Hơn 4/5 lực lượng lao động không có bảo hiểm xã hội
- Cập nhật: Thứ tư, 15/10/2014 | 2:19:03 PM
Sáng 15-10, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi cùng đại diện các bộ ngành có liên quan đã tham dự hội thảo “Vấn đề thu, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế - Thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế”.
Theo thông tin tại hội thảo, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) ở nước ta hiện vào khoảng trên 10,8 triệu người, đa số là bảo hiểm bắt buộc (20,04% năm 2013). Bảo hiểm tự nguyện chỉ chiếm tỷ lệ không đáng kể (0,29%). Như vậy vẫn còn tới hơn 4/5 lực lượng lao động không có bảo hiểm xã hội, tiềm ẩn những nguy cơ lớn về an sinh xã hội.
Trong khi đó, mức độ tuân thủ thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc khá thấp. Hiện có khoảng 35% lao động hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội, hoặc doanh nghiệp không đóng cho người lao động.
Đáng lưu ý, không chỉ có BHXH mà tình trạng chây ỳ cũng diễn ra ở tương tự đối với bảo hiểm y tế (BHYT) và có chiều hướng gia tăng. Ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 8-2014, có 47.315 đơn vị với gần 674.000 lao động tham gia BHXH bắt buộc còn nợ 11.562 tỷ đồng tiền BHXH, BHYT. Về số đơn vị, có 18% nợ và trong số này có đến trên 8.000 đơn vị đã ngừng hoạt động. Ngoài những đơn vị này, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động cũng không tuân thủ chính sách nộp bảo hiểm bắt buộc vì nhiều nguyên nhân, một trong số này là do lãi suất phạt chậm nộp chỉ ở mức 10,45%, thấp hơn mức lãi suất mà đơn vị đi vay ngân hàng.
“Ngay cả khi khởi kiện thì tỷ lệ thu được nợ cũng không cao. Tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy, từ năm 2010 – 2013 đã khởi kiện gần 4.000 vụ, tổng số tiền thu được là 736 tỷ đồng/ 1.788 tỷ đồng tiền nợ”, ông Sinh cho biết.
Qua phân tích tác động tiêu cực của hành vi trốn đóng, nợ BHXH, BHYT, các đại biểu tham dự hội thảo đã kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật BHXH theo hướng mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia BHXH, có chính sách hỗ trợ kinh phí đóng BHXH tự nguyện, đảm bảo tính khả thi, ổn định của chính sách và cân đối Quỹ BHXH. Đồng thời, đề nghị bổ sung vào Bộ Luật Hình sự tội trốn đóng BHXH, tội chiếm dụng tiền BHXH của người lao động…
Với Chính phủ, đề nghị thống nhất quy định để giải quyết các trường hợp đơn vị nợ BHXH, BHYT được coi là đã “mất tích”, giải thể hoặc phá sản và chủ doanh nghiệp là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam khi không có tài sản để thu hồi… Việc xử lý các trường hợp Tòa án đã xử nhưng doanh nghiệp không còn tài sản cũng như quyền lợi của người lao động khi doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT cũng là những câu hỏi cần sớm có lời giải đáp.
(Theo SGGP)
Các tin khác
YBĐT - Theo kế hoạch, hàng năm, thị xã Nghĩa Lộ đào tạo nghề cho từ 400 - 500 lao động, đạt 80% số lao động được khảo sát theo nhu cầu thực tế. Trong đó, có 65% ngành nghề nông nghiệp, 35% ngành nghề phi nông nghiệp.
Ngày 6/10, vừa trở về từ Hàn Quốc, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, phía bạn rất thiện chí về hợp tác trong lĩnh vực lao động nên hy vọng có thể sẽ được khai thông thị trường lao động vào tháng 12 tới với hơn 10.000 lao động mỗi năm.
Đa số các thí sinh đoạt giải trong các kỳ thi tay nghề ASEAN đều trở thành giảng viên trong cơ sở dạy nghề hoặc làm việc ở nước ngoài tại các doanh nghiệp với vị trí đặc biệt, có thu nhập cao.
Theo thống kê mới nhất, lực lượng lao động cả nước ước tính đến thời điểm 01-10-2014 là 54,4 triệu người, tăng 583,2 nghìn người so với cùng thời điểm năm 2013, trong đó lao động nam chiếm 51,6%, lao động nữ chiếm 48,4%.