Những bài học quý làm nghề

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/10/2012 | 3:00:02 PM

YBĐT - Thế là đã 20 năm có lẻ tôi bước chân vào nghiệp làm báo. Ngần ấy thời gian đủ để cho tôi trải nghiệm những niềm vui và cả những khó khăn, vất vả của nghề báo.

Phóng viên Báo Yên Bái điện tử kiểm tra máy quay trước khi ghi hình.
Phóng viên Báo Yên Bái điện tử kiểm tra máy quay trước khi ghi hình.

Trước khi đi làm, tôi được bố - một người đã gắn bó cả cuộc đời với nghiệp báo chia sẻ rằng: “Nghề báo là một nghề khá đặc thù, được đi đây, đi đó, đi vào từng ngóc ngách của cuộc sống, có khi buổi sáng vừa đến với bà con nông dân nhưng đến trưa, chiều lại ngồi phỏng vấn các nhà lãnh đạo, các chính trị gia nổi tiếng. Nhưng dù có đi đâu, làm gì, phỏng vấn ai cũng đòi hỏi nhà báo phải có cái nhìn khách quan, trung thực và nắm bắt vấn đề nhanh nhậy, có lý, có tình.

Đặc biệt phải có cái tâm trong sáng, nhất là làm báo trong nền kinh tế thị trường”! Thấm thoắt đã hai mươi năm có lẻ tôi theo nghiệp báo và cho đến hôm nay tôi vẫn không thể quên được chuyến công tác đầu tiên khi mới “chân ướt chân ráo” vào nghề. Đó là năm 1992, tôi được phân công cùng đoàn cán bộ liên ngành của tỉnh và huyện Văn Chấn đi lên xã vùng cao Tú Lệ để tuyên truyền, vận động bà con nhân dân nơi đây phá bỏ cây thuốc phiện.

Ròng rã nửa ngày đường bỏ lại phía sau phố phường rộn rã, những ngôi nhà xây trát đá rửa, kính màu lộng lẫy, chiếc xe Uoat vật vã với những cung đường ổ trâu, đá hộc, cuối cùng thì Tú Lệ mộng mơ trong nắng, trong sương dần hiện ra. Đứng trước trụ sở UBND xã, phóng tầm mắt ra cánh đồng Tú Lệ, tôi như lạc vào cánh đồng hoa rực rỡ bởi những gam màu xanh, tím, trắng, đỏ, vàng chạy tít tới chân trời.

Thấy tôi mê mẩn với vẻ đẹp đó, anh bạn đồng nghiệp bên Đài PTTH tỉnh tủm tỉm cười và nói nhỏ với tôi: “Hoa Anh túc đấy!”. “Ơ hay! Loài hoa đẹp lạ lùng và kiêu sa thế kia sao lại phá đi nhỉ?” - trong tôi tự hỏi những điều “ngớ” đến vậy đấy. Ngay ngày hôm sau đoàn công tác liên ngành cùng công an, bộ đội, lực lượng dân quân xã và cả người dân Tú Lệ ra cánh đồng hoa ấy để đập, để phá bỏ loài hoa đẹp kiêu sa và mê mẩn ấy để trồng lúa, trồng ngô, trồng lúa nếp tan - một đặc sản của vùng cao này.

Sau chuyến đi công tác ấy về trong tôi vẫn chưa “cắt nghĩa” được tại sao Đảng, Nhà nước lại vận động bà con xóa bỏ cây thuốc phiện? Thế rồi trong một chuyến công tác lên huyện vùng cao Trạm Tấu, rời thị trấn thông reo, men theo những con đường đất đỏ đến với các bản người Mông với những ngôi nhà siêu vẹo dựa lưng vào núi, thi thoảng lại bắt gặp những trai làng, gái bản mặt xám xịt bởi nghiện thuốc phiện đi siêu vẹo không ra hồn người, bấy giờ tôi mới hiểu ý nghĩa sâu xa của việc xóa bỏ cây thuốc phiện là để bảo vệ nòi giống, bảo vệ xã hội.

Với những nhận thức đó cùng với những hướng dẫn, chỉ bảo của các chú, các anh, chị đi trước đã tôi rèn giũa thêm khả năng “viết lách” của mình và từng bước trưởng thành trong nghề hơn. Trong số những bài báo đã viết, nhiều bài có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương và được dư luận chú ý đến.

Mới đây thôi, trong vai một cán bộ lâm nghiệp đi nắm bắt thông tin, ghi hình chụp ảnh để củng cố tư liệu và bằng chứng viết bài phóng sự về tình trạng phá rừng tại huyện vùng thấp, vượt qua những khu rừng trồng, cuối cùng chúng tôi cũng đến được được bãi tập kết gỗ của “lâm tặc”. Đang quay phim, chụp ảnh thì một số thanh niên tóc xanh, tóc đỏ, xăm trổ đầy mình, một  người to béo như “Trương Phi”, đầu trọc lóc, tay lăm lăm cầm “phớ” quây lấy tôi hất hàm hỏi rồi buông ra những lời nói rất “giang hồ”. Đang lúc tình thế gay go thì có mấy người dân địa phương đi lấy củi, bẻ măng về giải cứu tôi ra khỏi đám “thảo khấu”.

Sau chuyến đi đó về tôi viết phóng sự “Hãy giữ lấy rừng...” và được Báo Yên Bái đăng lên trang nhất. Sau khi báo phát hành, gặp phải sự phản ứng dữ dội từ địa phương đó, họ cho rằng bài báo viết không đúng sự thật, thậm chí còn đưa ra “yêu sách” kỷ luật phóng viên đã viết bài vu khống.

 Rất may là các đồng chí trong Ban biên tập, đặc biệt là đồng chí Tổng biên tập hoàn toàn tin tưởng, ủng hộ và yêu cầu tôi củng cố thêm tài liệu, bằng chứng để làm việc với cán bộ địa phương. Đang trong quá trình củng cố thêm tài liệu thì UBND tỉnh cho thành lập đoàn kiểm tra, đích thân Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm trưởng đoàn đi kiểm tra thực tế tình trạng chặt, phá rừng theo Báo Yên Bái đã nêu.

Đoàn kiểm tra thực tế thấy rằng tình trạng chặt phá rừng ở địa phương nọ là có thật 100%, không chỉ có vậy mà việc chặt phá, khai thác còn lớn hơn nhiều so với báo đã nêu. Sau khi có kết luận của đoàn kiểm tra tôi mới được “minh oan” và vị cán bộ ở địa phương nọ cũng không thấy đến báo yêu cầu “kỷ luật” phóng viên nữa.

Sau vụ việc ấy, cán bộ kiểm lâm địa bàn, cán bộ xã, huyện đã rút kinh nghiệm và kiểm điểm sâu sắc. Bản thân tôi cũng đã rút ra được những bài học bổ ích trong quá trình tác nghiệp, ngoài việc đi, nhìn, nghe, phân tích thì cũng cần phải có “bảo bối” để phòng khi cơ sở phản hồi.

Những năm tháng làm nghề đã cho tôi thấy, làm báo không chỉ biết nghe, quan sát mà còn phải biết nhìn xa, nhìn đúng định hướng và phải biết phân tích tình hình chứ không phải thấy gì cũng viết, cũng đưa tin. Mỗi bài báo viết ra không chỉ mang một lượng thông tin đến cho người đọc mà còn phải mang tính chuyên môn, có hàm lượng chất xám và hữu ích cho xã hội.

Ngọc Trúc

Các tin khác
Đội ngũ những người làm Báo Yên Bái không ngừng học tập làm chủ công nghệ thông tin ứng dụng vào công tác xuất bản báo.

YBĐT - Những năm gần đây, sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin được Báo Yên Bái nắm bắt, ứng dụng kịp thời góp phần quan trọng phát huy tối đa tính thời sự, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền.

Phóng viên Báo Yên Bái tác nghiệp tại cơ sở.

YBĐT - Đối với tôi, gần chục năm làm nghề, kỷ niệm vui thật nhiều, buồn cũng lắm nhưng những chuyến đi về vùng sâu, vùng xa vẫn là ấn tượng khó quên.

Một số tác phẩm ảnh đoạt giải cao của cuộc thi.
(Ảnh: Nguyễn Giang)

YBĐT - Những hình ảnh “đắt” trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nét đẹp trong phong tục tập quán, lễ, hội, các trò chơi dân gian, các điệu múa… được các tác giả thể hiện với nhiều góc độ khác nhau đã làm nổi lên được chủ đề của từng bức ảnh, giúp độc giả khó tính khi xem bức ảnh cũng có thể “đọc được” nội dung mà tác giả muốn chuyển tải tới người xem.

Phóng viên Báo Yên Bái trao đổi kinh nghiệm làm báo.

YBĐT - Đến hôm nay nhìn lại, tôi đã gắn bó với Báo Yên Bái được trên chục năm. Giờ tôi đã là một phóng viên được xếp vào hàng “tốp ten” của Báo. Nhưng những ngày đầu tiên ấy thì dường như vẫn thật mới mẻ, như vừa mới đây thôi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục