóng viên phải là bản đánh máy đã gửi vào máy truyền bài trong mạng LAN của cơ quan mới sử dụng, buộc phóng viên phải đầu tư tâm sức học hỏi ứng dụng công nghệ mới. Đánh được bài rồi, chúng tôi mới thấy được cái tiện ích của nó. Ngồi viết bài trước máy tính, đoạn văn nào không hay, câu từ nào không phù hợp có thể thay đổi được ngay, không phải gạch xóa như viết tay, nên bản thảo bài viết ra sáng sủa đỡ khổ cho biên tập viên.

Cũng từ đó chúng tôi bắt đầu mày mò thiết lập hộp thư và học gửi bài qua hộp thư điện tử, tất cả không có thầy chỉ là bảo nhau mà thôi. Từng bước, Báo Yên Bái đã xây dựng và hình thành được Tòa soạn điện tử. Các bài viết của phóng viên, cộng tác viên đều có hộp thư điện tử để gửi tới thay vì gửi qua đường bưu điện mất thời gian chậm thời sự như ngày xưa. Vì vậy, rất nhiều sự kiện như trận lũ quét năm 2005 ở Ba Khe xã Cát Thịnh (Văn Chấn), hay trận lũ lịch sử năm 2008… gây nhiều thiệt hại về người và tài sản được thông tin kịp thời thông qua Báo Yên Bái điện tử và Báo Yên Bái thời sự giúp cho cả nước biết tới và hướng về vùng lũ. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, mà nhiều sự kiện chính trị trong tỉnh, các huyện, thị, xã, thôn, bản được thông tin kịp thời trên báo.

Để tạo điều kiện cho phóng viên ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin tác nghiệp, những năm gần đây Báo Yên Bái đã có nhiều hình thức đầu tư hỗ trợ phương tiện cho phóng viên. Cùng với việc đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ cho phát triển truyền hình Internet, Báo đã xây dựng qui chế hỗ trợ phóng viên một phần ngoài khoản tiền  của cá nhân khi mua máy tính xách tay và máy ảnh kỹ thuật số. Vì thế đến nay, hầu hết phóng viên Báo Yên Bái đều có máy tính xách tay và máy ảnh kỹ thuật số sử dụng 3G có thể tác nghiệp đưa tin, ảnh nhanh chóng các sự kiện, sự việc diễn ra ở bất kỳ đâu chỉ trong ít phút.

Có thể ví dụ vụ sạt đất ở xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải) vừa qua làm chết nhiều người đi mót quặng sắt được phóng viên Báo Yên Bái đưa tin kịp thời trên Báo Yên Bái thời sự và truyền hình Internet trên Báo Yên Bái điện tử ngay sau khi sự việc xảy ra, cũng như các hoạt động khắc phục cứu trợ nạn nhân. Hay dịch tai xanh ở lợn diễn ra ở Văn Chấn, phóng viên trực tiếp phát hiện đưa tin, đồng thời bám sát cơ sở để phản ánh tình hình cũng như biện pháp khắc phục.

Nhờ tiếp thu và ứng dụng nhanh, hiệu quả công nghệ thông tin đã giúp Báo Yên Bái đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu thông tin và nhiệm vụ chính trị của tỉnh Yên Bái trong thời kỳ mới.   

Đào Minh

Các tin khác
Phóng viên Báo Yên Bái tác nghiệp tại cơ sở.

YBĐT - Đối với tôi, gần chục năm làm nghề, kỷ niệm vui thật nhiều, buồn cũng lắm nhưng những chuyến đi về vùng sâu, vùng xa vẫn là ấn tượng khó quên.

Một số tác phẩm ảnh đoạt giải cao của cuộc thi.
(Ảnh: Nguyễn Giang)

YBĐT - Những hình ảnh “đắt” trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nét đẹp trong phong tục tập quán, lễ, hội, các trò chơi dân gian, các điệu múa… được các tác giả thể hiện với nhiều góc độ khác nhau đã làm nổi lên được chủ đề của từng bức ảnh, giúp độc giả khó tính khi xem bức ảnh cũng có thể “đọc được” nội dung mà tác giả muốn chuyển tải tới người xem.

Phóng viên Báo Yên Bái trao đổi kinh nghiệm làm báo.

YBĐT - Đến hôm nay nhìn lại, tôi đã gắn bó với Báo Yên Bái được trên chục năm. Giờ tôi đã là một phóng viên được xếp vào hàng “tốp ten” của Báo. Nhưng những ngày đầu tiên ấy thì dường như vẫn thật mới mẻ, như vừa mới đây thôi.

Đồng chí Tạ Văn Long - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái trao bằng công nhận trường trung học đạt chuẩn quốc gia cho nhà trường. Ảnh: văn tuấn

YBĐT - Trong 30 năm qua, nhà trường đã đào tạo được 2.822 học sinh, trong đó 2.465 học sinh đã tốt nghiệp và nay đang công tác, lao động, sản xuất trên khắp mọi miền của quê hương, đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục