Đưa 90.000 lao động đi làm ở nước ngoài trong năm 2014
- Cập nhật: Thứ tư, 8/1/2014 | 8:11:24 AM
Ngày 7/1, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Đào Công Hải đã trao đổi với các phóng viên về tổng quan tình hình đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2013 và những giải pháp nhằm đưa nhiều lao động có tay nghề ra nước ngoài làm việc để có mức thu nhập cao hơn trong năm 2014.
Người lao động làm thủ tục vay tiền để đi xuất khẩu lao động.
|
- Xin ông đánh giá kết quả đạt được của Việt Nam trong công tác xuất khẩu lao động năm 2013?
- Ông Đào Công Hải: Ngay từ đầu năm 2013, Chính phủ đã giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ tiêu đưa 85.000 lao động sang làm việc ở nước ngoài. Trong năm, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã đạt hơn 88.000 người, vượt trên 3.000 lao động so với chỉ tiêu đề ra. Thành công này phải kể đến các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc).
Thị trường Malaysia có mức lương khiêm tốn, phù hợp với lao động Việt Nam từ vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; khi chưa xin được việc làm trong nước, người lao động Việt Nam sang làm việc tại Malaysia cũng rất thuận lợi. Đến nay, Việt Nam có khoảng 90.000 lao động làm việc ở Malaysia.
Do mức lương khiêm tốn, năm 2013 chỉ khoảng 12.000 lao động Việt Nam sang Malaysia. Đây là thị trường còn nhiều tiềm năng, do đó trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh thị trường này.
Tiếp theo là Đài Loan - thị trường xuất khẩu lao động dẫn đầu với hơn 43.000 lao động Việt Nam sang làm việc năm 2013. Đây là một thị trường rất tiềm năng, lao động sang làm việc có mức thu nhập rất cao, khoảng 600-700 USD/tháng, tùy theo ngành nghề, lĩnh vực sản xuất chế tạo, chăn nuôi, trồng trọt, giúp việc trong các trung tâm dưỡng lão...
Thứ ba là thị trường Nhật Bản. Năm 2013, Việt Nam đã đưa được gần 10.000 lao động tu nghiệp sinh sang Nhật Bản làm việc. Đồng thời, phía Nhật Bản cũng đang tuyển chọn y tá, hộ lý của Việt Nam sang làm việc. Đây là công việc đòi hỏi kỹ năng cao cũng như cần đào tạo bài bản cả về ngoại ngữ cũng như chuyên môn. Đến nay, phía Nhật Bản đã tiếp nhận hai đợt với khoảng 300 lao động. Hy vọng rằng nếu lao động Việt Nam làm tốt công việc này ở thị trường Nhật Bản sẽ mở ra các cơ hội mới tại thị trường khác như Canada, Hoa Kỳ, Australia - những nơi cũng có nhu cầu về y tá, hộ lý rất lớn.
Thứ tư là thị trường Hàn Quốc. Đây là thị trường trong năm 2013 phải đóng cửa nhưng đến ngày 31/12/2013, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ trưởng Lao động Việc làm Hàn Quốc đã ký Bản ghi nhớ đặc biệt nối lại việc đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.
Mặc dù thị trường Hàn Quốc tạm đóng cửa nhưng trong năm qua vẫn có khoảng gần 5.000 lao động sang làm việc tại nước này. Đó là các lao động về nước đúng thời hạn, lao động trung thành được chủ sử dụng lao động tuyển dụng lại hay một số lao động sang làm ngư nghiệp. Sang năm 2014, thị trường này sẽ có cơ hội rộng mở hơn.
Ngoài ra, Cộng hòa Liên bang Đức đã ký biên bản ghi nhớ với Việt Nam, tuyển chọn các lao động đã qua đại học, cao đẳng y tá, hộ lý sang làm việc giống như Nhật Bản. Nếu đạt yêu cầu sang làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức, đây sẽ là một tín hiệu vui đối với người lao động.
Các thị trường Trung Đông cũng có nhu cầu cao về xây dựng. Việt Nam đang có một số lượng lao động làm việc tại Angola và Thái Lan nhưng chưa có đủ giấy phép lao động, visa cư trú. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang đàm phán tiến tới ký biên bản ghi nhớ về hợp tác lao động với hai nước này để hợp thức hóa cho người lao động.
- Các chỉ tiêu được đặt ra đầu năm đã hoàn thành và vượt mức, tuy nhiên, theo ông, những hạn chế nào cần khắc phục để xuất khẩu lao động Việt Nam chiếm lĩnh được các thị trường mới, tạo lập được niềm tin, uy tín đối với các thị trường truyền thống?
- Ông Đào Công Hải: Việt Nam đã có Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực xuất khẩu lao động là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Nội vụ đưa ra các chính sách cũng như các quy định về thủ tục hành chính về tài chính, ký quỹ, xử phạt... Các thông tư hướng dẫn, nghị định đã hướng dẫn cụ thể.
Đến nay, Việt Nam có khoảng 180 doanh nghiệp được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp giấy phép để cung cấp tất cả các dịch vụ về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong 500.000 lao động đang ở 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, khoảng 80% do các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đưa đi. Ngoài ra, các tỉnh thành phố còn có các ban chỉ đạo xuất khẩu lao động.
Để giải quyết việc làm, phát triển kinh tế của gia đình, nhiều lao động nước ta có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài nhưng "hành trang" của họ còn khiêm tốn, ngoại ngữ, kỹ năng nghề còn hạn chế, đặc biệt là kinh nghiệm trong sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, các công tác thông tin, phối hợp, thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử phạt vi phạm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động... còn có những hạn chế nhất định.
Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn của năm 2013, chúng ta đã đạt vượt kế hoạch đề ra, mở ra "tín hiệu sáng" tại một số thị trường xuất khẩu lao động. Các bộ, ngành, địa phương cần hợp tác tốt để tiếp tục thành công hơn trong thời gian tới.
- Xin ông cho biết chỉ tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và những thị trường hứa hẹn trong năm 2014?
- Ông Đào Công Hải: Theo tôi, trong năm 2014, Việt Nam có thể đưa khoảng 85.000 đến 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo trong năm 2014 sẽ có khoảng 15.000-20.000 lao động được đưa đi làm việc tại Malaysia.
Đối với thị trường Đài Loan, trong năm 2014, cần cố gắng giữ vững hoặc vượt "con số kỷ lục" 43.000 người. Tại Nhật Bản, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phấn đấu phải đạt được mốc 10.000 lao động đi tu nghiệp sinh. Và đặc biệt, với việc thị trường Hàn Quốc đã mở cửa trở lại, với hơn 10.000 lao động Việt Nam đã thi tiếng Hàn tháng 12/2011, cùng với các lao động đi làm việc trong các lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, hy vọng sẽ đạt được khoảng 10.000-12.000 lao động. Ngoài ra, các thị trường lao động tại Trung Đông cũng có tiềm năng với nhu cầu lớn về xây dựng.
- Một trong bốn thị trường truyền thống cần tập trung chú ý trong đó có thị trường Hàn Quốc đã được nối lại vào cuối tháng 12/2013. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn ở Hàn Quốc có giảm nhưng chưa nhiều. Theo ông, giải pháp nào cần đẩy mạnh trong năm 2014?
- Ông Đào Công Hải: Đây là vấn đề cần trao đổi thêm về việc vì sao phía Hàn Quốc đóng cửa tạm thời trong một năm đối với lao động Việt Nam. Đó là việc các lao động Việt Nam ở lại bất hợp pháp khi hết hạn hợp đồng rất đông. Để nối lại việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc, Chính phủ Hàn Quốc và Chính phủ Việt Nam đã trao đổi, đàm phán, đưa ra các chế tài xử lý mạnh. Đó là việc thí điểm ký quỹ cho người lao động đi làm việc ở Hàn Quốc.
Trước đây, người lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS sẽ không phải chịu sức nặng về tài chính trước khi đi, nhưng nay người lao động muốn đi làm việc tại Hàn Quốc sẽ phải ký quỹ 100 triệu đồng Việt Nam. Nếu những lao động này ở lại bất hợp pháp sẽ không những bị xung tiền ký quỹ (100 triệu) vào ngân sách của địa phương nơi cư trú mà còn bị phạt hành chính từ 80-100 triệu đồng Việt Nam. Đây là hai chế tài mạnh tạo ra một áp lực lớn hơn lên vai của người lao động.
Bên cạnh đó, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã khai trương văn phòng đại diện tại Hàn Quốc để tăng cường gặp gỡ, tuyên truyền, giám sát, quản lý, nhắc nhở người lao động về nước đúng hạn. Những chế tài xử lý này giúp phía Hàn Quốc yên tâm ký lại biên bản ghi nhớ với Việt Nam và khẳng định sau một năm, nếu thực hiện tốt việc này, chương trình EPS sẽ được mở bình thường trở lại và Hàn Quốc vẫn là một thị trường có sức hấp dẫn rất cao đối với lao động Việt Nam. Hy vọng người lao động và gia đình của mình hiểu được điều này và cố gắng thực hiện tốt các chính sách, quy định.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(Theo TTXVN)
Các tin khác
YBĐT - Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) là góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thời gian qua, Trung tâm Dạy nghề huyện Văn Yên (Yên Bái) đã nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo nghề, từng bước giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn.
Đây là một trong những điểm mới của Nghị định số 148/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề chính thức được áp dụng từ ngày 15/12/2013.
Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, 11 tháng năm 2013, cả nước giải quyết việc làm cho trên 1 triệu lao động, đạt 87,8% kế hoạch.
Điều này được thể hiện trong quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.